Phương tan học sớm hơn mọi khi. Khu tập thể vào giờ này thường rất vắng vẻ, chỉ thỉnh thoảng cất lên đâu đó tiếng bà ru cháu. Phương mở cửa, vẫn luôn là cảm giác rụt rè khi bước vào ngôi nhà của chính mình.
Con bé cảm thấy mình như rơi tõm vào khoảng không trống rỗng. Đã rất lâu rồi không có ai chào đón Phương mỗi khi đi đâu đó trở về. Mẹ đã bỏ đi gần hai năm nay không một lần trở lại. Bố tìm mọi cách để tạm quên đi nỗi cô đơn hiện hữu trong lòng bằng công việc và biết bao mối quan hệ ngoài kia. Những khoảng trống mẹ để lại không ai có thể bù đắp được.
Giờ Phương chỉ có thể sống bằng thứ ký ức dự trữ đang ngày một vơi đi. Mùa xuân đã ùa về khắp nơi chỉ trừ trong ngôi nhà này, khi thiếu đi dáng mẹ lúi húi dọn dẹp, cắm hoa, vui vẻ hát trong căn bếp nhỏ. Dù lúc đó bố triền miên trong những cơn say thì Phương vẫn không cảm thấy sợ hãi cô đơn như bây giờ. Ở đâu có mẹ là ở đó có nắng ấm. Mẹ bỏ đi nghĩa là đã mang theo cả vạt nắng hiếm hoi sưởi ấm tuổi thơ Phương. Mẹ không để lại gì ngoài những giỏ hoa cúc họa mi cứ đến Tết là đua nhau nở vàng nhung nhớ. Phương tự hỏi “không biết mùa này mẹ có khi nào đi ngang qua phố?”. Dẫu chỉ là vô tình thì chắc mẹ cũng sẽ nhìn thấy cúc vàng đang nở…
Năm này rét đẹp. Trời se lạnh trong cái nắng vàng tươi khiến người ta nghĩ đến một mùa đông quá đỗi ngọt ngào. Phương lục tủ mang áo len từ những mùa rét trước ướm thử lên người. Tất cả đều đã chật, hai năm đủ để Phương lớn lên trông thấy. Những chiếc áo này tự tay mẹ đan cho Phương, len dày và ấm. Dù vẫn còn nguyên cả sự vụng về trong những đường đan bị lỗi nhưng với Phương mọi thứ thật đáng yêu.
Mọi việc mẹ làm đều có vài sai sót nên thành quả sẽ chẳng giống ai. Nhưng vì thế mà Phương có quyền nhớ mẹ theo cách của riêng mình. Món mứt bí đao mẹ làm lần nào cũng thất bại thảm hại khi thành phẩm là một thứ hỗn hợp đặc sệt ngọt lừ. Mà mẹ vẫn không hiểu đã sai ở khâu nào. Bánh chưng mẹ gói đôi khi quên nhân, lá dong bọc mấy lượt vẫn rách bung cả gạo.
Những lần dọn nhà Tết bao giờ mẹ cũng làm rơi vỡ vài món đồ. Mẹ tiếc ngẩn ngơ nhưng Phương bảo có hề chi, càng có cớ để mua đồ mới. Những món ăn ngày Tết mẹ làm bao giờ cũng mang một thứ hương vị khác. Cùng một thứ nguyên liệu nhưng công thức không lần nào giống lần nào. Cũng vì mọi thứ mẹ làm đều theo cảm hứng nên ngôi nhà luôn tươi mới một cách vô nguyên tắc. Điều ấy từng làm bố bực bội trong những cơn say.
Trời lạnh luôn mang đến cảm giác đau đớn đâu đó trong tâm hồn đứa nhỏ mười hai tuổi. Thực ra đó cũng là cảm giác của ký ức. Mỗi khi nhìn thấy cơ thể mẹ bầm tím Phương đều tưởng như chính mình hứng chịu những cái tát của bố. Mỗi lần say, rượu thường làm bố mất tự chủ. Khác hẳn với vẻ hiền lành lúc tỉnh táo, bố khật khưỡng bước vào nhà với khuôn mặt phừng phừng sẵn sàng cho một cơn thịnh nộ. Bao nhiêu nỗi chán chường trong công việc bố đều đổ lên đầu mẹ. Hiểu được những khó khăn bố phải bươn chải để nuôi sống gia đình nên mẹ không bao giờ cự cãi. Nhưng sự im lặng đầy cam chịu ấy không làm bố nguôi ngoai. Trái lại, nó thổi bùng lên ngọn lửa tức giận trong cơn ma men.
Phương không nhớ nổi mẹ đã bao lần ngồi im chịu trận. Đứa bé bảy tuổi sợ hãi đứng nép mình trong xó nhà chưa một lần dám chạy lại can ngăn hoặc ôm lấy mẹ che chắn những trận đòn. Nên sau này khi mẹ đã bỏ đi Phương cứ nghĩ tại mình. Trong những đêm nhớ mẹ quay quắt, Phương ước gì mình từng đủ can đảm bảo vệ mẹ bằng sức lực yếu ớt. Thì biết đâu mẹ sẽ thấy mình còn được an ủi trong ngôi nhà chật ních nỗi cô đơn. Mẹ không có đồng minh nên chỉ biết nương tựa vào những vật vô tri. Là căn bếp nhỏ nơi mẹ có quyền xào nấu theo cách mà mình thích. Là vải vóc và kim chỉ làm bạn cùng mẹ lúc con đi học chồng đi làm. Là những chậu cúc họa mi dù nắng nóng hay rét buốt vẫn vươn cành buông thõng dịu dàng xanh. Khi ấy Phương nào đâu thấu hiểu nỗi cô đơn của mẹ…
* * *
Mấy chậu cúc họa mi này được Thuần mua trong một cửa hàng bán toàn đồ nông sản sạch. Đó là một ngày vui, Thuần được lên chức trưởng phòng lại vừa nhận thưởng sáu tháng đầu năm với số tiền ngoài mong đợi. Trên đường đi làm về, Thuần muốn làm điều gì đó khác lạ với ngày thường để tự thưởng cho mình. Thuần rẽ vào quán bia bấm máy gọi cho vài người bạn đã lâu không gặp.
Từ ngày ra trường cuộc sống mưu sinh cứ cuốn nhau đi. Ai cũng có cái đích để phấn đấu và có những ước mơ cần vun vén mỗi ngày. Gặp lại nhau như được sống lại bao nhiêu ký ức của thời sinh viên nghèo khó. Ba hoa đủ thứ chuyện thì đã gần khuya, tạm biệt bạn bè Thuần chầm chậm trôi trên phố. Nhiều nhà đã tắt đèn, các cửa hiệu đã đóng cửa. Trên phố nhập nhoạng những mảng tối – sáng giữa cái rét ngọt của buổi lập xuân.
Bỗng trước mắt Thuần hiện ra một cửa hàng vẫn sáng đèn. Ngoài hè còn bày la liệt chum vại, những chiếc gùi đựng cam và một vài chậu cúc đã bung hoa. Không biết có phải nhờ sắc hoa mà cửa hàng trở nên vàng rực rỡ, khác hẳn với màu đèn đường đỏ quạch nhưng nhức mắt người. Thuần dừng xe, lớ ngớ nhìn những chậu cúc treo buông xuống từng cành hoa vàng kiêu hãnh. Không phải là cúc chi, cũng không phải là loại cúc họa mi cánh trắng được bày bán khắp nẻo đường Hà Nội. Những bông cúc vàng, nhỏ, cánh mau dễ gợi cho người ta cảm giác đẹp lộng lẫy mà không hề phô trương. Đứng ngẩn ngơ ngắm hoa, bất giác Thuần nhớ ra Miên từng một thời mải mê với cúc…
Thuần không nhớ đã bao lâu rồi mình không tặng Miên một món quà. Những ngày kỷ niệm trong năm Thuần thường bảo thích mua gì thì mua, vì đằng nào Miên cũng cầm kinh tế gia đình. Nên sau này vào những ngày vắng xa Miên đằng đẵng, Thuần thường mơ thấy vẻ mặt đầy hạnh phúc và bất ngờ của Miên khi nhận từ tay anh mấy chậu hoa.
Cái Tết đầu tiên tràn ngập sắc hoa, ngoài trời rét căm căm nhưng căn phòng luôn ấm. Miên nói nếu hơ tay bên hoa có thể cảm nhận được hơi ấm tỏa ra từ những cánh vàng. Đó cũng là những ngày bình yên hiếm hoi cuối cùng trước khi Thuần đắm chìm trong men rượu. Tình hình kinh tế suy thoái, công việc kinh doanh bất động sản trì trệ kéo theo nấc thang tâm trạng Thuần tụt dốc. Vốn là người quan trọng sự nghiệp tiền tài, Thuần không cách nào cân bằng được tâm lý của mình.
Mỗi lần trở về nhà Thuần chỉ thấy gánh nặng gia đình đè lên vai, thấy đời mình sao khốn khổ. Ngay cả khi Miên đã đi làm trở lại để lấy tiền trang trải sinh hoạt thì Thuần vẫn không nguôi cơn giận. Nhưng giận ai? Giận cái gì? Chính Thuần cũng không cắt nghĩa nổi. Thêm vài lời kích bác của bạn rượu Thuần như không còn là mình nữa. Đã bao lần ngọn lửa vô cớ ấy thiêu đốt người đàn bà tội nghiệp bằng những trận đòn. Thuần phác họa lại mình trong ký ức chỉ thấy hiện hình nguyên vẹn một gã điên…
Miên đi. Giống như một cú tát trời giáng khiến Thuần bừng tỉnh, tìm quanh không còn thấy bóng dáng Miên đâu. Căn nhà trống vắng, hơi lạnh tỏa ra khắp ngõ ngách. Từ phòng ngủ đến gian bếp, từ giường chiếu đến những chiếc rèm cửa hững hờ. Qua cơn phẫn nộ Thuần bắt đầu hoang mang. Muốn đi tìm Miên nhưng không biết phải tìm ở nơi nào. Đã bao lâu rồi Thuần không quan tâm trò chuyện với Miên. Không hiểu vợ mình nghĩ gì? Cần gì? Muốn đi đến những đâu? Bạn bè của vợ Thuần cũng không quen biết nên cuộc kiếm tìm đã nhanh chóng trở nên vô vọng.
Đã có một khoảng thời gian dài Thuần chìm nghỉm trong thứ tâm trạng tệ hại. Đến mức người thân không ít lần khuyên Thuần tìm đến bác sĩ tâm lý. Nếu không phải vì nghĩ đến bé Phương thì có thể Thuần không đủ mạnh mẽ để đứng dậy sau sự trì trệ của công việc và cú sốc tinh thần. Hai năm nay chỉ còn lại hoa vàng là cứ mùa xuân lại thắp nắng trong căn nhà lạnh lẽo. Cứ xuân về Thuần mang hoa ra treo ngoài ban-công. Treo thật khéo để làm sao đứng từ dưới đường cũng có thể nhìn thấy những đốm hoa rực nắng. Biết đâu một ngày nào đó Miên bất chợt đi qua, bất chợt ngước lên nhìn lại căn nhà và sẽ thấy hoa vàng vẫn nở…
* * *
Nơi Miên đến không có hoa vàng. Một căn nhà trọ nhỏ với những chiếc rèm cửa tối màu. Ở đây Miên sống giữa hai chiều trạng thái đối nghịch nhau. Mỗi sáng thức giấc Miên hồ hởi vén gọn rèm cửa đón những ngọn gió trong lành. Nhìn cuộc sống tươi vui ngoài kia mà chỉ muốn nhanh ùa mình vào đó. Với môi son má phấn, váy áo điệu đàng không vướng bận lo toan. Nhưng cứ mỗi buổi chiều trở về nhà sau giờ làm thì Miên lại bị rơi tõm vào nỗi nhớ nhung, dằn vặt.
Miên nhớ căn nhà cũ, nơi đã từng nhốt chặt và đày đọa mình bằng những bổn phận. Nơi Miên từng phải thu mình gọn nhất đến mức từng có lúc quên cả bản thân. Dù đã từng cố gắng khơi dậy và vun vén đến kiệt cùng nhưng hạnh phúc vẫn là thứ xa vời. Hai năm trước vì không chịu nổi những cơn say của Thuần. Vì bỗng một đêm thức giấc, nức nở thấy thương mình đến cùng cực nên Miên đã bỏ đi. Giống như một cuộc chạy trốn để giải thoát chính mình. Hình ảnh cuối cùng ghim lại trong trí nhớ là đứa con gái mười tuổi đang nằm ngủ ngon lành. Suốt hai năm nay dù có cố gắng Miên cũng không thoát nổi cảm giác tội lỗi khi bỏ lại con mình.
Như lúc đi trên đường phố thấy người ta sắm áo mới cho con, Miên chạnh lòng nhớ Phương với những mũi đan mùa cũ. Lúc ăn bữa cơm ngon dù ở nhà người dưng ấm cúng hay gặp lúc dọc đường cũng ước gì có con bên cạnh. Những đêm lạnh nhớ đến quặn lòng cảm giác được ủ ấm hai bàn chân con. Nhìn người ta lột vỏ hành muối dưa mà mắt Miên cũng cay xè vì nhớ.
Những câu hỏi bâng quơ cứ lặp đi lặp lại. Giờ này không biết con đi học về chưa? Có ai nấu ăn cho? Có biết tự giác mặc áo cho đủ ấm? Rồi bỗng nhiên bật khóc khi nghĩ mình là người mẹ chẳng ra gì. Chỉ biết nghĩ cho bản thân rồi bỏ con lại với vô vàn khoảng trống. Nên đã không ít lần Miên trở lại con phố ấy. Chậm chậm trôi qua khu tập thể cũ để nghe lòng mình thắt lại. Cũng có khi ẩn mình trong quán cà-phê đối diện ngó dáng người đàn ông vừa lạ vừa quen. Thuần gầy hơn, râu có lẽ lâu chưa cạo, tóc lâu chưa cắt. Vẫn đôi mắt buồn ấy, ngay cả lúc say mèm hùng hổ lao vào Miên cũng không thấy hết buồn. Và bỗng thấy xót lòng khi ai đó phong phanh trong ngày gió mùa vừa ập đến…
Sáng nay Miên định bụng dậy sẽ đi chợ xuân nhưng không hiểu sao bàn chân lại tìm về lối cũ. Miên đứng từ xa nhìn ngắm mùa xuân ùa về khu tập thể già nua qua hình ảnh chiếu chăn phơi thành những thảm màu. Nhiều nhà đã treo cờ. Dưới sân, người ta đã bắt đầu chở cây cảnh đến bày bán chật lối đi. Khi ngồi trong quán cà-phê quen, Miên hướng mắt về phía ô cửa cũ. Chợt nhìn thấy những bông hoa vàng nép mình nở giữa bộn bề đời sống. Bố con Thuần đứng đó mắt nhìn xuống đường ngóng vọng xa xôi. Tưởng như họ nhìn xuyên qua cửa kính quán cà-phê và thấy Miên ở đó. Bất giác Miên khẽ mỉm cười khi ngập ngừng giơ cánh tay vẫy vẫy…
Vũ Thị Huyền Trang/Báo Giác Ngộ
Có thể bạn muốn xem
Viết cho thỏa một nỗi yêu Hà Nội
Các ấn phẩm giáo dục âm nhạc nổi tiếng thế giới đến Việt Nam
Cà phê biệt thự
Căn hộ số 203
Hàng loạt bộ sách đồ sộ cùng ra mắt
Những Gã Khổng Lồ Trung Quốc
Học tiếng Anh qua chuyện cổ tích
Thư viện miễn phí và niềm tin của cô gái mắc bệnh bại não bẩm sinh
Hẹn hò với Paris