Gần đây, nhiều đơn vị xuất bản trong nước lựa chọn xuất bản theo hình thức song ngữ Việt – Anh, với nhiều thể loại như sách tranh, sách văn học, sách kỹ năng… Xu hướng này được đánh giá là một công đôi việc, khi độc giả có thể tự học tiếng Anh mà các đơn vị xuất bản cũng có cơ hội quảng bá ấn phẩm ra nước ngoài.

Nhà văn Trương Huỳnh Như Trân (trái) trong chương trình ra mắt bộ sách tranh Chuyện ở rừng Vi Vu tại Đường sách TPHCM
Nhà văn Trương Huỳnh Như Trân (trái) trong chương trình ra mắt bộ sách tranh Chuyện ở rừng Vi Vu tại Đường sách TPHCM

Đáp ứng nhu cầu

Từ hiệu ứng tích cực của bộ sách tranh Chuyện ở rừng Vi Vu (10 tập) xuất bản trước đây, nhà văn Trương Huỳnh Như Trân vừa phát triển thành truyện dài cùng tên. Ngoài thay đổi về dung lượng và hình thức, Chuyện ở rừng Vi Vu còn được thực hiện theo phương thức song ngữ Việt-Anh, do nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh chuyển ngữ.

Chia sẻ về lý do thực hiện bản song ngữ, nhà văn Trương Huỳnh Như Trân cho biết: “Ở lần xuất bản này, ngoài thị trường trong nước, tôi còn hướng đến đối tượng độc giả ở nước ngoài. Đó chính là những gia đình Việt có con sinh ra ở nước ngoài, không muốn con mình bị mất gốc tiếng Việt. Với những bé đã biết chữ, có thể rành tiếng Anh hơn tiếng Việt, phiên bản song ngữ để tiện cho các bé đối chiếu. Điều này ngược lại cũng giúp ích cho độc giả trong nước, vì sẽ học được tiếng Anh khi đọc sách”.

Trước đó, nhiều đơn vị xuất bản trong nước cũng đã lựa chọn hình thức xuất bản song ngữ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Có thể kể đến Đinh Tị Books với Truyện tranh song ngữ Việt-Anh cho bé (12 tập), Sách chuyển động thông minh đa ngữ Việt-Anh-Pháp (18 tập), Truyện cổ tích Việt Nam song ngữ (10 tập)… Chibooks có Aki nói cám ơn (3 tập), Câu chuyện Giáng sinh (5 tập), Tủ sách câu chuyện cổ tích như: Lọ lem, Cô bé quàng khăn đỏ, Người thổi sáo thành Hamelin, Quyết định của bò, Ánh bình minh đầu tiên, Chiếc hộp Pandora…

NXB Tổng hợp TPHCM cũng bắt nhịp xu hướng này với các bộ sách của nhóm tác giả – TS tâm lý học Lê Thị Linh Trang và Ngô Thị Thanh Tiên, gồm: Bé học kỹ năng sống tự lập (4 cuốn), Dạy con tài chính (6 cuốn), Kỹ năng thoát hiểm cho bé (7 cuốn). Riêng ấn phẩm Hip Hop ở xứ sở của Ellsaby của tác giả Isabelle Müller được thực hiện đa ngữ Đức-Anh-Việt. Vào tháng 4 tới đây, ấn phẩm tiếp theo của tác giả này là Hip Hop và khu rừng bạch quả sẽ được ra mắt và cũng được thực hiện đa ngữ.

Bà Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Chibooks, cho rằng, phần lớn sách được làm song ngữ là sách dành cho thiếu nhi và chủ yếu vẫn là sách tranh, nhiều hình, ít chữ. Với những đầu sách dày, nhiều chữ thì không thể in song ngữ vì nó đòi hỏi phải dịch sâu hơn, mà giá thành cũng sẽ cao hơn.

Đầu tiên là nội dung

Theo ông Nguyễn Đức Vịnh, Tổng Biên tập Đinh Tị Books, hiện tại sách song ngữ của Đinh Tị đang hướng đến mọi đối tượng, là những cuốn sách có phần ngữ pháp đơn giản, dễ hiểu, có thể phần nào giúp ích trẻ em trong việc học tiếng Anh. Quan trọng hơn, việc in song ngữ phải không làm tăng giá bán cuốn sách. Với giá bán không đổi mà còn có thể giúp ích nhất định cho việc học ngoại ngữ, sức tiêu thụ của sách song ngữ tốt hơn những cuốn sách thông thường một chút. Mặc dù vẫn chủ yếu hướng tới độc giả trong nước và chưa nhắm đến thị trường nước ngoài, nhưng ông Vịnh thừa nhận: “Làm sách song ngữ đúng là một cách hay để tiếp cận với độc giả thế giới, tuy nhiên điều quan trọng vẫn là nâng cao chất lượng nội dung của cuốn sách trước đã”.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Lệ Chi cho rằng, in song ngữ thực sự là một công đôi việc: độc giả trong nước có thêm cơ hội để học thêm ngoại ngữ còn các đơn vị xuất bản cũng rất thuận lợi cho việc tham gia các hội chợ sách quốc tế, khách nước ngoài đọc được, thậm chí con cái Việt kiều cũng đọc được. “Trong trường hợp các NXB nước ngoài quan tâm, những ấn phẩm được làm song ngữ sẽ giúp họ rất nhiều trong việc thẩm định nội dung, từ đó sẽ có quyết định mua bản quyền và dịch sang nước họ hay không”, bà Lệ Chi nói.

Ngoài ra, cũng theo bà Nguyễn Lệ Chi, sách song ngữ mang đến cơ hội mở để có thể in được nhiều dạng ngôn ngữ khác nhau khi có một nước khác mua bản quyền lại. “Người ta có thể mua bản quyền và dịch lại theo ngôn ngữ của quốc gia đó dựa trên bản song ngữ, như Anh-Trung hoặc Việt-Trung. Quan trọng nhất là có tiếng Anh, là ngôn ngữ phổ biến nên dễ dàng để dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau”, bà Lệ Chi lý giải.

Theo chia sẻ của chị Vũ Thị Yến, đại diện NXB Tổng hợp TPHCM, vào tháng 5 tới đây, NXB Tổng hợp TPHCM sẽ cùng một số đơn vị xuất bản của Việt Nam tham gia Hội sách thiếu nhi châu Á tại Singapore. Ngoài đẩy mạnh việc khai thác bản quyền nước ngoài, NXB Tổng hợp TPHCM cũng sẽ mang đến hội sách lần này các bộ sách song ngữ, đa ngôn ngữ xuất bản trước đây.

“Sách in song ngữ là một phương thức tốt để mở cánh cửa cho các tác giả Việt Nam bước ra thế giới. Ngoài đối tượng là người Việt ở nước ngoài, các tác giả Việt Nam hoàn toàn có thể viết cho mọi độc giả trên toàn thế giới đọc, qua việc chuyển dịch ra các ngôn ngữ khác”, nhà văn Trương Huỳnh Như Trân chia sẻ.

nguồn: https://www.sggp.org.vn/xuat-ban-sach-song-ngu-don-dau-co-hoi-post683522.html