Việt Nam là một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng. Kho tàng văn hóa Việt Nam là hệ thống các thành tựu văn hóa do các dân tộc, các vùng miền văn hóa cùng sáng tạo nên và gìn giữ. các thành tựu văn hóa ấy trên thực tiễn đã tương tác với nhau và với những thử thách của thời gian và các biến cố lịch sử, những thứ còn lại có cái làm nền tảng hình thành dòng văn hóa đương đại, song cũng có cái còn lưu giữ dưới dạng ký ức lịch sử – một phần của di sản văn hóa. Văn hóa Hội An đương đại bao trùm cả hai thứ ấy.
Cảng thị Hội An hình thành và phát triển trên nền tảng giao lưu kinh tế – văn hóa quốc tế, trong đó có vai trò của người Hoa, người Nhật và người phương Tây. Ngày nay, khi nhắc tới Hội An người ta thường nhắc đến cầu Nhật Bản, những dãy phố cổ và tình hữu nghị Việt – Nhật, trong khi đó những dấu ấn văn hóa quan trọng của người Hoa và người phương Tây ít khi được đề cập tới. Trên thực tế, tại Hội An dấu ấn văn hóa người Hoa và hậu duệ của họ là đậm đặc hơn cả, từ kiến trúc đền miếu, nhà phố, tín ngưỡng – tôn giáo, phong tục – lễ hội, ẩm thực, cho đến nghề truyền thống và hoạt động kinh tế. Chiếc cầu Nhật Bản sau khi được trùng tu, xây dựng lại đã không còn dấu ấn phong cách Nhật Bản nữa, mà thay vào đó là lối kiến trúc pha trộn Việt – Hoa, gắn với nó là ngôi miếu cổ thờ vị thần mang nguồn gốc Trung Hoa là Bắc Đế. Sự hiện diện của những hội quán người Hoa cùng hệ thống lễ hội tại đó tự thân chúng đã trở thành những nguồn lực quan trọng biến Hội An thành một “trung tâm” văn hóa độc đáo, nơi diễn ra các quá trình giao lưu, dung hợp văn hóa và kiến tạo bản sắc tộc người.
Lịch sử hình thành và phát triển cảng thị Hội An có phần đóng góp không nhỏ của kho tàng giao lưu văn hóa Việt – Hoa, bất cứ ai “bén duyên” cùng Hội An đều không thể quên những con người, những di tích và những sự kiện quan trọng tạo dựng nên hình hài và tố chất cảng thị như nhà sư Nguyên Thiều với dòng Thiền Lâm tế, nhà sư Thích Đại Sán với dòng Thiền Tào Động, hệ thống chùa chiền đền miếu (như chùa Chúc Thánh, chùa Phước Lâm, miếu Quan Đế- chùa Quan Âm, Tổ đình Cẩm Hà- chùa Bà Mụ, các hội quán người Hoa), các làng nghề truyền thống, lễ hội Long Chu, món ăn cao lầu xứ Quảng vàvới các trò chơi dân gian đặc sắc (như trò thai đề xổ cử nhân, trò đổ xăm hường, trò du hồ) v.v… Đằng sau những dấu ấn văn hóa ấy là quá trình nỗ lực sáng tạo bằng cả tâm và trí của bao lớp người đi trước. Theo dòng chảy giao lưu và hội nhập văn hóa, cộng đồng người Hoa địa phương đã dung hòa hết thảy vào xã hội địa phương đương đại, đóng góp những giá trị quý báu của mình để làm nên một Hội An độc đáo trên dải đất miền Trung. Trong bức tranh giao lưu và hội nhập văn hóa ấy, người Minh Hương (thế hệ con cháu của những cuộc hôn nhân Việt – Hoa tại hội An) đã giữ vai trò tiên phong, làm cầu nối và là chất xúc tác cho quá trình đại hội nhập. Tất cả hòa quyện trên một cấu trúc thiêng – phàm, nong – sâu, khép kín – khai mở để tạo tác nên sắc thái người Hoa, người Minh Hương trong bức tranh văn hóa Hội An đầy quyến rũ.
Nguyễn Ngọc Thơ
Tác giả: Nguyễn Ngọc Thơ
Nhà xuất bản: NXB Văn Hóa – Văn Nghệ
Công ty phát hành: NXB Văn hóa – Văn nghệ
Có thể bạn muốn xem
Những đỉnh núi cao nhất các châu lục
Sự thật ta nắm giữ – Một hành trình xuyên nước Mỹ
1,2,3,5 bữa: Nói tóm lại ăn thế nào là tốt?
Triết học Phật giáo Việt Nam thời Trần
Sống như một cái cây
Bán Hàng Shopee Thực Chiến Từ A – Z
Công nghệ số là cơ hội để tái sinh ngành xuất bản Việt Nam
5 hành động tuyệt đối phải tránh khi đi phỏng vấn xin việc
Nâng cao giải thưởng văn học trong xã hội hóa