Khi đời sống tinh thần lẫn vật chất được nâng cao, xuất hiện một nhu cầu có thật hiện nay: ngoài sách hay, độc giả còn đòi hỏi thêm yếu tố đẹp. Đó chính là lý do để các đơn vị xuất bản trong nước thi nhau làm sách phiên bản giới hạn. 

Nhiều nơi cùng làm

Cách đây không lâu, trên Fanpage của Công ty sách Tao Đàn thông báo mở bán phiên bản bìa cứng giới hạn Tuyển tập Mori Ogai (NXB Hội Nhà văn). Mori Ogai (1862-1922) là một nhà văn danh tiếng của Nhật Bản, ông cũng là một tên tuổi quen thuộc với độc giả Việt Nam.

Tuyển tập Mori Ogai gồm 14 truyện ngắn được dịch giả Nguyễn Nam Trân dịch từ nguyên tác tiếng Nhật. Theo thông báo, phiên bản bìa cứng chỉ in 200 bản, có đánh số và có triện đỏ của Tao Đàn. Tuy nhiên, chỉ sau 7 phút thông báo, link đặt sách đã phải đóng lại trước sự ngỡ ngàng và tiếc nuối của không ít độc giả chậm chân!

Sau tác phẩm Những con đường tơ lụa, mới đây Phanbook vừa thông báo mở bán phiên bản giới hạn ấn bản Bùi Giáng – Tuyển tập luận đề (NXB Đà Nẵng). Cuốn sách tập hợp từ các cuốn luận đề của thi sĩ Bùi Giáng về những tác phẩm kinh điển Việt Nam một thời đã từng được nhiều thế hệ sinh viên, học sinh và giới giảng dạy văn chương say mê.

Ngoài phiên bản bìa mềm, Bùi Giáng – Tuyển tập luận đề còn có phiên bản bìa cứng phục vụ cho độc giả yêu sách, yêu văn chương Bùi Giáng và thích sưu tầm sách đẹp. Sách có 100 bản bìa cứng đánh số và 100 bản bìa cứng không đánh số.

Với tủ sách “Văn Sử tinh hoa”, Công ty sách Tri Thức Trẻ đã từng thực hiện nhiều ấn phẩm theo phiên bản giới hạn từ hơn 5 năm trước. Mới đây, ngoài việc tái bản với sự đầu tư công phu, đơn vị này còn in thêm 180 bản phiên bản giới hạn tiểu thuyết Tiêu Sơn tráng sĩ (NXB Thanh niên) của nhà văn Khái Hưng, viết về một giai đoạn đầy biến động trong lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19.

Theo nhà văn Uông Triều, người viết lời giới thiệu cho tiểu thuyết này, đây là một trong những viên ngọc sáng của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam, cũng là đứa con tinh thần bi thiết khác thường của một Khái Hưng tài hoa, bạc mệnh. Phiên bản giới hạn được thực hiện chăm chút với bìa cứng và ruột được in từ giấy krap của Nhật Bản cùng 10 hình minh họa. Ngoài ra, bạn đọc còn nhận được các giá trị gia tăng khác như triện, chữ ký của nhà văn giới thiệu và họa sĩ. Đặc biệt, sách còn kèm theo một chiếc quạt giấy Tiêu Sơn tráng sĩ được làm từ nghệ nhân làng nghề quạt giấy Chàng Sơn. 

Ngoài những đơn vị trên, thời gian qua thị trường xuất bản trong nước còn chứng kiến nhiều đơn vị cùng tham gia thực hiện sách phiên bản giới hạn như Đông A, Nhã Nam, Thái Hà… Không khó để nhận ra, đa phần những ấn phẩm được làm theo phiên bản giới hạn có giá bìa khá cao, thậm chí lên tới 1,5 triệu đồng/cuốn như trường hợp tác phẩm Bố già do Đông A thực hiện vào năm ngoái.

Mặc dù vậy, theo những người trong giới, điều này không phải là hạn chế để tiếp cận bạn đọc. Bởi, nếu để tiếp cận độc giả đại chúng thì đã có bản thường; riêng với độc giả của sách đẹp thì giá cả cũng không phải là vấn đề quá lớn, miễn là các đơn vị xuất bản có làm được sản phẩm đúng chất lượng với giá thành mà họ đưa ra hay không. Điều này không phải là không có cơ sở, vì thực tế cho thấy, những lần mở thông báo đặt sách phiên bản giới hạn, hầu như đều được “khóa sổ” từ rất sớm. 

Học được sự chuyên nghiệp 

Những bản sách giới hạn thường được in từ 100 – 200 cuốn. Mặc dù không gặp vấn đề về tiêu thụ, nhưng việc làm sách phiên bản giới hạn cũng đang khiến các đơn vị xuất bản phải đối mặt với không ít khó khăn. Một trong những khó khăn phải kể đến đầu tiên chính là ý tưởng. Bởi lẽ, khi đã gọi là phiên bản giới hạn thì yêu cầu trước hết phải có sự khác biệt và độc đáo; điều này khiến các đơn vị xuất bản phải tìm tòi, đưa ra được những cách làm cho mình. 

Theo ông Đỗ Kim Cơ, Giám đốc Công ty Tri Thức Trẻ Books, việc có nhiều đơn vị xuất bản cùng tham gia thực hiện phiên bản giới hạn một mặt dẫn đến sự cạnh tranh giữa các đơn vị, nhưng sự cạnh tranh này là một tín hiệu tích cực cho thị trường xuất bản. Điều này khiến các đơn vị phải đầu tư và chỉn chu hơn với sản phẩm của mình, vì phiên bản giới hạn có giá cao hơn bản thông thường; lẽ tất nhiên, độc giả có quyền đòi hỏi cao về chất lượng.

Cũng theo ông Cơ, khi làm bản giới hạn, ông và những người khác có thể học được sự chuyên nghiệp trong vấn đề in ấn để hoàn thiện bản giới hạn một cách tốt nhất. 

Không thể phủ nhận nhu cầu và sức hút của những ấn phẩm phiên bản giới hạn. Tuy nhiên, liệu “cơn sốt” này có duy trì được lâu hay chẳng mấy chốc lại lâm vào tình cảnh thoái trào? Ông Đỗ Kim Cơ cho rằng, việc làm sách phiên bản giới hạn đã phần nào đạt đến sự chuyện nghiệp. Với những đơn vị làm tốt thì xu hướng này vẫn còn tồn tại trong khoảng 2 – 3 năm nữa, nhưng nó cũng sẽ không được như ban đầu.

Hiện tại có rất nhiều đơn vị cùng tham gia, vấn đề đặt ra ở đây là làm bản giới hạn như thế nào để những người chơi sách đánh giá là đẹp, còn đa số bây giờ cũng xêm xêm nhau hết rồi.

theo HỒ SƠN/SGGPO