Đường sách TPHCM tròn 2 tuổi với doanh thu năm 2017 khoảng 50 tỷ đồng (gấp đôi năm 2016), xu hướng phát triển ngày một tốt hơn.
Cùng thời điểm này, Phố sách Hà Nội (ra đời 1-5-2017) chưa được giáp năm đã có dấu hiệu kêu cứu. Với tư cách là người cùng tham gia tạo dựng địa chỉ văn hóa này, tôi xin chia sẻ một vài suy nghĩ:
Thứ nhất, theo tôi nguyên nhân tạo ra sự khác biệt đầu tiên của đường (sách) và phố (sách) chính là con người. Tôi không có ý đề cao cá nhân, nhưng tôi thiết nghĩ cũng phải nói đôi lời cho công bằng với những người đã bỏ nhiều tâm sức cho đường sách. Đường sách TPHCM hình thành dựa vào cơ chế là một trong những công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố. Trên cơ sở chủ trương, những người thực hiện đã tất tả ngược xuôi vì nghề, vì đời để xây đường sách.
Nhìn anh Lê Hoàng ngồi bệt xuống lòng đường, mệt mỏi, stress vì tiến độ thi công, vì bạn bè bao năm rút khỏi gian hàng vào giờ chót… mới thấy muốn làm đường sách không đơn giản. Hai năm qua rồi, giờ tôi mới nói. Đường sách chỉ có 20 gian, nên dự kiến ban đầu mỗi đơn vị tham gia chỉ có một gian. Sau đó, có nhiều đơn vị bỏ gian. Anh Hoàng lo lắng hỏi tôi thế nào. Tôi nói: Ai bỏ thì em và NXB Trẻ sẽ nhận, nhưng anh vận động thêm một vài đơn vị mạnh nữa chia sẻ thì càng tốt. Đó là lý do vì sao hiện nay NXB Trẻ có 3 gian hàng tại đường sách. Mỗi gian khi đó phải đầu tư 500 triệu tiền dựng gian hàng.
Tôi nói điều này ở đây là muốn nói: Nếu người thực hiện và điều hành đường sách không phải anh Lê Hoàng, chị Quách Thu Nguyệt, tôi sẽ không tham gia và không “bao lô” vì NXB Trẻ là đơn vị sản xuất, chúng tôi bán buôn là chính. Việc tham gia đường sách là tình cảm và trách nhiệm với thành phố, không đơn thuần là chuyện kinh doanh. Chúng tôi đã chia mối lái một phần cho các gian hàng ở đường sách để đảm bảo giai đoạn đầu đường sách nếu có ít khách thì cũng không ảnh hưởng gì đến NXB. Sự thành công của đường sách hôm nay, làm tôi cũng bất ngờ. Doanh thu của NXB Trẻ tại đường sách năm 2017 gần 7 tỷ đồng.
Và sự thành công đó, ngoài nỗ lực của chúng tôi, có phần lớn đến từ sự công khai, minh bạch và tâm huyết của các anh chị điều hành, những con người sống chết với nghề. Phố sách dường như không may mắn có được những con người như thế góp phần xây dựng và điều hành. Đó cũng là lý do vì sao NXB Trẻ chúng tôi không tham gia phố sách Hà Nội, dù chúng tôi đang có một chi nhánh khá mạnh ở thủ đô. Vấn đề không phải là tiền. Vấn đề là ở con người.
Thứ hai, từ con người dẫn đến hoạt động, các anh chị điều hành đường sách đã tận tụy nỗ lực tập hợp anh em, phát huy sáng kiến, tạo ra nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, lôi cuốn công chúng, tạo thành một không gian văn hóa thật sự. Ra mắt sách ở đường sách đã trở thành nhu cầu của các đơn vị làm sách, thậm chí là yêu cầu của tác giả khi giao dịch tác quyền… Phố sách không có nhiều hoạt động hay như đường sách. Điều kiện thuận tiện cho việc tổ chức hoạt động cũng chưa được chăm chút. Vì sao? Vì người phụ trách không phải là người sống chết và cả đời làm xuất bản….
Tóm lại, tách thành hai đoạn để cho dễ đọc thôi, chứ thật ra chỉ là một ý: Con người. Theo tôi, nghề làm sách là một một nghề rất cảm tính và cá nhân. Người nào thì sách đó và ngược lại. Do đó, đường (phố) sách nếu không chọn được người tâm huyết để làm thì sẽ khó thành công. Bởi lẽ, đường (phố) sách là một không gian văn hóa về sách, không phải là một cái chợ sách hay siêu thị sách.
NGUYỄN MINH NHỰT/SGGPO
Có thể bạn muốn xem
Quản lý Nghiệp
The Hero Factor
Tớ yêu cơ thể tớ – Tớ đến từ đâu nhỉ
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu: “Truyện Kiều là một tác phẩm đầy hồn dân tộc”
Có điều kiện cứ thể hiện – Chuyện công ở xứ cụt
Vạn vật vận hành như thế nào? (tái bản)
Sức Mạnh Của Sự Tập Trung
Lá rụng trôi về
Hành trình trở về của bầy chó