Ấn bản sách “Chuyện người tùy nữ” được làm từ nhiều vật liệu chịu nhiệt lên tới hơn 1.500°C.
Một ấn bản sách Chuyện người tùy nữ của nhà văn Margaret Atwood vừa được Sotheby’s bán đấu giá với mức tiền lên đến 130.000 USD (khoảng 3 tỷ đồng) hôm 7/6. Theo phần mô tả chi tiết, ấn bản này được gọi là “cuốn sách không thể cháy” vì được làm từ những chất liệu có khả năng chịu nhiệt cao.
Cuốn sách dày 384 trang được in trên các tấm nhôm Cinefoil, một loại nhôm đặc biệt dùng trong sản xuất phim quấn quanh đèn chiếu sáng, chịu nhiệt lên tới 660°C.
Các trang sách được khâu với nhau bằng dây niken thường sử dụng làm linh kiện điện, có thể giữ được nguyên vẹn ở mức nhiệt 1.400°C. Gáy sách được dệt từ thép không gỉ dùng trong hàng không vũ trụ có thể chịu được 1.530°C.
Tất cả nguyên liệu đều được thử lửa trong quá trình sản xuất sách. Để minh chứng cho độc giả thấy ấn bản có thể chịu được nhiệt cao, trong đoạn video giới thiệu, nhà văn Margaret Atwood đã xuất hiện và trực tiếp phun lửa vào cuốn sách này.
Đây là ấn bản duy nhất của Chuyện người tùy nữ có thể chịu được lửa, do nhà xuất bản Penguin Random House phát hành, được sản xuất và thiết kế tại Toronto, Canada, gia công bởi The Gas Company Inc.
Ý tưởng chế tạo ra Chuyện người tùy nữ “không thể cháy” xuất phát từ việc hàng năm có nhiều cuốn sách bị cấm ở các trường học. Trong số đó, nhiều cuốn sách cấm thậm chí còn bị đốt bỏ.
Điều đáng nói là phần lớn cuốn sách bị cấm, bị kiểm duyệt trong môi trường giáo dục lại là tác phẩm văn học viết về phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và xu hướng tính dục, bất bình đẳng xã hội, lịch sử, tình dục… thường được viết bởi các tác giả da màu hoặc thuộc cộng đồng LGBTQ+. Việc này đã làm hạn chế khả năng tiếp cận đến sự đa dạng xã hội của nhiều trẻ em và thanh thiếu niên trên nước Mỹ.
Để cổ vũ cho việc tự do viết, đọc và học, cuốn sách Chuyện người tùy nữ này là lời tuyên bố đanh thép rằng những ngôn từ chứa đầy sức mạnh sẽ không bao giờ bị xóa sổ.
Được xuất bản lần đầu năm 1985, Chuyện người tùy nữ là một cuốn tiểu thuyết phản địa đàng xoay quanh một xã hội nơi phụ nữ bị coi thường và rẻ rúng, chỉ được coi là công cụ để sản sinh ra thế hệ tiếp theo. Kể từ khi ra mắt, cuốn sách đã bị cấm vô số lần, nằm trong top 100 tựa sách bị cấm của cả 2 thập kỷ 1990 và 2000.
Tuy vậy, Chuyện người tùy nữ cũng là cuốn sách được tìm đọc nhiều nhất vào năm 2017, nhờ vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ một năm trước đó, và bộ phim truyền hình chuyển thể từ chính cuốn sách. Đến nay sách vẫn luôn được tìm đọc bởi tư tưởng độc đáo và mới lạ mà nó truyền tải.
nguồn: https://zingnews.vn/cuon-sach-khong-the-chay-co-gia-3-ty-dong-post1324763.html
Có thể bạn muốn xem
Bình minh ở Sahara
Người Châu Á có biết tư duy?
Mật Nắng Biên Thùy
Digital marketing cho doanh nghiệp nhỏ
Nắng ấm vườn chay
17 Phương Trình Thay Đổi Thế Giới
Chữa lành nỗi đau
Tiệm sách Việt cho người xa quê
Bí ẩn chữ “Thần” ở núi Thạch Bi, Thanh Hóa