Trong biết bao câu ca dao của cha ông, hình ảnh của cây đa, bến nước, con đò thật gắn bó, thân quen. Nhưng nhiều năm trở lại đây, sự phát triển không ngừng của kinh tế – xã hội kéo theo sự thưa vắng dần của những con đò, phà. Cuốn sách ảnh “Tiếng gọi đò” của NSND Nguyễn Hữu Tuấn ghi lại những khoảnh khắc của “cái thời sống chậm” để các thế hệ sau nếu không còn con đò trong đời sống thì vẫn còn những tấm ảnh tư liệu để mà hình dung.

NSND Nguyễn Hữu Tuấn tâm sự: “Bây giờ đường sá đã thênh thang, từ núi cao, chớp mắt đã thấy đồng bằng. Chạy hơn tiếng đồng hồ dưới xuôi, biển đã hiện ra trước mặt. Cảnh vật vùn vụt trôi qua, nhanh quá, nhiều khi người chụp ảnh còn chưa nhận rõ vùng miền”. Nhưng mặc cái sự vùn vụt của thời gian, của các phương tiện di chuyển hiện đại, NSND Nguyễn Hữu Tuấn chọn cách “đi chậm”. Đi chậm để không chỉ chụp những gì nhìn thấy, mà còn cả những gì nghe thấy, ngửi thấy. Bởi với ông, những cánh đồng, con người, tiếng nước chảy hay mùi rơm rạ…, tất thảy đều “gây cảm xúc cho tôi”, khiến ông “chỉ chụp theo tiếng gọi của nó. Không vì cái gì khác. Không theo kỳ vọng của ai”.

Chậm rãi chớp từng khoảnh khắc theo tiếng gọi của vạn vật bất biến xung quanh, những bức ảnh của NSND Nguyễn Hữu Tuấn trở thành chiếc cầu, nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Song, mỗi bức ảnh không chỉ là một khoảnh khắc, mà đằng sau khoảnh khắc ấy là cả một đời sống, có khi được ông chú thích bằng đôi ba chữ, có khi lại được giãi bày bằng nhiều câu nhiều dòng, lại có khi là cả một câu chuyện nho nhỏ được ông kể lại, khiến người đọc, người xem ngẫm ngợi. Là sách ảnh, nhưng từ đầu đến cuối, cuốn sách không chỉ nổi bật ở phần ảnh mà còn cuốn hút độc giả bởi lối viết dung dị, dí dỏm và sâu sắc của ông.

Ông bảo, “trên đò không chỉ có nắng, có gió, có vị ngọt của dòng sông mà còn có cả vị mặn của dòng đời”. Đó là khi ông chụp những tấm ảnh của “lỡ chuyến đò chiều”, của “taxi đò”, của những mảnh đời nơi quán nước liêu xiêu bên bến đò, hay như khi ông nhận ra, “về nông thôn tôi thường gặp bóng những người phụ nữ hối hả đạp xe trên đường đê. Thường là họ tạt qua y tế xã, qua thăm bà ngoại hoặc rẽ vào chợ mua thêm mớ rau. Mỗi ngày cũng hàng chục cây số, một năm mấy trăm cây. Thế mà các ông… cứ ngồi”.

Không “cứ ngồi” như nhân vật nam trong tấm ảnh của mình, NSND Nguyễn Hữu Tuấn rong ruổi khắp các nẻo đường đất nước để làm đầy “kho báu” bằng các thước phim kinh điển của các bộ phim điện ảnh như “Thị xã trong tầm tay”, “Thương nhớ đồng quê”, “Mảnh trời riêng”, “Hoa ban đỏ”, “Bến không chồng”… cùng vô số bức ảnh. Chọn lọc 85 khoảnh khắc trong hàng ngàn bức ảnh đã chụp trong hơn ba mươi năm, từ năm 1987 đến năm 2018, “Tiếng gọi đò” là tập sách ảnh đầu tiên của nhà quay phim nổi tiếng Nguyễn Hữu Tuấn.

Sách “Tiếng gọi đò” được in khổ lớn, hai màu đen trắng, song ngữ Việt – Anh. Đặc biệt, hầu hết chú thích, giới thiệu trong sách là chữ viết tay của chính tác giả. Một ngày nào đó, khi những bến nước, con đò đều được thay thế bằng những chiếc cầu, tiếng gọi “đò ơi” chỉ còn nghe kể lại, thì những bức ảnh của NSND Nguyễn Hữu Tuấn sẽ là nhân chứng cho mai sau…

nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/1036324/khoanh-khac-cua-nhung-tieng-goi