Bộ 03 cuốn sách “Phẩm cách Quốc gia”, “Phẩm cách Cha mẹ”, “Phẩm cách Phụ nữ” từng gây xôn xao dư luận Nhật Bản sẽ lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam

Trong khoảng hai năm từ năm 2005 đến 2007, có ba cuốn sách liên tiếp ra đời như một hiệu ứng dây chuyền và làm cho dư luận Nhật Bản nổi sóng một thời gian dài. Ba tác phẩm đó đều chia sẻ một từ khóa chung gợi rất nhiều liên tưởng là “phẩm cách” gồm các tác phẩm: Phẩm cách quốc gia (2005), Phẩm cách phụ nữ (2006), Phẩm cách cha mẹ (2007). Năm 2006, từ “phẩm cách” giành giải thưởng cho từ ngữ mới xuất hiện tại Nhật Bản. Số lượng bản phát hành hàng triệu bản chỉ tính riêng tại Nhật Bản cho thấy sức hút của bộ 03 Phẩm cách này.

Cuốn sách “Phẩm cách quốc gia” của tác giả Fujiwara Masahiko đã bán được 2,65 triệu bản tại Nhật Bản chỉ trong vòng 6 tháng kể từ khi ra sách (tháng 11/2005). Theo cha đẻ của cuốn sách “nó đã trở thành cuốn sách vô cùng hiếm hoi bàn về quốc gia có phẩm cách được viết ra bởi một tác giả không có phẩm cách” (Fujiwara Masahiko vốn làmột nhà toán học có tiếng ở Nhật và đã từng giảng dạy toán học nhiều năm ở Anh, Mĩ.) 

Theo dịch giả Nguyễn Quốc Vương, sở dĩ như vậy bởixuất phát từ sự nghi ngờ sức sống của tinh thần lý tính, logic xuất phát từ phương Tây trong đời sống xã hội Nhật Bản, tác giả đã xem xét lại những mệnh đề vốn được coi mặc nhiên là hoàn toàn đúng đắn du nhập từ Âu Mĩ. Trên cơ sở đó ông cho rằng “Nếu chỉ có logic thì thế giới sẽ phá sản”. Đi xa hơn ông cũng đặt ra những câu hỏi lớn cho các những khái niệm như “Tự do”, “Bình đẳng”, “Dân chủ”… Cùng với văn hóa, truyền thống dân tộc, ông cho rằng muốn có quốc gia có phẩm cách thật sự thì phải có các thiên tài và ba điều kiện để có thiên tài gồm: Thứ nhất là phải có “sự tồn tại của cái đẹp”; Thứ hai là phải có “tấm lòng ngưỡng vọng” (tự nhiên và sự bí ẩn); Thứ ba là phải có “môi trường tinh thần”(coi trọng truyền thống và những gì “không có ích ngay”)

Theo ông, Nhật Bản là nơi đã từng có ba thứ đó nhưng hiện nay đang ngày càng mai một. Ông cho rằng muốn nước Nhật trở thành nước có phẩm cách thay vì chỉ biết đến như là nước có tiền và nói chẳng ai nghe thì phải tạo ra và duy trì ba điều kiện ấy.

Còn tác giả của “Phẩm cách phụ nữ”là Bando Mariko. Cuốn sách được đánh giá là cuốn sách tái định vị lại người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Bando Mariko là một nhân vật có tiếng tăm ở Nhật Bản khi hoàn thành xuất sắc cả việc công và việc tư cũng như có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội. Theo dịch giả Nguyễn Quốc Vương, độc giả có thể thấy ở đây một cái nhìn kết nối giữa hình ảnh người phụ nữ truyền thống và hiện đại trong xã hội Nhật Bản. Tới nay, cuốn sách đã bán được hơn 3 triệu bản.

“Phẩm cách cha mẹ” cũng là cuốn sách của tác giả Bando Mariko. Cuốn sách không chỉ bàn chuyện giáo dục con cái mà còn nói về nhiệm vụ “di truyền xã hội”- cha mẹ phải biết cách để lại giá trị tinh thần cho các thế hệ đi sau thông qua việc đào tạo, truyền đạt kinh nghiệm và giá trị sống thay vì chỉ để lại tài sản cho con và những người thân. Theo tác giả Bando Mariko, “Bằng việc nuôi dạy con, bản thân cha mẹ cũng sẽ trưởng thành”.  Hiện nay, cuốn sách đã bán được 90 vạn bản tại Nhật Bản./.

Gia Linh/toquoc.vn