Ông Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Tổ chức phi chính phủ Stimson – nơi hoạt động để giải quyết những mối đe dọa lớn cho an ninh và sự thịnh vượng của thế giới – vừa xuất bản cuốn sách “Last Days of the Mighty Mekong” (Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ). Ông đặc biệt quan tâm đến tiểu vùng Mekong và tác động của kinh tế Trung Quốc đối với khu vực nhạy cảm về mặt sinh thái này.
Trong hơn 320 trang sách, Eyler công bố những sự thật không dễ chấp nhận: “Trừ khi chúng ta tôn trọng dòng sông và địa hình xung quanh nó như một hệ thống kết nối chặt chẽ với nhau để cùng hành động bảo tồn hệ sinh thái nước ngọt khổng lồ này ngay từ hôm nay, những ngày cuối cùng của dòng Mekong hùng vĩ hiện đang xảy ra.”
Từ bên triền núi của nóc nhà thế giới Himalaya ở bình nguyên Tây Tạng và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), những dòng chảy băng tan hình thành ngọn nguồn của con sông Mekong, chảy qua 6 quốc gia ở Đông Á và Đông Nam Á, chia thành chín cửa đổ vào Biển Đông. Đó là sự kỳ diệu của tự nhiên được sắp đặt sẵn từ hàng triệu năm trước. Các tinh thể băng tan trên đỉnh núi hóa thành hàng tỷ giọt nước, di chuyển qua hơn 4.000 km sông ngòi, biến vùng hạ du và ven sông trở thành những miền đất trù phú, cung cấp dinh dưỡng và phù sa cho miền đồng bằng bên dưới, trước khi chảy ra đại dương bao la.
Dòng Mekong là nguồn cung ứng cá nước ngọt nằm trong lục địa lớn nhất thế giới, với tổng sinh khối cá gấp 13 lần tổng số cá ở trong các sông ngòi và hồ chứa ở Bắc Mỹ cộng lại. Riêng Biển Hồ Tonle Sap của Campuchia đã chứa nhiều cá hơn cả lục địa Bắc Mỹ, mặc cho nhiều tập đoàn và dân đánh cá địa phương đã khai thác tận thu từ nhiều năm nay. Năm 2005, ngư dân Thái Lan đã bắt được con cá nước ngọt kỷ lục lớn nhất thế giới – một con cá bông lau khổng lồ có khối lượng 293 kg, với chiều dài thân 2,7 mét. Hệ sinh thái tự nhiên của Mekong cũng rất phong phú. Mười năm sau khi đánh bắt được con cá lớn nhất, người ta khám khá một vườn thú ở Khu vực Kinh tế Tam giác Vàng (Golden Triangle Economic Zone) đang giam giữ lậu 26 con hổ Châu Á còn sống. Hơn 1/4 dân số Campuchia (16 triệu người) đang sống dọc theo dòng chính của con sông Mekong. Hơn 20 triệu người Việt Nam đang sống dựa vào canh tác nông ngư nghiệp trên vùng Đồng bằng trù phú tạo ra từ phù sa kết lắng do các dòng hạ lưu sông Mekong mang đến. Trong hàng chục nghìn năm qua, hàng triệu con người đã xem Mekong như là động mạch chủ bơm sức sống cho các vùng đất đang nuôi sống họ. Thế nhưng, trong 60 năm qua, 6 quốc gia đang được dòng Mekong nuôi dưỡng một cách bao dung và miễn phí không hiểu được điều đó. Họ luôn tìm cách khẳng định chủ quyền và khai thác từng khúc sông nằm trên lãnh thổ của mình theo nhiều cách khác nhau.
Cuối cùng, Eyler nói rằng, “nếu Việt Nam – quốc gia nằm ở cuối dòng Mekong – có thể đấu tranh để đạt được mức cân bằng trong hoạch định kết hợp nguồn năng lượng, để giúp các quốc gia láng giềng (như Lào, Campuchia) phát triển các cơ sở điện gió, điện mặt trời và điện sinh học”, thì tình hình có thể thay đổi đôi chút.
Có thể bạn muốn xem
Son-Rise: Phép màu cho trẻ tự kỷ
Giai điệu mùa đông của Châu La Việt
Khám phá chân dung âm nhạc của tác giả “Hò kéo pháo”
“Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu”: Đi là để trở lại
Điều cha mẹ cần nhớ khi cho con dùng điện thoại di động
Sách được coi là phương thuốc cho những ngày tồi tệ
Khi sách lậu được nâng cấp
Vừa mềm, vừa dẻo – Bé ơi, đừng ăn nhiều bột mì!
Triển lãm “Kinh sách Phật giáo”