“Ngoài kia trời rất xanh”: cuốn sách của người phụ nữ viết về ngày tháng cuối cuộc đời khi sống với ung thư, kể lại những chấn động mạnh mẽ đến rung động li ti trong tâm hồn.

Với cuốn sách, chị Cúc Phương đã lưu giữ lại hình ảnh về mình đẹp nhất theo cách một con người có thể.

Ngoài kia, trời rất xanh, cuốn sách từ chính một người phụ nữ đã đứng trước ngưỡng cửa sống chết, và đã đi qua cuộc đời – chị Cúc Phương. Cuốn sách ra vào đầu tháng một, đúng dịp giỗ đầu của chị.

Vừa dữ dội, bi thương vừa nhân ái, ngọt ngào

Chị Cúc Phương là một nhà báo, Trưởng ban Văn nghệ của Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng. Tháng 5/2013 chị phát hiện ung thư cổ tử cung và đã được phẫu thuật ngay. Nhưng hai năm sau, vào tháng 5/2015, ung thư trở lại, lần này ở vú. Chị đã trải qua tất cả các phác đồ điều trị khác nhau, từ phẫu thuật cắt bỏ khối u, đoạn nhũ, đến hóa trị, xạ trị, đến điều trị nội tiết… Nhưng căn bệnh nghiệt ngã đã không dừng bước.

Những trang viết này rất đẹp, không phải ở khía cạnh một phụ nữ yếu ớt chiến đấu với bệnh tật như báo chí hay viết. Nó đẹp nhất ở khía cạnh con người. Chị Cúc Phương, vốn là một nhà báo, đã viết ra được cả những chấn động mạnh mẽ lẫn những rung động li ti trong tâm hồn mình. Cái chết luôn luôn là một điều bí ẩn, người sống chỉ có thể nói về cái chết với tư cách một kẻ đứng ngoài.

Nhưng với câu chuyện này, lần đầu tiên, người ta có thể nhìn vào cõi sâu thẳm bí mật của một con người sắp từ giã cuộc đời, với một bên là niềm ham sống mãnh liệt, và bên kia là sự chấp nhận một sự thật chẳng đặng đừng, để bắt đầu gói ghém và thu xếp, vội vàng như chẳng kịp…Vừa dữ dội, vừa bi thương, nhưng lại vừa nhân ái, ngọt ngào, tất cả dồn nén để làm hiện ra một con người với chất người sống động nhất.

Trong suốt quá trình chữa bệnh, có thể thấy chị – một người phụ nữ thể trạng yếu đuối – rất hợp tác với bác sĩ, tham gia tất cả các phác đồ điều trị của các bác sĩ trong và ngoài nước, thực hiện chế độ luyện tập ăn uống rất nghiêm ngặt, đọc nhiều tài liệu về căn bệnh, tiếc nuối đến xót xa về một cơ hội mong manh bị bỏ qua, về việc sai thuốc không được đổi kịp thời, về cái máy hỏng khiến việc điều trị bị ngắt quãng.

Đã nhiều lần muốn buông, “Tôi thì đã quá nản, tôi muốn chấm dứt hành xác, tôi muốn quên đi mọi chuyện”, nhưng niềm ham sống lại tiếp tục hối thúc chị thử những phương pháp khác nhau, cho dù đầy đau đớn. Ngoài đời người ta vẫn bông phèng với nhau “chết là hết”, nhưng không đơn giản như thế, bởi chỉ ở trên lằn ranh sống chết mới hiểu “sống” có ý nghĩa mãnh liệt đến thế nào.

Hy vọng vào một phép màu, nhưng người phụ nữ này vẫn nhận thức rằng rủi ro rất lớn, thời gian của mình sắp hết. Chị thấm thía câu hát của Trịnh Công Sơn: Về thu xếp lại/ngày trong nếp ngày/ vội vàng thêm những lúc yêu người… Thế nên chị cố gắng sử dụng hiệu quả thời gian của mình.

Tận dụng mọi thời gian để đẹp: mặc đẹp và điệu bất cứ lúc nào có thể, trang điểm và đi giày cao gót vào phòng chiếu xạ, ngay cả khi tóc rụng hết vẫn kiếm cho mình những chiếc khăn trùm đầu phong cách, tự cắt may và phối lại quần áo để vừa thoải mái khi điều trị mà vẫn đẹp…

“Đã đến nước này rồi mà còn điệu thấy ớn, chắc nhiều người sẽ nghĩ vậy. Kệ. Chết cũng nên chết một cách kiêu hãnh chứ nhỉ. Tôi là đàn bà mà!”.

Chị tận dụng thời gian để làm việc, để không thấy mình vô dụng, bị bỏ qua, và để quên đi cảm giác đau đớn trong cơ thể, để thấy mình là người bình thường. “14 tháng 3 năm 2016. Nhận được giấy ra viện. Giấy ghi nhập viện lại vào ngày 20 tháng Ba. Ồ. Dù sao thì những ngày tới sẽ được làm người…bình thường. Sẽ trang điểm đẹp, đến cơ quan, đi chợ, nấu ăn, phơi đồ, lau nhà… để thấy mình vẫn là một người bình thường. Cố gắng!”

Chị chăm chút từng cái cây bên cửa sổ, buông bỏ những điều phiền toái; chăm chút gia đình, trang trí nhà cửa sạch đẹp để không ai đến chơi có cảm giác trong nhà có người ốm; đặt ra những mục tiêu phấn đấu; cố gắng tìm cách để cười mỗi ngày, để mọi người xung quanh không thấy mình tàn úa và không bị cảm giác nặng nề; đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm khi điều trị, hy vọng có ích cho ai đó…

Niềm bao dung và ngọt ngào quanh ta

Có lẽ cuộc sống với chị chưa bao giờ rõ tới từng đường nét, hiện hữu trong từng công việc cụ thể một cách mạnh mẽ và khiến chị chuyên chú đến thế. Cách nhìn cuộc sống như thế này phải chăng là thứ mà những người khỏe mạnh và bận rộn chúng ta luôn thiếu, và phần nào cuốn chúng ta vào ra quá nhiều những thứ phù phiếm xô bồ?

Chị Cúc Phương, ảnh chụp tháng 5/2017.

Và chị viết, như một sự thu xếp trước khi lên đường cho một cuộc chia tay sắp mải. Tôi thấy chị nhìn lại cuộc đời mình đầy trìu mến – xinh đẹp một tí, nổi tiếng một tí, thành công một tí. Chị viết cho từng người, ôn lại những kỷ niệm, nhắn lại những yêu thương.

Cho chồng, “Có thể, tôi chưa thể hiểu hết chồng mình, nhưng thú thật là tôi luôn có cảm giác anh ấy đến từ thế giới của những đứa trẻ, hồn nhiên và cũng dễ tổn thương”. Cho con gái: “Mẹ giúp con gái thử bộ đồ lót mới, bắt gặp quá khứ của mình. Nhìn con gái chăm chỉ học bài, mẹ thấy tương lai của mình”. Cho con trai: “Con trai là người giúp mẹ trưởng thành hơn, cũng là người giúp mẹ trẻ hơn bởi luôn có cảm giác được che chở”.

Chị viết cho mẹ chồng, các dì các o, cho anh trai, cho cháu ruột, viết cho đồng nghiệp, cho bạn bè, cho các bác sỹ y tá, cho một cô gái còn chưa biết tên, cho một chiếc lá, một bản nhạc, một ý tưởng vừa nảy ra trong đầu… Yêu thương tất cả và bao dung tất cả, không còn hậm hực, hờn dỗi với cuộc đời.

Ở cuối cuộc hành trình sống với căn bệnh, người phụ nữ đã đi tới những nhận thức khác hẳn, không còn day dứt, không còn níu kéo. “10 giờ ngày 15 tháng Ba năm 2017: tôi bước vào cuộc phẫu thuật thứ 5 trong vòng chưa đầy 4 năm – đoạn nhũ phải. Nếu 4 năm trước không thể nào chợp mắt được thì bây giờ nhẹ nhàng…”

“Ờ, thân xác cũng giống như ký ức, khi vẫn phải bước đi mà sức còn có hạn thì cần phải bỏ lại vài thứ, nếu không thì làm sao mà bước tiếp? Thực ra, đôi khi, khỏe không phải là nâng lên mạnh mà là đặt xuống được nhẹ nhàng”.

Đây không chỉ là hành trình chữa bệnh, đây còn là một hành trình nhận thức bản thân mãnh liệt của chị, để sau tất cả, chấp nhận, và thấy lòng nhẹ tênh. Vì thế, dù đã ra đi trong sự đau đớn của cơ thể, chị đã đạt được niềm thanh thản trong tâm hồn, hơn thế, còn lưu giữ lại hình ảnh về mình đẹp nhất theo cách một con người có thể.

Cuốn sách mang tới người đọc một cảm giác sâu sắc rằng chị Cúc Phương là một con người đầy nhạy cảm, và ở trên ngưỡng cửa sống chết điều ấy càng trở nên mạnh mẽ. Giọng viết mềm mại nữ tính và giàu chất văn chương của chị khi chia sẻ những suy ngẫm hay về con người, về cuộc đời, khiến cuốn sách sẽ có thể chạm đến trái tim nhiều người.

Ai đó nói: có gì đáng cảm động lắm đâu, chị ấy thành đạt, gia đình có điều kiện, chồng giỏi con ngoan và yêu thương hết mực. Nhưng ai biết chị đã nỗ lực thế nào để có được những điều đó? Và khi nhận một án tử của số mệnh trước mặt, điều ấy nghiệt ngã với tất cả mọi người.

Cuối cùng, chúng ta đọc cuốn sách này để làm gì, câu chuyện buồn như thế, và mùa xuân thì đang đến? Nhưng tin tôi đi, khi gấp trang sách này lại, bạn sẽ thấy một niềm bao dung và ngọt ngào quanh đây. Bạn sẽ hiểu về con người hơn để chia sẻ và cảm thông hơn. Bạn sẽ thấy mình may mắn và cuộc sống đẹp hơn bao giờ hết, dù đang ở giữa đám tắc đường vào sẩm tối mùa đông lạnh giá, bạn sẽ bớt càu nhàu, bạn sẽ dành thời gian ngồi lâu hơn bên người thân yêu đôi chút. Bởi cuộc sống không phải là vô hạn.

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy
nguồn: zing.vn