Với “Xứ Đông Dương” bạn sẽ bị lôi cuốn bởi cách viết của tác giả, khám phá và tìm thấy nhiều điều mới mẻ mà bạn chưa từng đọc được trước đó về một giai đoạn lịch sử Việt Nam.
Hồi ký Xứ Đông Dương là cuốn sách tái hiện một giai đoạn lịch sử Việt Nam dưới góc nhìn mới mẻ, gợi lại một giai đoạn lịch sử đầy biến động và bi thương mà Việt Nam và các nước láng giềng đã trải qua.
Xứ Đông Dương, được dịch nguyên bản từ tiếng Pháp: L’Indo-Chine française. Tác giả cuốn sách là một trong những người góp phần tạo ra giai đoạn lịch sử nói trên – ông Joseph Athanase Paul Doumer, từng là Toàn quyền Đông Dương (1897-1902), sau này là Tổng thống Cộng hòa Pháp (1931-1932).
Cuốn sách thuộc thể loại hồi ký đúng như tên gọi và tác giả cũng khẳng định trong Lời mở đầu: “Người ta yêu cầu tôi sắp xếp lại các ký ức của mình, đặc biệt dành cho giới trẻ, cho những con người sẽ là công dân, những người lính của ngày mai”. Nhưng đọc hết cuốn sách, bạn sẽ thấy nội dung của nó rất hấp dẫn, vượt xa khỏi thể loại hồi ký vì trước tiên, cuốn sách đã tạo cho tác giả một cơ hội lý tưởng để đưa ra những nhận xét, đánh giá, thậm chí cả lời khuyên mang đậm nhãn quan chiến lược về nhiều lĩnh vực của một chính trị gia, một nhà quản lý đầy kinh nghiệm và có nhận thức sâu sắc về thời cuộc.
Ngay ở Lời mở đầu, tác giả đã phân tích tường tận bối cảnh – có thể nói rất phức tạp – dẫn đến việc ông được bổ nhiệm Toàn quyền Đông Dương. Đó là cuộc tranh cãi quyết liệt, chia rẽ sâu sắc chính giới Pháp liên quan đến câu hỏi liệu hệ thống thuộc địa Pháp nói chung và xứ Đông Dương nói riêng có lợi ích gì đối với chính quốc không trong khi nước Pháp luôn phải trợ cấp cho xứ sở này? Bản thân ông Doumer là một trong những người ủng hộ nhiệt thành sự gắn bó của Pháp với hệ thống thuộc địa. Hơn hết, ông là ứng cử viên lý tưởng được mọi phe phái chấp nhận.
Trên thực tế, Paul Doumer, người rất am hiểu về Đông Dương vì từng là báo cáo viên về ngân sách cho các xứ thuộc địa tại Nghị viện Pháp, được cả giới chính trị lẫn thuộc địa nhìn nhận là “người cần có tại đó” và “không thể không [được] trao chính quyền Đông Dương” để cứu vãn thuộc địa và xây dựng nên một bộ máy thống trị của Pháp phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa lần nhứ nhất tại Đông Dương.
Chương I – Từ Paris đến Sài Gòn ghi lại hành trình đi nhậm chức của ông. Ở mỗi xứ sở ông dừng chân, từ Ai Cập đến Singapore qua Ấn Độ, Ceylon, tác giả đều đưa ra những đánh giá mang tính chất địa-chính trị vào cuối thế kỷ XIX. Trong cuốn sách ông viết về Ai Cập: “Điều tạo ra giá trị muôn đời của Ai Cập không nằm ở bản thân đất nước này, dù nó lớn tới đâu, mà nằm ở vị trí tuyệt vời của Ai Cập, nơi tỏa ra các con đường tới các châu lục cổ là châu Âu, châu Á và châu Phi’’. Tầm nhìn của ông về vị trí chiến lược của Singapore sau hơn một thế kỷ vẫn giữ nguyên giá trị. “Singapore là một trong những cảng tàu bè qua lại nhiều nhất để tới các vùng biển Viễn Đông. Mọi tuyến đường biển đều phải qua đây: châu Âu đi Trung Quốc, Nhật Bản, Siberia, Đông Dương và Xiêm La. Người ta thấy tầm quan trọng về thương mại và chiến lược của địa điểm này, “cái rốn” của hành tinh. Như mọi người nghĩ, người Anh không để cho nước khác nghĩ tới chuyện chiếm Singapore. Vì thế họ sở hữu gần như mọi điểm giao cắt trên thế giới và giám sát các tuyến hàng hải. Họ muốn làm chủ mặt biển và họ coi Singapore là một trong những cách hữu hiệu để đạt được mục đích đó”.
Các chương II, III, IV, V, VI với tiêu đề là những địa danh, lần lượt là: Tổng quan về Đông Dương, Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Cao Miên và Ai Lao, vừa được viết theo lối hành văn hồi ký, vừa chứa đựng những kiến thức về lịch sử, địa lý, thiên nhiên, con người, văn hóa của xứ Đông Dương. “Bây giờ là lúc cần đưa ra một khái niệm chính xác hơn về Đông Dương, điều kiện tự nhiên của nó ra sao, chính trị và kinh tế ở đó vào năm 1897 thế nào, và những thay đổi gì đã diễn ra tại đó, tiếp theo là phải gợi lại từng sự kiện và nhen lại ấn tượng mà tôi đã trải nghiệm khi gặp gỡ, khi tiếp xúc với Đông Dương lần đầu”. Qua những trang sách này, bạn đọc sẽ thấy tác giả là một người quan sát rất tinh tế và có khả năng dẫn chuyện hết sức cuốn hút. Dõi theo ngòi bút của ông, ta có cảm giác được du ngoạn qua các vùng miền khác nhau mang bản sắc riêng và đầy sống động cũng như khuyết tật của xứ Đông Dương cuối thế kỷ XIX.
Chương VII được đặt tên một cách kiêu hãnh Sự trỗi dậy của Đông Dương là bản tổng kết về sứ mệnh Toàn quyền Đông Dương của tác giả. Theo đó ông tự nhận đã tạo ra “một nền hòa bình vững chắc”, “một bộ máy chính trị và hành chính hợp lý, nền tài chính vững mạnh, cùng một hệ thống giao thông cơ bản”.
Cuốn sách được viết dưới con mắt của một Toàn quyền nhằm tự khẳng định rằng mình đã “hoàn thành trọng trách lớn lao…[ở] Đông Dương tốt hơn bất kỳ ai khác” “với niềm tự hào phụng sự nước Pháp”. Như vậy, lẽ đương nhiên nó chứa đựng nhiều sự kiện, nhiều đánh giá mang nặng tính chủ quan, không trùng khớp với lịch sử mà chúng ta từng biết và không phù hợp với cách nhìn của Việt Nam về cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất tại Đông Đương.
Paul Doumer không chỉ là một nhà cai trị, ông còn là một học giả, một chính trị gia đầy tham vọng muốn biến Đông Dương trở thành một nước Pháp ở Viễn Đông. Ông vốn là người đã cai quản cả Đông Dương và từng giữ một chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Tài chính của Pháp và sau này từng làm chủ tịch Hạ viện, rồi chủ tịch Thượng viện Pháp nên những suy nghĩ và đánh giá của ông rất khác với nhiều tác giả thuộc địa khác. Không chỉ dừng lại ở việc ghi chép về người thật việc thật, tác giả còn thể hiện rõ tầm nhìn xây dựng và phát triển quốc gia trong bối cảnh xứ Đông Dương nhưng cũng trong viễn cảnh chung của cộng đồng nước Pháp.
Hoa Khang – Zing.vn