Ông Lê Quý Dương cho biết trong Ngày thơ Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Nhịp điệu mới”, toàn bộ không gian của Hoàng thành Thăng Long sẽ trở thành một “cõi thơ”.

Hình ảnh tại Ngày thơ Việt Nam năm 2019.

Sau 20 năm Ngày thơ được tổ chức (diễn ra ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội, Ngày thơ Việt Nam năm 2023 lần đầu tiên được tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long, và lần đầu tiên mời đạo diễn sân khấu dàn dựng, để “Hoàng thành Thăng Long sẽ trở thành cõi thơ”.

Tại buổi gặp mặt thân mật ra mắt tuyển tập thơ ngày 30/12, đạo diễn Lê Quý Dương đã tiết lộ một số thông tin về Ngày thơ Việt Nam 2023 mà ông được mời làm đạo diễn. Buổi ra mắt có sự tham dự của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều và một số thành viên Ban chấp hành Hội.

Ông Lê Quý Dương cho biết trong Ngày thơ Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Nhịp điệu mới”, toàn bộ không gian của Hoàng thành Thăng Long sẽ trở thành một “cõi thơ”. Trong “cõi thơ” ấy có cổng thơ để đón khách thơ, người thơ. Đi qua cổng thơ sẽ vào đường thơ.

Ở giữa không gian của Hoàng thành sẽ dành cho Bảo tàng Văn học Việt Nam một không gian đẹp để dựng nhà ký ức thơ. Bên kia là đường sách thơ và góc sân cỏ có những “cây thơ” rực rỡ vào ban ngày và lung linh vào ban đêm. Sân khấu chính sẽ gọi là đàn thơ.

Ông Dương tiết lộ thêm ngày thơ năm nay không chỉ có các nhà thơ lên sân khấu đọc thơ mà còn tổ chức rất nhiều hoạt động ở đường sách thơ như các nhà xuất bản giới thiệu các tập thơ, các nhà thơ nổi tiếng đến chia sẻ, giao lưu với độc giả.

Đặc biệt, chương trình tối 5/2 (đúng ngày rằm Nguyên Tiêu) sẽ là chương trình nghệ thuật, trong đó trình diễn 21 bài thơ của 21 nhà thơ do Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam chọn để kỷ niệm lần thứ 21 của Ngày thơ Việt Nam.

Chia sẻ về việc dời Ngày thơ Việt Nam khỏi địa điểm truyền thống Văn Miếu Quốc Tử Giám, ông Nguyễn Quang Thiều nói từ nay sẽ tổ chức ngày thơ ở nhiều địa điểm khác trên cả nước.

“Chúng tôi không muốn thơ là một lâu đài, mà lan tỏa đi khắp nơi. Nơi nào tôn trọng vẻ đẹp của văn hóa và thơ ca thì nơi đó sẽ trở thành mảnh đất của thơ ca và văn hóa”, ông Thiều nói.

Về việc lần đầu tiên mời đạo diễn cho Ngày thơ Việt Nam, liệu có lo lắng chuyện thơ bị sân khấu hóa, ông Thiều nói sân khấu chỉ phục vụ cho giá trị của thi ca, cho sự hiện diện của thi ca. Ngâm thơ, trình diễn thơ, đọc thơ, in thơ… tất cả hình thức nào mang thơ đến mọi người nhanh nhất, gần nhất thì được lựa chọn.

Ngày thơ Việt Nam là ngày hội tôn vinh thành tựu thơ ca Việt Nam, được tổ chức vào ngày rằm tháng giêng âm lịch hàng năm theo quyết định của Hội nhà văn Việt Nam, dưới sự đồng ý và chỉ đạo của Ban tư tưởng – Văn hóa Trung ương và Bộ Văn hóa – Thông tin Việt Nam. Lần đầu tiên, Ngày thơ Việt Nam vào năm Quý Mùi (tức năm 2003) được diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội.

nguồn: https://zingnews.vn/ngay-tho-viet-nam-nam-2023-se-dien-ra-voi-chu-de-nhip-dieu-moi-post1390156.html