Cảm Ơn Người Lớn – một áng văn lãng mạn trong giọng hài hước đặc biệt “dành cho trẻ em, và những ai từng là trẻ em”.

Bạn sẽ gặp lại Mùi, Tủn, Tí sún, Hải cò… của Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, cùng chơi những trò chơi quen thuộc, và được đắm mình vào những ước mơ điên rồ, ngốc nghếch nhưng trong veo của tuổi mới lớn hồn nhiên và đầy ắp dự định.

Và cả khi họ đã trưởng thành, bạo chúa thời gian đã vùng vẫy thế nào trong cuộc đời của những nhân vật mà bạn yêu quý…

Hãy bắt đầu đọc từ bất cứ trang nào, có thể đọc bất cứ lúc nào, và cùng với bất cứ ai. Bạn sẽ nhận được món quà “n trong 1” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: sẽ n lần thổn thức qua 1 cuốn sách 19 chương đầy ắp tình bạn ngây thơ, tình xóm giềng tốt lành nhân ái, tình yêu đắm đuối ngọt ngào…

Cảm Ơn Người Lớn được Nguyễn Nhật Ánh đặt bút viết đúng sau 10 năm ra đời Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ – cuốn sách bán chạy tới nay đã 400.000 bản.

So với trẻ con, người lớn luôn cảm thấy thiếu thốn và luôn cảm thấy đau khổ. “Ôi, đời tôi sao khổ thế này!” – đó là câu người lớn hay than, từ người không đủ tiền mua một tấm áo đến người thiếu một khoản tiền nhỏ để có thể mua một ngôi nhà lớn.

Trẻ con không bao giờ than như thế, vì bọn tôi cả đời chỉ cần đủ tiền mua bánh kẹo, cà rem, xi-rô, ổi xoài (tất nhiên cuộc đời trẻ con chỉ kéo dài đến chừng nào trở thành người lớn). Đang đói bụng mà có tiền mua một ổ bánh mì là cuộc sống bọn tôi lập tức biến thành màu hồng dù trước đó nó được vẽ bằng gam màu nhem nhuốc gì đi nữa.

Tóm lại, trẻ con chẳng có mơ ước gì cao xa. Nhờ vậy bọn trẻ không có nhiều khổ não, thất vọng hay bất đắc chí như người lớn. Người lớn cũng biết thế nên họ tự đặt ra các câu danh ngôn để tự răn mình. Lớn lên tôi đọc được câu “tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc”“biết đủ thì ắt thấy đủ, còn đợi cho đủ sẽ chẳng bao giờ thấy đủ”. Câu nói rất hay (người lớn bao giờ cũng nói hay) nhưng sau khi gật gù khen hay, người lớn thường làm ngược lại.

(Trích đoạn)

Tác giả :

Nguyễn Nhật Ánh sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955 tại tỉnh Quảng Nam. Ông được coi là một trong những nhà văn thành công nhất viết sách cho tuổi thơ, tuồi mới lớn với hơn 100 tác phẩm các thể loại.

Trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng, Nguyễn Nhật Ánh từng có thời gian đi dạy học, viết báo với nhiều bút danh như Chu Đình Ngạn, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông,… Năm 13 tuổi, ông đã có thơ đăng báo. Năm 1984, tác phẩm truyện dài đầu tiên Trước vòng chung kết đã định vị tên tuổi của ông trong lòng độc giả và kể từ đó, ông tập trung viết cho lứa tuổi thanh thiếu niên.

Tên tuổi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh gắn liền với các tác phẩm làm say lòng độc giả bao thế hệ như Mắt biếc, Cỏn chút gì để nhớ, Hạ đỏ, Cô gái đến từ hôm qua, Chú bé rắc rối,… Truyện của ông được tái bản liên tục và chưa bao giờ giảm sức hút với những người yêu mến chất văn Nguyễn Nhật Ánh.

Ông cũng đã đoạt nhiều giải thưởng như: năm 1990, truyện dài “Chú bé rắc rối” được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, ông được bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của Thành đoàn TP HCM và Báo Tuổi trẻ, đồng thời được Hội Nhà văn TP HCM chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995).

Năm 2010, tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của ông được trao tặng Giải thưởng Văn học ASEAN.

Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh
Nhà xuất bản: NXB Trẻ