Xuất bản lần đầu vào năm 1922, “Cuộc đời và sự nghiệp của tôi” là tự truyện của Henry Ford – người sáng lập tập đoàn ô tô Ford nổi tiếng thế giới.

Henry Ford (1863 – 1947) từ nhỏ đã đam mê máy móc. Ông dành phần lớn thời gian và tiền bạc để đầu tư cho những thí nghiệm về động cơ đốt trong khi còn là kỹ sư ở Công ty Điện sáng Edison. Năm 1896, ông chế tạo hoàn chỉnh và lái thử một chiếc xe mà ông đặt tên là Quadricycle.

Năm 1903, Ford cùng 11 nhà đầu tư với số vốn 28.000 USD, lập nên tập đoàn ôtô Ford với mẫu xe đua đầu tiên 999 được quảng bá khắp nước Mỹ. Sau thành công này, Ford tiếp tục tung ra thị trường nhiều mẫu xe mới như model T, A và các đời tiếp theo. Trong những năm 1930, tập đoàn ôtô Ford trở thành công ty tài chính lớn nhất nước Mỹ trong lĩnh vực sản xuất ôtô.

Trong tự truyện, Ford thể hiện tư duy kinh doanh khác người. Ông đề cao dịch vụ sau bán hàng, lấy niềm tin và sự hài lòng của khách hàng là trọng tâm kinh doanh, chứ không phải lợi nhuận. Ford phá vỡ nguyên tắc “lợi nhuận trên đồng đôla” của các nhà đầu tư thường phá hỏng sức sáng tạo của doanh nghiệp. Ông cho rằng, doanh nghiệp không phải con gà đẻ trứng vàng; doanh nghiệp phải đưa ra những thứ giúp cuộc sống tốt đẹp hơn và nếu làm được như vậy, lợi nhuận đến là điều tất yếu.

Xuyên suốt Cuộc đời và sự nghiệp của tôi, Ford hướng độc giả tới thông điệp “giá trị sử dụng”. Ông khuyên mọi người đừng quá chú trọng vào việc dành dụm. Theo Ford: “Đó không phải là ‘để dành’ mỗi khi ta ngăn chính bản thân mình trở nên hữu ích hơn. Khi làm như vậy là tự ta sẽ lấy đi vốn liếng cuối cùng của mình; lấy đi giá trị của một trong những vốn đầu tư của tự nhiên”. Đó là câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao chúng ta nghèo?”.

Ford cũng nhắn nhủ người đọc hãy trau dồi khả năng suy nghĩ, vì đó là sự đầu tư ưu tiên cho chính bản thân và điều đó sẽ luôn đem lại kết quả tốt nhất.

Thông qua tự truyện của Ford, độc giả có thể thấu hiểu hơn về một con người đã làm thay đổi thế giới, mặc dù trong 40 năm đầu đời, ông không được nhiều người biết đến. Nhưng đó là khoảng thời gian giúp ông phát triển các kỹ năng, cả trong nhân cách và trong ngành cơ khí, là nền tảng cho sự ra đời của một doanh nghiệp khổng lồ, đó là hãng ôtô Ford.