Đạo diễn, NSƯT Trần Trọng Văn góp phần quan trọng trong việc tìm kiếm, chỉnh lý Đêm núm sen của cha anh. Ảnh: N.M.Hà.
Tình dục trong tác phẩm Trần Dần chỉ là một phần của cái bao trùm là sự sống. Còn chiến tranh cũng chỉ là cái nền tối để sự sống bật lên. Nhưng phải thừa nhận những trang miêu tả tình dục của Đêm núm sen rất thật. Không phải kiểu thật trần trụi mà là thật cảm xúc. Người đọc gần như có thể sống được những cảm xúc của nhân vật trong những cảnh huống đó. Qua đó, thêm đồng cảm với tâm lý, tính cách và hoàn cảnh của nhân vật.
Có người tạm chia sex trong văn chương thành hai dạng. “Sex sạch” trên cơ sở tình yêu là loại đọc xong gợi lên những suy nghĩ lãng mạn, bay bổng. “Không sạch” là gợi lên hành động bắt chước những gì được mô tả trong sách. Người biên tập cuốn Đêm núm sen cho rằng với tác phẩm này, Trần Dần đã vượt qua được lằn ranh đó. Có thể tạm gọi cái ông đã chạm tới là “sex thật” chăng?!
Thật mà không bậy tục một phần do sáng tạo thân thế nhân vật của Trần Dần: không phải người, cũng không phải kiến mà là kiến người. Người đọc thấy có mình trong đó nhưng vẫn không thể nhập hoàn toàn với nhân vật-ít nhất về phương diện cơ thể. Điều này rất thú vị vì nó cho phép người đọc chui vào trong nhân vật chứ không bị phân tán bởi những cảm giác ngoài vỏ.
Theo TS Trần Ngọc Hiếu, tình yêu giữa Gầy và Sứa được miêu tả với tất cả các chiều kích trần thế được miêu tả bằng ngôn ngữ rất đời. Anh cũng cho rằng khác với một số nhà văn trước Cách mạng tháng Tám vẫn coi tình dục như một thứ dục vọng thuần túy đáng phê phán thì với Trần Dần, tình dục được miêu tả tương đối có sự hồn nhiên của thân xác. Một đối thoại trong truyện: Gầy: “Nhưng mà em hay thẹn lắm! Anh cứ muốn nhìn thấy em, ở trần, ở trần…”, Sứa: “Đêm thôi chứ?” “Không! Cả ngày nữa… Những ngày rỗi. Ngày lễ. Ngày Chủ nhật”. Rút cuộc Sứa phải hứa sẽ chiều chồng, không quên ngoắc thêm một câu: “Ừ, nhưng cả anh cơ!”.
Đoạn đối thoại càng dễ thương của cặp vợ chồng trẻ giữa hoàn cảnh chiến tranh, khi họ phải khó khăn và may mắn lắm mới thu xếp được để gặp nhau. Với quan điểm được Trần Ngọc Hiếu trang bị, người đọc sẽ không chỉ thấy vui vui, ngộ ngộ. Nó biểu lộ rõ khát khao vượt lên trên hoàn cảnh câu thúc bằng thân thể.
Một số người có thể nhạy cảm hơn với khía cạnh tình dục trong Đêm núm sen nhưng khi đặt cạnh đối trọng là cuộc chiến sẽ thấy liều lượng sex có tính hợp lý. Chính trong hoàn cảnh gấp gáp, vô định của chiến tranh, mà những cặp yêu nhau sẽ ngắm nhau kỹ hơn, sẽ trân quý những giây phút bên nhau gấp bội, và tất nhiên sẽ mơ mộng hoang dại hơn… Khi mà hai hoàn cảnh đối lập chỉ cách nhau một bức tường. Trong phòng, Gầy đang quan sát cặp đùi dài của Sứa thì ngoài kia hàng quân ra chiến trường cũng dài… không kém.
Chiêm nghiệm của Kiến Gầy ở cuối sách: “Chỉ cần nhân danh một số phận bình thường, đúng thế, người ta đã rất có đủ lý do để mà đòi: tiêu diệt hẳn chiến tranh. Đúng thế. Bất cứ một số phận bình thường nào… Ai cải tử cho những tích tắc be bé? Những hạnh phúc be bé?”. Từ những dòng viết này, có người nhấn mạnh khía cạnh phản chiến của tác phẩm.
Nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn đặt Đêm núm sen vào thời điểm ra đời đầu những năm 1960, cùng với Vùng mỏ của Võ Huy Tâm, Vỡ bờ – Nguyễn Đình Thi, Cửa biển – Nguyên Hồng để thấy Trần Dần dường như từ chối dòng mạch tiểu thuyết của văn học miền Bắc lúc bấy giờ. Tuy nhiên anh khẳng định: “Bản chất của người lính chiến đấu cho chính nghĩa ở Trần Dần rất rõ. Do đó trong Đêm núm sen, mặc dù phản đối chiến tranh nhưng Trần Dần không ngoảnh mặt, không làm ngơ trước những việc đại nghĩa. Mặc dù nhìn thấy bi kịch của những số phận be bé, nhưng Trần Dần vẫn muốn có một sự xiển dương đối với những hy sinh, những đau khổ mất mát của thế hệ lâm vào cuộc chiến. Nhưng Trần Dần không tuyên truyền cho chủ nghĩa anh hùng của những kẻ khổng lồ không tim. Trần Dần hoàn toàn thấy sự vĩ đại của những anh hùng biết đau đớn, biết cô đơn, biết cần đến tình yêu…”. Trần Ngọc Hiếu khẳng định Đêm núm sen mô tả chiến tranh như chiến tranh, chứ không xưng tụng nó như kiểu anh hùng ca hay sử thi.
“Trần Dần không tuyên truyền cho chủ nghĩa anh hùng của những kẻ khổng lồ không tim. Trần Dần hoàn toàn thấy sự vĩ đại của những anh hùng biết đau đớn, biết cô đơn, biết cần đến tình yêu…”.
Nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn
Có thể bạn muốn xem
Dấu chân trên cát
Tokyo du hí
Trái tim hổ
Middlesex – Lưỡng Giới
Chuyện người, chuyện ta
Bước Chân Theo Dấu Mặt Trời
Tàn Tuyết: Tiếng nói độc đáo của văn học đương đại Trung Quốc
Nâng cao giải thưởng văn học trong xã hội hóa
Những nhà thám hiểm hăm hở