Có một vấn đề lớn đối với các di tích và di sản văn hóa được UNESCO công nhận, làm cho danh hiệu quốc tế này có tác dụng ngược trong việc bảo tồn các giá trị quý báu cho tương lai.
Hội An là một phố cổ nằm ở miền Trung Việt Nam đã may mắn tránh khỏi bị tàn phá trong các cuộc chiến tranh thế kỷ 20. Năm 1999, nó được công nhận là di sản văn hóa UNESCO nhờ có các công trình kiến trúc độc đáo, vị trí đắc địa ven sông và sự tiếp nối các phong tục truyền thống. Điều này đã biến Hội An thành một điểm đến du lịch lớn. Năm 2017 đã có 3,22 triệu du khách, tăng 22% so với năm trước.
Cơ quan quản lý đã đưa ra hệ thống bán vé dành cho du khách, với mục đích là tăng doanh thu và ghi nhận số du khách, hơn là để kiểm soát.
Các con phố ở Hội An là khá nhỏ, nhưng với lượng lớn người đổ về, một vài con phố là không thể chen vào được; còn phố cổ đã bị thương mại hóa với tất cả các toà nhà được tận dụng làm quán cà phê hoặc cửa hàng để phục vụ khách du lịch. Nhiều xe bus du lịch túc trực ở ngoài phố cổ suốt cả ngày, luôn bận rộn đón và đưa khách, tạo ra một ấn tượng không mấy tốt đẹp khi bạn đến đây.
Người dân sống ở Hội An đã buộc phải di chuyển từ trong phố cổ ra ngoài ngoại ô. Trớ trêu thay, tuy vẫn là một điểm đến du lịch văn hóa quan trọng với các tòa nhà cổ, văn hóa của Hội An đã thay đổi hoàn toàn do nạn du lịch ồ ạt. Từng là một cộng đồng giao thương nhộn nhịp, giờ đây nơi này đã biến thành công viên giải trí.
Một ví dụ khác, khu đền Angkor Wat ở Campuchia cũng là một di sản văn hóa quốc tế quan trọng. Nó được UNESCO công nhận vào năm 1992. Từ 2004 đến 2014, lượng du khách đến đây hằng năm đã tăng hơn 3 lần. Dù chính quyền địa phương đã đưa ra hệ thống bán vé để giới hạn số lượng (và kiếm thu nhập), vẫn không thể tránh khỏi những hư hại nhất định bởi du khách ít nhiều chắc chắn sẽ sờ vào các công trình kiến trúc và bước đi trên các con đường cổ đại.
Khó khăn lớn nhất của Angkor Wat chính là không thể kiểm soát các dịch vụ du lịch phát triển như cỏ mọc sau mưa quanh khu di tích này. Ví dụ, các khách sạn lớn được xây dựng, khai thác nước ngầm đã làm mất ổn định lượng nước bên dưới các ngôi đền, từ đó ảnh hưởng sự ổn định của các công trình cổ này.
Đành rằng việc duy trì các công tác bảo tồn ngôi đền là không dễ dàng, vấn đề lớn hơn là thiếu quy hoạch khu vực xung quanh, phó mặc cho chợ búa mọc lên xô bồ. Rốt cuộc thì sự xô bồ đó đang có nguy cơ phá hủy chính Angkor Wat.
Ở bất cứ nơi đâu, tác động của du lịch ồ ạt đều rất khủng khiếp, nhưng vấn đề trở nên nan giải hơn ở các nước đang phát triển với ít tài nguyên kinh tế để có thể bảo tồn đàng hoàng hoặc quy hoạch từ sớm. Thành phố Luang Prabang của Lào cũng đang gặp vấn đề tương tự như Hội An. Người dân bản xứ hiện đa số sống ở ngoài khu phố cổ – nơi đã được dành cho các du khách và nhu cầu của họ.
Những di sản UNESCO khác khắp thế giới cũng đang phải xoay xở với vấn đề tương tự: du lịch ồ ạt.
Số người du lịch bằng đường hàng không đã tăng với tỉ lệ trung bình 7% từ năm 2009. Các nhà phân tích kỳ vọng rằng tỷ lệ tăng trưởng này sẽ giữ nguyên trong thời gian sắp tới.
Từ năm 1972, UNESCO đã lập Công ước về bảo vệ di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới. Hai công ước khác vào năm 2003 và 2005 bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và đa dạng văn hóa. Những điều này là nhằm thu hút sự chú ý cho các di sản và phong tục văn hóa đồng thời duy trì bảo tồn và tuổi thọ của chúng.
Không dễ để đạt được sự công nhận của UNESCO, bởi nó rất cạnh tranh. Các quốc gia mong muốn có được danh hiệu này bởi họ có thể quảng bá các địa danh hay phong tục như là một lợi thế du lịch độc nhất.
Các cộng đồng và quốc gia cũng có những trách nhiệm nhất định khi họ được trao sự công nhận của UNESCO. Họ sẽ phải thực hiện các biện pháp khác nhau để bảo vệ di tích và đảm bảo quy hoạch đúng đắn. Tuy các nhà quản lý đã chú ý giảm những hành vi không đúng đắn (như cấm mặc trang phục hở hang ở khu vực Angkor Wat), vấn đề lớn trong việc tăng số du khách vẫn chưa được xem xét thấu đáo.
Tăng du lịch để phát triển kinh tế, rốt cuộc lại có thể hủy hoại các giá trị văn hóa độc nhất của địa phương đó. Với ngành du lịch đang phát triển, tình hình này chỉ có thể ngày càng xấu đi.
Tình hình thường thấy ở các khu di tích là người ta chỉ chú trọng vào kiếm tiền chứ không phải bảo tồn chúng. Và các thiệt hại từ du lịch tràn lan là không thể vãn hồi.
Quyết định như thế nào là một lựa chọn khó khăn đối với các cộng đồng và quốc gia, nhưng cũng không khó nếu họ hiểu các giá trị vô giá và không thể thay thế của các di tích mà tổ tiên để lại.
Hai nhà nghiên cứu – tiến sĩ Mariana Vecco và phó giáo sư Jo Caust – đã đăng bài viết về vấn đề này. Họ đưa ra những lời khuyên sau:
- Cần đưa ra giới hạn số du khách, đây là vấn đề cấp thiết
- Kiểm soát chặt hơn việc phát triển của các khu vực xung quanh di tích
- Đặt câu hỏi về việc sử dụng di tích cho các hoạt động du lịch
- Xem xét các thiệt hại đã xảy ra ở di tích.
Tất cả những điều này cần được thực thi nếu di tích còn muốn mang danh hiệu của UNESCO. Tuy nhiên, còn có một câu hỏi lớn hơn mà chúng ta cần đặt ra: liệu các du khách có nên ghé thăm các di tích và phong tục dễ bị tổn hại?
Hội An vẫn còn là một thị trấn xinh đẹp nhưng sự hiện diện của các du khách khắp nơi đã làm biến dạng di sản này. Thật buồn thay, khi mà danh hiệu UNESCO vẫn được dùng như một công cụ marketing thay vì bảo tồn, tình hình này sẽ tiếp tục xấu đi nữa.
Theo Jo Cause/The Conversation,
Phong Trần biên dịch – Trithucvn.net
Có thể bạn muốn xem
Chính sách tiền tệ thế kỷ 21
Công nghệ khiến xuất hiện những ‘bộ lạc’ mới
Việt Nam trong mắt nhà văn Đức Juli Zeh
Quái thú răng thỏ và khu nhà gỗ
”Tiếp sức” đọc sách những ngày cách ly
Những chú lợn ghi dấu ấn trong lịch sử
Titan – Gia Tộc Rockefeller
Diệt vong
Bộ sách hướng dẫn thải độc và thanh lọc cơ thể