Trong sách “Cơn lốc quản trị” mới ra mắt, giáo sư Phan Văn Trường đề cập góc nhìn về ba trụ cột văn hóa giúp doanh nghiệp phát triển lành mạnh.

Sau các cuốn Một đời thương thuyết, Một đời quản trị, Một đời như kẻ tìm đường, hồi cuối tháng 9, giáo sư Phan Văn Trường ra mắt sách mới. Không đơn thuần chia sẻ những kinh nghiệm, trải nghiệm của một chuyên gia đối với nghề, giáo sư đưa ra một lý thuyết có hệ thống dựa trên kinh nghiệm của ông nhằm giúp các doanh nghiệp làm chủ nghệ thuật quản trị.

Nếu như trong các tác phẩm trước, tác giả đề cập đến văn hóa công ty ở nhiều khía cạnh, trong Cơn lốc quản trị, ông phát triển và đi sâu hơn nữa về chủ đề khá trừu tượng này. Theo ông, phong cách quản trị kiểu phong kiến, tức chủ yếu làm theo mệnh lệnh từ trên xuống, không còn hiệu quả. Ngày nay, mọi việc chỉ có thể đốc thúc từ văn hóa. Ông viết: “Văn hóa thuộc phong cách lý luận hệ thống, chỉ văn hóa mới có khả năng giải quyết mọi vấn đề một cách đầy đủ và cặn kẽ, bởi chuyện gì mà chẳng phải là chuyện giữa con người với con người”.

Giáo sư Phan Văn Trường. Ảnh: Ngạn Bình
Giáo sư Phan Văn Trường. Ảnh: Ngạn Bình

Vì vậy, ông dẫn dắt độc giả trên con đường tìm hiểu vai trò của văn hóa doanh nghiệp, đồng thời đi sâu giải thích ba phong cách văn hóa được ông áp dụng cho những doanh nghiệp từng tham gia quản trị. Đó là: Văn hóa lãnh đạo, Văn hóa làm việc và Văn hóa tự thân cho mỗi nhân viên. Tác giả giải thích chi tiết nội hàm và ứng dụng vào thực tế, đi kèm với nhiều ví dụ ông đã trải qua hoặc chứng kiến.

Khi nói đến văn hóa lãnh đạo, ông cho rằng mọi quyết định của lãnh đạo cần hướng đến lợi ích tối đa của doanh nghiệp. Trong phần này, tác giả giải thích vai trò quan trọng của người làm lãnh đạo và tinh thần bình đẳng cần có trong tập thể.

Tiếp theo, trong văn hóa làm việc, giáo sư Phan Văn Trường đề cao văn hóa truyền thông toàn diện hay văn hóa báo cáo kịp thời ở môi trường công sở. Nó thể hiện sự cần thiết của một nguồn thông tin đầy đủ, đồng nhất cho mọi người, đồng thời cho mọi cấp và với tốc độ nhanh nhất có thể. Theo ông, đây không phải là báo cáo đơn thuần cho cấp trên, mà là quá trình phổ biến những thông tin cần thiết cho mỗi cán bộ nhân viên theo mọi chiều, mọi lúc và theo thời gian thực.

Cuối cùng, về văn hóa tự thân cho mỗi nhân viên, ông cho rằng sự ôn hòa và chuyên nghiệp sẽ không cho phép bất cứ nhân viên nào làm việc tạm bợ hay bất cứ mối quan hệ nào trong công ty được chất chứa quá nhiều cảm xúc.

Tác giả tin rằng nếu ba loại hình văn hóa kể trên được áp dụng cùng lúc, có thể sẽ góp phần giúp lãnh đạo và nhân viên thoải mái, tự tin, gắn bó. Từ đó, hình thành một môi trường làm việc thông minh, nhân văn và tạo thêm được giá trị mà thị trường chờ đợi.

Tác phẩm Cơn lốc quản trị do Nhà xuất bản Trẻ phát hành vào tháng 1/2023. Ảnh: Ngạn Bình.
Tác phẩm Cơn lốc quản trị do Nhà xuất bản Trẻ phát hành vào tháng 1/2023. Ảnh: Ngạn Bình.
Mua sách tại đây

“Ngày nay, khi văn hóa thiếu vắng, doanh nghiệp sẽ hỗn độn, sẽ phải vịn vào nhiều quy trình để vận hành. Quy trình có thể trở thành một guồng máy làm tha hóa nhân viên, làm mờ mắt lãnh đạo”, tác giả viết. Ông cũng nhấn mạnh đi trên con đường văn hóa là con đường dễ dàng và hiệu quả nhất. Tuy vậy, không phải ai cũng làm được bởi nó đòi hỏi ở người lãnh đạo tinh thần bình đẳng và đạo đức.

Thông qua tác phẩm của mình, Phan Văn Trường cũng chỉ ra những điểm yếu của các doanh nghiệp hiện tại như những hiểu lầm về vai trò của người lãnh đạo, báo cáo theo hình thức, tổ chức cầu kỳ dẫn đến nhân viên thừa thãi, đặt nặng quy trình, nhân viên thiếu đam mê với công việc.

Từ lý thuyết cho đến thực hành là một chặng đường dài. Nhưng một khi có thể xây dựng được văn hóa doanh nghiệp lý tưởng, ông tin rằng nó sẽ tạo ra hiệu ứng như một cơn lốc, sẽ quét đi những gì thừa thãi trong một doanh nghiệp, tinh giản bộ máy và giúp bộ máy vận hành hiệu quả hơn. “Hãy cứ để cơn lốc văn hóa tạo ra sự chuyển hóa tích cực mà bạn mong ước”, ông viết.

Là một nhà quản trị, nhà thương thuyết với nhiều năm kinh nghiệm, thế mạnh của Phan Văn Trường là khả năng diễn đạt một cách dễ hiểu những điều có vẻ mơ hồ trong nghệ thuật quản trị. Ông cho rằng những phương pháp quản lý có thể bị biến đổi không ngừng theo tiến bộ của công nghệ, của những mô thức lý luận khoa học và kỹ thuật mới. Nhưng các phương pháp quản trị thì bất biến và có thể được áp dụng như nhau, vì con người từ muôn thuở vẫn chưa có nhiều thay đổi.

Giáo sư Phan Văn Trường, 77 tuổi, là cố vấn thường trực của Chính phủ Cộng hòa Pháp về thương mại quốc tế từ thập niên 1990. Ông cũng từng giữ vị trí quản lý và quản trị của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới. Ông là tác giả của nhiều đầu sách quản trị, trong đó, tác phẩm Một đời thương thuyết từng được vinh danh với Giải thưởng Sách Hay 2016.

nguồn:https://vnexpress.net/con-loc-quan-tri-khi-van-hoa-la-be-phong-phat-trien-4659614.html