Tập tản văn “Hong tay khói lạnh” cho thấy sức tưởng tượng, sự nhạy cảm và đồng điệu của Nguyễn Ngọc Tư trước biến động của thời cuộc.
Tác giả Cánh đồng bất tận vừa ra mắt tập tản văn Hong tay khói lạnh nhân dịp đầu năm mới 2022. Sách do Nhà xuất bản Trẻ phát hành.
Bà Phan Thị Thu Hà – Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ – chia sẻ với Zing: “Năm mới là khoảng thời gian đẹp để bày tỏ yêu thương và hồi sinh, hướng tới những điều mới mẻ. Dịp này, chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc tản văn mới của Nguyễn Ngọc Tư. Với cách viết mới lạ, cây bút này cho thấy sự sáng tạo, đồng cảm trước tâm trạng chung của con người”.
Sự nhạy cảm trong lối viết
Tập tản văn Hong tay khói lạnh gồm hai phần. Phần một mang tên Giả tưởng sau tận thế gồm 7 bài. Phần hai có tên Hong tay khói lạnh gồm 21 bài.
Cuốn sách được hoàn thiện khi cả thế giới vừa trải qua một năm đầy biến động bởi đại dịch Covid-19. Vì lẽ đó, 28 tản văn của Nguyễn Ngọc Tư đều xoay quanh tâm trạng và thân phận con người trước những thay đổi của thời cuộc.
Đặt thân phận con người trong bối cảnh hậu tận thế, ngòi bút của “chị Tư” một lần nữa cho thấy tài năng, sức tưởng tượng hiếm có.
Chẳng hạn, ở tản văn đầu tiên Nắng gọi ngoài kia, tác giả hướng nỗi nhớ của mình tới ánh nắng Mặt Trời. Sự nhạy cảm trong lối viết khiến những điều tự nhiên, chân thật nhất cũng có thể trở thành bối cảnh của câu chuyện chứa đầy nỗi suy tư, trăn trở.
Một điểm chung xuyên suốt Hong tay khói lạnh khi xâu chuỗi các tản văn lại chính là nỗi niềm con người trước những biến đổi của khí hậu, thời gian và đời sống xã hội.
Tác giả mượn yếu tố nắng, mưa, lũ lụt… để tạo nên những tình tiết cho câu chuyện riêng của mình. Mọi chi tiết trong sách được giả lập tinh tế: “Nắng nghiêng sớm mai nắng xiên khoai chiều tà, cũng những ngày bầu trời nhân tạo đầy mây và mưa rào hoặc mua kèm giông lốc trên diện rộng. Mưa nắng được lập trình sẵn từ đầu năm”.
Một số tản văn trong Hong tay khói lạnh cũng lấy bối cảnh một mốc thời gian cụ thể. Có thể kể đến Nắng gọi ngoài kia, Hoàng hôn của than vãn, Hỏi vào đêm, Lời của ban sơ, Đồ chơi của thời tiết…
Sự đồng điệu trong tâm hồn
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ bản thân thường đọc sách trong sự ồn ào. Văn chương thế giới mà chị tiếp xúc đã nhấc bổng cây bút này ra khỏi lòng giếng chật chội.
“Những cuốn sách đánh thức bản năng viết giúp tôi bước vào thế giới văn chương bằng những câu chuyện, nhưng chính chúng đôi khi đã làm tôi thấy mình trở nên trong suốt, chực tan đi không dấu vết gì. Nhưng may thay, tôi là người viết. Và lúc viết tôi cố định lại hình dáng và tiếng nói của mình, lấy lại những màu sắc vốn có”, tác giả viết.
Trong tản văn Từ những thì thầm, Nguyễn Ngọc Tư cho rằng mỗi người luôn có những câu chuyện giống nhau, cùng sở hữu một vốn từ gần như nhau, nhưng sẽ có một cách kể của riêng mình.
Sự khác nhau đó đến từ “cách chạm vào đời sống, cách người ta đặt tấm gương đón nhận những hình ảnh phản chiếu của đời sống ấy, tái tạo lại với tài năng thiên bẩm, sự trắc ẩn và tinh tế”.
28 tản văn trong tuyển tập Hong tay khói lạnh được viết trong thời điểm thế giới đang phải đối mặt dịch bệnh, nên phần nào đã nói lên những trải lòng, suy tư chân thực của nhà văn.
Với tác phẩm này, Nguyễn Ngọc Tư chinh phục bạn đọc bởi văn phong độc đáo, mới lạ, nhưng chạm gần tới trái tim độc giả bằng chính sự đồng điệu trong tâm hồn.
Theo Nguyễn Ngọc Tư, còn hàng triệu câu chuyện được viết ra dưới vòm trời này. Tuy nhiên, “chúng lẩn khuất đâu đó ở những xứ sở xa xôi với những người đọc ít ỏi của mình, trong những tiểu vùng ngôn ngữ”.
Chị Lê Tịnh Thủy – biên tập viên cuốn sách này – chia sẻ văn chương của Nguyễn Ngọc Tư vốn giàu sức gợi. Mỗi người sẽ có một cảm nhận khác nhau.
“Khi tiếp cận Hong tay khói lạnh, tôi nghĩ đến cái riêng và cái chung, hay nói cách khác là cá nhân và tập thể. Tùy vào tâm thế, thời điểm mà người ta chú trọng vào điều gì hơn. Nhưng đặt trong bối cảnh hiện nay, người đọc sẽ biết cái chung và cái riêng nên gắn bó chặt chẽ với nhau”, biên tập viên Lê Tịnh Thủy nói thêm.
Nguyễn Ngọc Tư (sinh năm 1976) là nhà văn có sức viết bền bỉ, sáng tạo và nhận được sự yêu mến của đông đảo bạn đọc.
Nguyễn Ngọc Tư là tác giả của nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết và tản văn nổi tiếng: Đảo, Sông, Khói trời lộng lẫy, Cánh đồng bất tận, Gió lẻ, Không ai qua sông, Hành lý hư vô... Một số tác phẩm của chị được dịch sang tiếng Hàn Quốc, Anh, Đức và Thụy Điển.
Chị cũng nhận được nhiều giải thưởng có giá trị trong và ngoài nước như: Văn học tuổi 20 (năm 2000), giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam (năm 2006), giải thưởng Văn học ASEAN (năm 2008), giải thưởng Văn học Liberaturpreis (năm 2018)…
Năm 2019, tạp chí Forbes bình chọn Nguyễn Ngọc Tư là một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam.
Có thể bạn muốn xem
Bài giảng cuối cùng
Biển Chết liệu có hồi sinh?
Khai mạc triển lãm sách về biển và hải đảo Việt Nam
Hà Hương Sơn – cây xương rồng nở hoa
Cùng nhà báo Lê Tiền Tuyến nhìn ra thế giới
Tiêu dùng tối giản – Đẹp, bền và bớt rác
Trao tặng sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Pháp
Khoảnh khắc của những tiếng gọi
Bí mật nhà bếp