Từ sau năm 1975, mặc dù nước ta vẫn còn chứng kiến hai cuộc chiến tranh biên giới nhưng văn học giai đoạn này thường được gọi là văn học hậu chiến. Và kể từ đó, trong suốt mấy chục năm qua, chiến tranh không những chưa bao giờ bị quên lãng trong kí ức của các thế hệ người Việt mà còn luôn được lật trở, tìm kiếm, truy vấn từ những góc độ khác nhau.
Những cuốn tiểu thuyết được ấp ủ trong chiến tranh và được xuất bản ngay sau ngày miền Nam giải phóng như Nắng đồng bằng (Chu Lai), Mở rừng (Lê Lựu), Lửa từ những ngôi nhà(Nguyễn Minh Châu), Trong cơn gió lốc (Khuất Quang Thụy)… tiếp nối dòng mạch văn học chiến tranh đầy âm hưởng hào hùng. Sau đó khoảng chục năm, khi màu sắc sử thi nhạt dần, bên cạnh cái hào hùng, chất bi tráng từng bước hiển diện trong tiểu thuyết. Với Năm 75 họ đã sống như thế (Nguyễn Trí Huân), Đất trắng (Nguyễn Trọng Oánh), Kí sự miền đất lửa (Nguyễn Sinh – Vũ Kỳ Lân), Họ cùng thời với những ai (Thái Bá Lợi), Cửa gió (Xuân Đức)… tiểu thuyết chiến tranh ngày càng chú ý nhiều hơn đến những ranh giới mỏng manh của chiến tuyến và lòng người.
Có thể nói nhiều tác phẩm đã đi đến điểm mút cuối cùng về khả năng phản ánh hiện thực, cái hiện thực ở cả hai chiều chiến thắng – thất bại; quá khứ – hiện tại, là nơi nhà văn gửi gắm những suy tư về con người và cuộc đời từ các góc nhìn khác nhau như Không phải trò đùa (Khuất Quang Thụy), Đại tá không biết đùa (Lê Lựu), Vòng tròn bội bạc, Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai),Chim én bay (Nguyễn Trí Huân), Bến không chồng (Dương Hướng), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Một ngày và một đời (Lê Văn Thảo), Lạc rừng (Trung Trung Đỉnh), Bến đò xưa lặng lẽ(Xuân Đức)…
Với một độ lùi thời gian nhất định đủ để chiêm nghiệm, đánh giá, cái nhìn về chiến tranh không còn đơn giản một chiều như trước, sự diễn giải quá khứ cũng không quá cứng nhắc nhờ đó các nhà văn đã rọi chiếu những sự thật chiến trường và trong tâm hồn người lính. Những trận đánh trong Nỗi buồn chiến tranh xóa sổ cả một tiểu đoàn, những cái chết không đem lại cảm giác về sự anh dũng, kiên cường mà trái lại nó gợi lên sự đau đớn, ghê rợn, ám ảnh. Trong Một ngày và một đời, từng trang sử về cuộc đời một nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn và cuộc tấn công năm 1968 được lật giở qua hồi ức của những người còn sống. Qua rất nhiều nhân chứng, bức màn che phủ trận đánh khốc liệt và tuyệt mù dấu vết năm xưa được vén dần lên đầy đau thương, xót xa.
Song song với sự “mở rộng” về nhận thức là sự mở rộng về đề tài. Đã xuất hiện những tiểu thuyết viết về những cuộc chiến trước đây ít được nhắc tới như chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc hay phía bên kia chiến tuyến như Đối chiến (Khuất Quang Thụy),Lạc rừng (Trung Trung Đỉnh), Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.1975 (Trần Mai Hạnh), Cơ bản là buồn (Nguyễn Ngọc Thuần)… Trong những tiểu thuyết này, những khoảng khuất của lịch sử được soi rọi và gợi mở đối thoại.
Chiến tranh có thể được nhìn trực diện qua lời kể của người trong cuộc bằng thì hiện tại (Biên bản chiến tranh 1.2.3.4-1975, Đối chiến, Miền hoang) với những nhân vật tham gia trực tiếp vào chiến cuộc hoặc cũng có thể được kể gián tiếp qua điểm nhìn của nhân vật thuộc thế hệ sau như trong Mình và họ (Nguyễn Bình Phương), Xác phàm (Nguyễn Đình Tú)… hoặc từ kẻ đứng ngoài lề cuộc chiến như ở Mộ phần tuổi trẻ (Huỳnh Trọng Khang). Dẫu chiến tranh chỉ là phần can dự vào tổng thể câu chuyện đa tuyến của tác phẩm hay một lát cắt ngang thì sự thể hiện và miêu tả về chiến tranh cũng vô cùng ám gợi và đem lại những sắc thái thẩm mĩ mới.
Trong tiểu thuyết viết về chiến tranh giai đoạn này, hiện thực lịch sử được nhìn đa chiều và từ bên trong sâu thẳm tâm hồn người. Gương mặt của chiến tranh hiện lên qua những số phận cá nhân như Quy (Chim én bay), nữ du kích chuyên làm nhiệm vụ tiêu diệt những tên ác ôn, phản bội, Kiên (Nỗi buồn chiến tranh), người lính từ chiến trường Tây Nguyên trở về viết văn trong nỗi ám ảnh chiến tranh không dứt, hay Hai Hùng (Ăn mày dĩ vãng), chiến sĩ quân Giải phóng vùng ven Sài Gòn thất bại thảm hại trong đời sống hiện tại và lội ngược dòng ăn mày dĩ vãng.
Cảm hứng bi kịch trở nên đậm nét trong tiểu thuyết, con người được nhìn nhận ở khía cạnh là nạn nhân của chiến tranh. Những người chiến thắng trở về không được miêu tả như những anh hùng trận mạc mà hiện lên là những số phận tan nát qua cuộc chiến. Kẻ thù đã giết chết ba người thân của gia đình Quy, trơ trọi trên cõi đời cô đã cầm súng để trả thù nhà. Bị bắt và bị tra tấn dã man, cô không còn khả năng sinh nở và người đồng đội đã không đủ can đảm để đến với Quy, bỏ rơi cô lại trong nỗi cô đơn tận cùng bên cạnh nỗi đau thể xác âm thầm hành hạ. Cuộc đời Quy là chuỗi dài những bi kịch, mất mát.
Cũng như Quy, Kiên rơi vào bi kịch hậu chiến khi trở về với những chấn thương khủng khiếp trong tâm hồn, không sao hòa nhập được với thực tại. Chưa bao giờ tiểu thuyết viết về chiến tranh lại mang âm hưởng trầm buồn da diết và bi thương, ám ảnh, khắc khoải đến vậy. Tiểu thuyết viết về chiến tranh nhưng không chỉ chú mục vào thời gian sự kiện của những trận đánh hay không gian chiến trường mà tập trung toàn bộ vào thân phận con người trong cuộc chiến. Nhờ đó, nền văn học của chúng ta đã có những tác phẩm mang giá trị nhân văn sâu sắc, vươn tới “tầm cao của văn học chiến tranh”.
Mặt khác, tiểu thuyết viết về chiến tranh cũng đề cập nhiều đến tình yêu, bản năng tính dục. Tình dục được các nhà văn nói đến một cách cởi mở và đầy tính nhân văn. Trong Nỗi buồn chiến tranh, Ăn mày dĩ vãng… những ám ảnh dục tính, sự phô bày thân thể đều được miêu tả giản dị như lẽ tự nhiên của con người. Ở chiều kích ngược lại, tình yêu được đặt trong những thử thách và bị nghiền nát, hủy hoại theo nhiều cách. Nếu như những người đã ngã xuống sẽ bảo toàn được mãi mãi mối tình tuyệt đẹp thì những người sống sót trở về lại bị sốc trước những thay đổi nghiệt ngã trong tình yêu.
Kiên suốt những năm tháng chiến tranh ôm ấp hình bóng của Phương như ánh sáng cứu rỗi đời mình, nhưng trở về sau cuộc chiến, tuy vẫn còn yêu nhau nhưng họ đành rời xa nhau vì đã trở nên quá khác nhau. Trong những ngày tháng bị tra tấn kinh hoàng nhất, Quy chỉ cần gọi tên Cường để vượt qua mọi nỗi đau đớn thể xác và tinh thần nhưng khi hòa bình, chị đã lặng lẽ chủ động chia tay anh vì biết mình không còn khả năng sinh nở do hậu quả của những trận đòn thù.
Tình yêu không đơn thuần là thương nhớ và hi sinh, tinh thần và thể xác, chung thủy và phản bội, mà ở giữa những đối cực đó là sự nhỏ bé, mỏng manh, bất trắc, khó lường, bi kịch tan vỡ trong đời sống tình cảm của con người mà chiến tranh gây ra. Chính vì vậy tiểu thuyết ngày càng đào sâu vào “những vết thương chiến tranh trong lòng người và chữa trị vết thương đó” (Bùi Việt Thắng). Từ lí thuyết chấn thương, chúng ta có thể soi rọi và khám phá tiểu thuyết chiến tranh từ một góc nhìn khác.
Theo Cathy Caruth, những suy nghĩ về chấn thương sẽ giúp chúng ta đối diện với lịch sử và định vị lại nó. Những người bước ra từ chiến tranh như Kiên, Quy, Hai Hùng… mang nguyên vẹn chấn thương thể xác và tinh thần. Trong những ngày hòa bình yên tiếng súng, Quy “không hiểu sao chị hay nằm nhớ lại những gì đã xảy ra trong cuộc đời mình. Nhưng trở qua trở lại nhiều nhất vẫn là ấn tượng về những cái chết. Những cái chết kẻ thì mang đến cho gia đình chị và những cái chết chị gieo cấy cho chúng”.
Dường như nhớ về quá khứ cũng chính là lối thoát của đời Kiên, sau những chấn thương anh đã tự nhủ “phải viết thôi, viết để quên đi, viết để nhớ lại, viết để có một cứu cánh, một niềm cứu rỗi… để mà còn muốn sống”. Trong Mình và họ, chiến tranh chỉ như một lát cắt dọc, một tuyến truyện trong các tuyến truyện xuôi ngược, đan xen thực ảo của cuốn tiểu thuyết, nhưng nỗi ám ảnh, chết chóc, bạo lực và những chấn thương tinh thần như một mạch ngầm bao trùm và xuyên suốt câu chuyện. Viết về những chấn thương sau chiến tranh, các nhà văn Việt dường như có sự gặp gỡ với các nhà văn Mĩ, đặc biệt là các cựu binh khi viết về chiến tranh Việt Nam.
Trong các tác phẩm như Những thứ họ mang (Tim O’Brien), Chuyện của Paco, Giáp lá cà (Lary Heinemann), Đỉnh Matterhorn (Karl Marlantes)… chủ nghĩa anh hùng không còn dấu vết mà thay vào đó là những nạn nhân chiến tranh trong hành trình tự nhận thức, trải nghiệm nó.
Theo thời gian, các vết thương do chiến tranh gây nên dần kín miệng, xu hướng hòa giải, hòa hợp dân tộc đến như một lẽ tất yếu. Văn học hậu chiến nói chung và tiểu thuyết viết về chiến tranh nói riêng đã nhanh chóng nắm bắt, phản ánh xu thế chung đó của dân tộc. Ngay từ những ngày đầu hòa bình lập lại, trong tiểu thuyết Miền cháy, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã đặt ra vấn đề này khi đặt nhân vật mẹ Êm, người có chồng và con đã hi sinh cho kháng chiến phải đối diện với tình huống nhận ra đứa bé bấy lâu bà nhận nuôi chính là đứa con của kẻ thù đã từng giết chính con mình. Cuộc tái ngộ giữa bà mẹ với tên sát nhân là một thử thách ghê gớm và người mẹ đã vượt qua thù hận cá nhân để tránh những đau thương và thù hận chất chồng, cũng là hướng tới sự hòa giải dân tộc.
Trong Lạc rừng, Bình – một người lính trẻ miền Bắc tình cờ bị lạc, cùng chịu cảnh tù binh giống như một lính Mĩ khiến anh có những chuyển biến trong quan niệm từ ngộ nhận đến dần dần vỡ lẽ về con người, văn hóa Tây Nguyên và văn hóa Mĩ. Trong tiểu thuyết Minh sư, song song với mạch truyện viết về Nguyễn Hoàng thuở Nam tiến mở cõi là cuộc tìm về với lịch sử thời kháng chiến chống Mĩ mà nhân vật Đoàn Minh Thành đã từng được chứng kiến phần nào trên mảnh đất quê hương anh và câu chuyện của chị Tư Trà – người phụ nữ có hai người chồng ở hai chiến tuyến nay đi tìm con cho chồng với tâm nguyện hóa giải những chia cách, phân li. Những nỗ lực khi viết về vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc cũng chính là khát vọng hòa bình mà các tiểu thuyết viết về chiến tranh hướng tới.
Với một hành trình hơn 30 năm kể từ khi cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc và hai cuộc chiến tranh biên giới tiếp theo mang lại những trải nghiệm thấm thía và sâu sắc, tiểu thuyết chiến tranh Việt Nam đương đại đã từng bước dịch chuyển, cất lên những tiếng nói đa chiều của con người về vấn đề lớn của nhân loại và của lịch sử dân tộc. Những dịch chuyển hướng tới chủ nghĩa nhân văn và sự đa dạng trong bút pháp nghệ thuật khiến cho tiểu thuyết viết về chiến tranh vang vọng xa hơn và hòa nhập dòng chảy của văn học thế giới
Nguồn: Văn nghệ Quân đội
Có thể bạn muốn xem
KINH THÁNH VỀ PHONG CÁCH ĂN MẶC ĐỂ THÀNH CÔNG NƠI CÔNG SỞ
Chính sách tiền tệ thế kỷ 21
Phát triển thị trường xuất bản điện tử ở Việt Nam
Tinh hoa quản trị dự án
Chuck Feeney: “Chuyện bây giờ mới kể”
Bộ sách Chuyện kể đêm giáng sinh
Tôi về với má chiều ba mươi Tết
Đảo Mộng Mơ – Ấn Bản Kỷ Niệm 10 Năm Xuất Bản Lần Đầu
Ra mắt sách song ngữ Chuyện mùa trăng