Những thực khách bỏ lỡ mùa niễng sẽ phải đợi đến vụ sau để thưởng thức đặc sản mỗi năm chỉ có một lần này.
Từ cuối tháng 10 đến tháng 11, khi tiết trời bắt đầu se lạnh cũng là lúc niễng nở rộ. Trên các diễn đàn ẩm thực, mọi người bắt đầu chia sẻ hình ảnh về món ăn nổi tiếng, mỗi năm chỉ có một lần này của Nam Định.
Thoạt nhìn, nhiều người dễ bị nhầm niễng với củ sả, vì chúng có hình dáng gần giống nhau, nhưng to hơn. Củ niễng có vỏ màu nâu sậm phía gần gốc và màu xanh phía trên ngọn, phần thân phình to. Khi bóc bớt lớp vỏ bên ngoài, bạn sẽ thấy bên trong là phần ruột màu trắng, mũm mĩm. Đây chính là nguyên liệu đầu bếp dùng để chế biến nên một trong những món ăn mang lại sự nổi tiếng cho ẩm thực thành Nam.
Niễng thường được thái lát mỏng, rồi xào lên cùng trứng, thịt bò hoặc xào không, kèm thì là, rau thơm, hành lá hoặc mùi tàu để tăng thêm hương vị. Niễng mang hương vị thơm, ngon ngọt và mềm mướt. Ngoài xào, thực khách có thể thưởng thức món niễng luộc chấm muối chanh ớt, để tận hưởng độ ngọt và giòn của loại đặc sản này. Niễng khi non có màu trắng bên trong, còn khi già sẽ có thêm các chấm đen. Tuy nhiên dù niễng già hay non, món ăn vẫn giữ nguyên hương vị.
Du khách đến Nam Định vào dịp tháng 11 thường mua niễng về làm quà. Tại các chợ địa phương, người ta thường bán niễng theo bó 10 củ với giá 10.000-15.000 đồng. Với niễng loại một giá thành có thể cao hơn đôi chút, từ 20.000 đến 25.000 đồng. Tại Hà Nội, bạn có thể mua niễng theo bó hoặc theo cân, với giá thành 30.000-50.000 đồng, do cộng chi phí vận chuyển.
Ngoài niễng, du khách đến Nam Định bất kỳ mùa nào cũng có thể mua thêm các đặc sản khác về làm quà như bánh gai bà Thi trên đường Trần Hưng Đạo, kẹo sìu châu ở phố Hàng Sắt, bánh nhãn, nem nắm, bánh xíu páo…
Phương Anh
nguồn: https://vnexpress.net/nieng-xao-dac-san-mua-dong-cua-nam-dinh-4381691.html
Có thể bạn muốn xem
Uống cafe trên đường của Vũ
Ra mắt cuốn tiểu sử chân thực nhất về Napoléon
Mắt nói – những tiếng nói được hồi sinh từ mắt
Cầu Thê Húc xưa – Nơi lưu ánh bình minh buổi sớm
Tìm chỗ đứng cho văn học Việt Nam trên đất Mỹ
Bảy kiểu người tôi gặp trong hiệu sách
“Tứ gia vọng tộc” nổi tiếng về khoa bảng đất Kinh Bắc
Tự truyện một con heo
Có đau cũng phải đẹp và ‘tình’