“Nhựa” có lẽ nên được xếp hạng là một trong những từ khóa hot nhất trong năm 2019 này và rất có thể trong nhiều năm tới, nhưng không phải vì lợi ích mà do những hệ quả tiêu cực mà nó gây ra cho sức khỏe con người cũng như môi trường sống trên hành tinh.
Đến thời điểm hiện tại, gần như tất cả mọi người đều biết rõ rằng trái đất của chúng ta đang tràn ngập nhựa. Nhựa có mặt trong từng gian bếp, khu chợ, siêu thị, ngõ phố, ăn sâu vào đời sống sinh hoạt của hàng tỷ người trên hành tinh. Nhưng chuyến hành trình chưa dừng lại ở đó, rác thải nhựa xuất hiện trên từng mét vỉa hè, trong mọi khu rừng, trên những con sông, bao phủ các đại dương và thậm chí có mặt trên cả không gian vũ trụ… tất cả đều nhờ vào sự “tài tình” của con người.
Nhựa và mối liên hệ với sức khỏe con người
Tuy nhiên trong bài viết này, chúng ta sẽ không bàn nhiều về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường sống trên trái đất mà thay vào đó, hãy cùng bàn về các loại hóa chất có trong chế phẩm từ nhựa và sự nguy hiểm của chúng đối với sức khỏe con người. Một nghiên cứu mới được công bố có thể khiến những người dù là “cố chấp” nhất sẽ phải suy nghĩ lại về mức độ cũng như thói quen tiêu thụ các sản phẩm từ nhựa của mình.
Theo đó, một nhóm các nhà khoa học đến từ Na Uy đã tiến hành nghiên cứu một danh sách “dài dằng dặc” các vật dụng hàng ngày được làm bằng nhựa – từ những thứ nhỏ nhặt như cốc sữa chua, miếng bọt biển tắm cho đến các loại khay, đĩa nhựa cỡ lớn. Kết hóa cho thấy có đến 3/4 các sản phẩm được khảo sát chứa những hóa chất độc hại, có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Giáo sư Martin Wagner, nhà sinh vật học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy, đồng tác giả công trình nghiên cứu, cho biết: “Vấn đề nằm ở chỗ nhựa là một hợp chất được tạo thành từ một loạt các chất hóa học phức tạp, vì thế, chúng ta thường không biết chính xác “danh tính” của các chất cũng như hàm lượng của chúng trong sản phẩm nhựa mà chúng ta sử dụng. Trong số hàng ngàn hóa loại hóa chất được dùng để sản xuất nhựa, chúng ta hoàn toàn không có cách nào để biết rõ liệu tất cả chúng có an toàn hay không. Điều này là do việc theo dõi kỹ lưỡng tất cả các hợp chất cấu thành lên nhựa vô cùng khó khăn. Trong nhiều trường hợp, ngay cả các các nhà sản xuất cũng không thể chỉ rõ thành phần hóa học trong sản phẩm của họ. Mặt khác, ngay cả khi biết rõ, họ cũng không bị buộc phải tiết lộ thông tin này”.
Đúng vậy, hoàn toàn không dễ để cô lập và cách ly các loại hóa chất cụ thể có trong nhựa. Trên thực tế, có hơn 5.000 loại nhựa khác nhau đang được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới, kéo theo đó là hàng chục ngàn loại hóa chất riêng biệt được sử dụng để sản xuất chúng. Hiện các nhà nghiên cứu mới chỉ nắm rõ thông tin chi tiết về hơn 4.000 loại hóa chất được sử dụng trong các loại bao bì, khay, hộp đựng thực phẩm bằng nhựa, trong khi tổng số hóa chất trên thực tế được cho là lớn hơn rất nhiều.
Trong một bài báo khoa học được đăng tải trên tạp chí Environmental Science and Technology, các nhà khoa học đã tìm thấy hơn 1.400 loại chất hóa học khác nhau tồn tại trong một số loại nhựa mà họ chọn ngẫu nhiên để nghiên cứu, nhưng hiện mới chỉ có thể xác định được danh tính cũng như đặc điểm, tính chất hóa học của 260 trong số đó – một tỷ lệ chênh lệch quá lớn.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng 60% sản phẩm nhựa (được phân tích) sở hữu độc tính chung; 40% có thể tạo ra hiện tượng kích ứng oxi hóa (oxidative stress), được cho là có mối liên quan chặt chẽ đến ung thư, tiểu đường và một số bệnh lý về tim mạch; và 30% có thể gây hại nghiêm trọng đến hệ nội tiết (liên quan đến ung thư và các vấn đề về khả năng phát triển của cơ thể).
Xác định một số loại nhựa có hại
Trong suốt quá trình nghiên cứu, giáo sư Martin Wagner và các cộng sự đã phát hiện ra rằng những hóa chất trong polyvinyl clorua (PVC, thường được đánh dấu là 3 trong mã tái chế) và polyurethane (PUR) là độc hại nhất. PVC (thường dùng làm màng bọc thực phẩm) khi nóng chảy có thể tạo ra các hợp chất phá hủy nội tiết tố, gây ung thư cũng như nhiều loại bệnh lý nguy hiểm khác.
Trong khi đó, polyetylen terephthalate (PET, mã tái chế 1, thường được dùng làm đồ chứa các thực phẩm dạng lỏng) và polyetylen mật độ cao (HDPE, mã tái chế 2, thường được sử dụng để chế tạo các sản phẩm chịu va đập tốt, ít bị biến dạng, trầy xước, đặc biệt có thể chịu được nhiệt độ 120 độ C trong thời gian ngắn hoặc 110 độ C trong thời gian dài) được đánh giá là ít độc hơn.
“Các hóa chất trong nhựa có thể gây hại trong quá trình sử dụng hoặc khi bị sử dụng sai khuyến cáo. Mặc dù các nghiên cứu chuyên sâu về tác hại thực sự của nhựa cũng như mối liên hệ giữa chúng với một số loại bệnh thường gặp ở thế giới hiện đại vẫn chưa thể được phân định rõ ràng trong nhiều trường hợp, nhưng những hóa chất độc hại đúng ra không nên có trong nhựa ngay từ đầu”, giáo sư Wagner phát biểu.
Đúng vậy, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta hoàn toàn có thể chỉ đích danh một vài loại nhựa có vấn đề và cần tránh sử dụng thường xuyên, tuy nhiên thử nghiệm lại cho thấy các vấn đề về độc tính trong nhựa là rất rộng, gần có thể tìm thấy ở gần như tất cả mọi loại nhựa. Nói cách khác, mọi loại nhựa đều độc hại ở một hình thức nào đó và không nhất thiết gây hại trực tiếp cho sức khỏe con người.
Như vậy, rõ ràng biện pháp đầu tiên cần làm là cắt giảm sử dụng nhựa nói chung. Trong đó, cần cố gắng hạn chế đến mức tối đa các sản phẩm làm từ nhựa PVC (được gắn nhãn mã tái chế số 3) và các loại nhựa được gắn nhãn mã tái chế số 7, vì không thể rõ chúng được làm từ loại nhựa nào, chứa những hợp chất độc hại ra sao.
Loại nhựa mã số 7 là loại nhựa độc hại nhất và được cho là có liên quan mật thiết tới vô sinh, tiểu đường và ung thư. Tuy vậy, chúng vẫn được sử dụng tương đối phổ biến trong các vật dụng hàng ngày, thậm chí để đựng thực phẩm, chẳng hạn như bình đựng nước cỡ lớn, lọ đựng tương ớt, hộp đựng thực phẩm ăn liền, đĩa DVD, đĩa Blu-ray và nhiều loại đồ gia dụng khác.
Giảm thiểu tác hại từ nhựa
Như đã nói, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa nói chung có lẽ là cách tốt nhất để tránh phơi nhiễm với các chất độc hại bởi trong cuộc sống hiện đại, rất khó để loại bỏ hoàn toàn loại vật liệu hữu ích này. Hãy cố gắng thực hiện một số biện pháp sau để ngăn ngừa tối đa tác hại của nhựa đối với cơ thể:
Không tái sử dụng các loại nhựa dùng 1 lần như vỏ chai nước khoáng, ống hút nhựa… Việc sử dụng các loại vỏ chai nước khoáng, nước giải khát làm vật dụng đựng nước uống trong gia đình là thói quen tiết kiệm của nhiều người, nhưng tác hại lâu dài mà việc này gây ra cho cơ thể sẽ lớn hơn rất nhiều so với lợi ích kinh tế đạt được.
Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm ăn sẵn, đồ ăn, thức uống được đựng trong khay nhựa, chai nhựa.
Hạn chế lưu trữ thực phẩm trong hộp nhựa. Nhiều gia đình thường có thói quen dồn thức ăn thừa vào các loại hộp nhựa để bảo quản trong tủ lạnh, làm như vậy sẽ khiến hóa chất thôi nhiễm vào thực phẩm, đặc biệt là đối với thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, chất béo, hoặc có tính axit, kiềm cao. Thay vào đó, hãy sử dụng hộp đựng thực phẩm làm từ thép không gỉ, thủy tinh hoặc sứ.
Không làm nóng nhựa, hạn chế đặt các loại thực phẩm nóng trực tiếp vào khay nhựa và đặc biệt là túi nilon. Thậm chí những vật dụng bằng nhựa để trong xe ô tô dưới trời nóng cũng có thể giải phóng các hóa chất độc hại.
nguồn: quantrimang
Có thể bạn muốn xem
Power Pricing – Chiến Lược Định Giá Đột Phá Thị Trường
Tại sao 1 phút có 60 giây, 1 giờ có 60 phút và 1 ngày có 24 giờ?
MTTQ Việt Nam giới thiệu cuốn sách “Những ánh sao khuê”
Học tiếng Anh qua chuyện cổ tích
Tháng sách hay Phương Nam
Bộ tranh vẽ cuộc sống người Việt vào thập niên 1930
Cẩm nang sinh tồn siêu cấp
Sách thiếu nhi đầu tiên của David Sedaris
Nước Mỹ nhìn từ bên trong