Ngày 18-8, nhiều bộ sách đồ sộ về lịch sử, văn hóa, âm nhạc… đã đồng loạt được giới thiệu, ra mắt tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội.

HIên ngang Trường Sa được chọn lọc từ hàng nghìn bức ảnh tác giả đã ghi lại trong các chuyến công tác đến Trường Sa, nhà giàn…

Đồ sộ nhất trong số đó là bộ Lịch sử Việt Nam gồm 15 tập, được hoàn thành trên cơ sở Chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ (cấp Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), do Viện Sử học là cơ quan chủ trì.

Đây được coi là bộ Thông sử Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay, có giá trị cao về học thuật, thực tiễn và xã hội, trình bày đầy đủ, toàn diện, có hệ thống và sâu sắc về đất nước, con người về truyền thống lịch sử đấu tranh dựng nước giữ nước oai hùng và nền văn hóa phong phú, đặc sắc của dân tộc Việt Nam từ khởi thủy cho đến nay.

Điểm đáng chú ý là bộ sách Lịch sử Việt Nam đã chọn lọc và sắp xếp trật tự niên đại, thời đại một cách logic, khoa học và hợp lý; đồng thời đã chú trọng việc bổ sung những kết quả nghiên cứu mới nhất của các ngành khoa học xã hội và nhân văn như: Sử học, Khảo cổ học, Dân tộc học, Tôn giáo học, Văn hóa học…
Bộ sách “Văn hóa biển đảo Việt Nam”- NXB Công an nhân dân – 2 tập được nhận định là đưa ra cái nhìn tổng quan về văn hóa dân gian biển đảo Việt Nam với nhiều lĩnh vực khác nhau, tạo ra một kho tàng văn hóa dân gian biển đảo.
Bộ sách tuyển chọn 189 bài viết và được trình bày có hệ thống theo từng thành tố của khoa học nghiên cứu văn hóa dân gian liên quan đến biển – đảo Việt Nam; mở đầu là các bài viết dưới dạng tổng thể (những vấn đề chung). Sau khi trình bày các bài viết dưới dạng tổng thể; bộ sách trình bày các bài biết theo từng thành tố, từng lĩnh vực, thí dụ ngữ văn dân gian, tín ngưỡng, phong tục, lễ hội, nghệ thuật dân gian, tri thức dân gian, văn hóa ẩm thực,…
Dù chưa phải là đầy đủ, song với hai tập sách này đã cho người đọc một cái nhìn tổng quan về văn hóa dân gian biển đảo Việt Nam. Một bộ sưu tập có thể nói là phong phú, phong phú ở chỗ bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau của các thành tố văn hóa dân gian, hơn thế do địa hình trải dài của đất nước dọc từ Bắc xuống Nam với nhiều vùng địa lý khác nhau, khí hậu khác nhau và cộng đồng cư dân và tộc người khác nhau nên đã tạo ra một kho tàng văn hóa dân gian biển đảo vừa phong phú vừa đa dạng, phản ánh được những điểm chung và những nét đặc thù riêng của mỗi vùng miền. Đây chính là giá trị đáng kể của văn hóa dân gian biển đảo Việt Nam.

Cuốn sách đưa ra cái nhìn tổng quan về văn hóa dân gian biển đảo Việt Nam
Tiếp đến là Cuốn sách ảnh “Hiên ngang Trường Sa” tác giả Trần Quốc Dũng – NXB Thanh niên. Toàn bộ ảnh và lời do tác giả thực hiện trong 9 năm từ 2008 đến 2016.
Sách ảnh dầy 200 trang, khổ 25x25cm, gồm 207 ảnh màu và trắng đen chọn lọc từ hàng ngàn ảnh tác giả thực hiện qua những chuyến đi ra Trường Sa.
Về sách ảnh của tác giả, Nguyên Phó Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Thị Bình trong Lời giới thiệu đã viết: “… là một tác phẩm thời sự – nghệ thuật cô đọng nhưng khá toàn diện và súc tích bằng hình ảnh về đề tài bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước tại Trường Sa. Với góc nhìn trung thực và lạc quan về con người và cuộc sống, ghi nhận hình ảnh có địa chỉ và thời gian, ảnh của tác giả ngoài tính thời sự – nghệ thuật còn mang tính tư liệu cao, góp phần nâng cao hiểu biết về Trường Sa, phục vụ cho công tác tuyên truyền giáo dục về bảo vệ chủ quyền biển đảo, đặc biệt đối với thanh thiếu niên”.
Cũng tại đây đã ra mắt: Bộ sách “Chữ quốc ngữ. Sự hình thành, phát triển và đóng góp vào văn hóa Việt Nam” – NXB Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh là tập hợp những kết quả nghiên cứu mới nhất về chữ quốc ngữ cũng như lịch sử hình thành và phát triển; sự biến đổi của chữ Quốc ngữ sau Từ điển Việt – Bồ – La và sự điển chế hóa chữ Quốc ngữ vào thế kỉ XIX. Dấu ấn các địa phương và phương ngữ trong chữ Quốc ngữ…
Bộ sách về “Lược sử Việt ngữ học”, sách “Thế kỷ âm nhạc Việt Nam” cùng bộ sách Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (gồm 60 tác phẩm)…

MAI AN

Nguồn Sài Gòn giải phóng