Nhân dịp ra mắt tác phẩm Hoàng tử bé, tối 18-12, NXB Phụ nữ Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu với bạn đọc theo hình thức trực tuyến. Với sự tài trợ của Quỹ Jean-Marc Probst vì Hoàng tử bé, 2.000 cuốn sách sẽ được dành tặng cho học sinh Lâm Đồng.
Chương trình giao lưu trực tuyến có sự tham dự của dịch giả Nguyễn Tấn Đại; ông Jean-Marc Probst, người sáng lập Quỹ Jean-Marc Probst vì Hoàng tử bé; PGS-TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên bộ SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống”; bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc NXB Phụ nữ Việt Nam; chị Vũ Thị Thanh Tâm, quản lý Dự án “Ô cửa sách” trong vai trò MC và gần 300 bạn đọc.
Hoàng tử bé của nhà văn và phi công Pháp Antoine de Saint-Exupéry được xuất bản lần đầu năm 1943 ở Mỹ với hai ấn bản, một tiếng Anh và một tiếng Pháp, trở thành kiệt tác của nền văn học hiện đại. Cho tới nay, đã có khoảng 200 triệu bản được bán ra trên toàn thế giới, với hàng trăm thứ tiếng.
Tác phẩm được ví như một câu chuyện ngụ ngôn, một câu chuyện cổ tích khiến bao bạn đọc nhỏ tuổi lẫn lớn tuổi say mê và đắm chìm vào cuộc du hành qua các vì sao của cậu bé tóc vàng mà tất cả chúng ta đã luôn gọi bằng cái tên thân thương “hoàng tử bé”.
Trong lần trở lại này, ấn bản Hoàng tử bé của NXB Phụ nữ Việt Nam được xuất bản với bộ ảnh gốc do Quỹ Jean-Marc Probst vì Hoàng tử bé (Fondation Jean-Marc Probst pour Le Petit Prince) cung cấp, theo sự cho phép của ông Oliver d’Agay, chủ tịch Quỹ Thừa kế Saint Exupéry-d’Agay.
Ở Việt Nam, Hoàng tử bé từng gắn liền với bạn đọc qua nhiều bản dịch gắn liền với những dịch giả khác nhau như Trần Thiện Đạo, Bùi Giáng, Nguyễn Thành Long, Vĩnh Lạc, Trác Phong…
Bà Khúc Thị Hoa Phượng cho biết, NXB Phụ nữ Việt Nam có ý định dịch và giới thiệu một số tác phẩm kinh điển của thế giới, thông qua những dịch giả mới. Và Hoàng tử bé là tác phẩm đầu tiên nằm trong kế hoạch này.
“Những tác phẩm kinh điển có giá trị sống rất lâu dài, chính vì giá trị vô cùng quý giá đó nên có rất nhiều dịch giả ở nhiều thế hệ khác nhau đều mong muốn được thử sức. Vì vậy, chúng tôi rất vui mừng được giới thiệu những dịch giả trẻ với những dịch phẩm kinh điển”, bà Hoa Phượng cho biết.
Cũng theo bà Hoa Phượng, bản dịch của dịch giả Nguyễn Tấn Đại từ nguyên bản tiếng Pháp đã thể hiện được tinh thần của tác phẩm gốc và cũng thể hiện được sự trong trẻo của tác phẩm.
Có lẽ, đây cũng chính là một trong những lý do lần đầu tiên, dù có nhiều dịch phẩm từ trước đó nhưng bản dịch của dịch giả Nguyễn Tấn Đại được chọn làm ngữ liệu sách giáo khoa Ngữ văn 6 – tập một (Bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”) do PGS-TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên.
Từ Thụy Sĩ, ông Jean-Marc Probst đã có những chia sẻ thú vị xung quanh tác phẩm Hoàng tử bé và nhà văn Antoine de Saint-Exupéry với độc giả Việt Nam. Và đặc biệt, một trong những nghĩa cử khiến những người tham dự không khỏi xúc động khi ông Jean-Marc Probst cho hay, Quỹ Jean-Marc Probst vì Hoàng tử bé sẽ gửi tặng 2.000 cuốn sách Hoàng tử bé cho học sinh của tỉnh Lâm Đồng.
“Lâm Đồng là một địa phương rất đặc biệt, có sự gắn kết với quỹ của chúng tôi. Cách đây hơn 1 thế kỷ, có một bác sĩ gốc Thụy Sĩ là Alexandre Yersin, trên hành trình sang Việt Nam làm việc, đã khám phá ra cao nguyên Langbiang. Có một tình cảm đặc biệt giữa quỹ với bác sĩ Alexandre Yersin và quê hương Lâm Đồng như vậy”, ông Jean-Marc Probst chia sẻ.
HỒ SƠN
nguồn: https://www.sggp.org.vn/2000-cuon-sach-hoang-tu-be-den-voi-hoc-sinh-lam-dong-783109.html
Có thể bạn muốn xem
Hắt xì – Yêu bằng trái tim của một siêu anh hùng
Dọn nhà, dọn cửa, gột rửa trái tim
Vở ballet: Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ ngọt ngào đêm Giáng Sinh
Tục ‘Gửi Tết’ của người Việt
‘Nhật ký Che Guevara’ – ngày tháng cuối cùng
‘Tôi ổn – Bạn ổn’ – Giải phóng bản thân và thay đổi cuộc đời
“Bữa tiệc” sách phong phú từ “Tháng Ba sách Trẻ”
BIẾN MỌI THỨ THÀNH TIỀN
Cha mẹ Mỹ dạy con tại nhà như thế nào?