Phan nhân 1972, là câu chuyện, là ký ức, là căn hộ nhỏ của cựu học sinh chuyên văn, toán, lý K15 ( đa số sinh năm 1972) trong ngôi nhà lớn Trường chuyên Phan Bội Châu huyền thoại. 
Hãy đọc tạm lời mở sách này trong khi chờ sách tới tay bạn đọc, đặc biệt các Phan nhân khắp nơi trên cõi nước Nam này và cả ở đâu đó xa quê hương vẫn k thể nào quên một thời trường Phan yêu dấu.

THAY LỜI MỞ SÁCH

Tuổi mười bảy

Trong vùng hoa niên, tuổi mười bảy có lẽ là lứa tuổi huy hoàng nhất. Đó là thời điểm những cậu bé, cô bé ngày nào, sớm hay muộn, cũng đều phải giã từ tuổi thơ, mái trường phổ thông để bước lên con tàu cuộc đời và trở thành người lớn. Nghi lễ giản đơn ấy, hầu hết tất cả chúng ta đều nhớ mãi bởi vì nó quá đẹp và chẳng bao giờ lặp lại. Dù ta có đi đâu, làm gì, là ai, thành đạt hay thất bại, đau khổ hay hạnh phúc thì ký ức về thời thơ ấu vẫn không thể mờ phai

Phan nhân 1972, cái tên giống như hồ sơ, lại như mật mã, nhưng thật bất ngờ và độc đáo nó lại được lấy đặt tên cuốn sách. Chính xác đó là cuốn hồi ức tập thể, viết xong chỉ trong vòng hai tuần nhưng dường như đã được thai nghén trong 30 năm, từ khi những người sinh năm 1972 tròn mười bảy tuổi. 30 năm ấy dồn nén biết bao hoài niệm, nhớ nhung, yêu thương, giận hờn và không ít nuối tiếc, ân hận muộn màng, cùng vỡ òa trên hơn 300 trang sách.

Với thế hệ chúng tôi, học sinh trường chuyên là lớp người tinh hoa, họ như đến từ thế giới khác, họ vừa lập dị vừa thông thái, vừa ngây ngô học gạo vừa bí ẩn đáng yêu. Ngoại trừ số ít xuất thân từ gia đình có điều kiện, thì phần đông họ có một tuổi thơ không dễ dàng đã được lấy làm động lực để vượt lên gian khó một cách đáng khâm phục. Nhiều học sinh trường chuyên sau này, trong đó có các Phan nhân (học trò trường chuyên Phan Bội Châu, Nghệ Tĩnh) đã đóng góp vào thành phần tinh hoa của đất nước những nhà khoa học, nhà thơ, nhà văn, doanh nhân, chính khách…, và cả những người bình thường trong xã hội.

Còn gì thú vị hơn khi nghe chính những con người đặc biệt ấy kể về tuổi thơ của họ?
Tôi vinh dự được nhờ cậy xem lại cuốn sách này với tư cách người biên tập. Ngay lập tức tôi đã bị nó cuốn hút, dẫn dụ với tư cách độc giả, từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng bằng mỹ cảm đầy say mê, hào hứng. Đây là một trong những cuốn hồi ức về tuổi học trò dí dỏm thông minh, hài hước cảm động, say đắm tinh khôi nhất mà tôi từng được đọc.

Những hồi ức trong veo như những hạt sương buổi sớm, khi tia nắng ban mai rọi đến, trở nên lung linh, chứa đựng cả bầu trời kỷ niệm, nếu chỉ khẽ chạm vào thôi thì vẻ đẹp ấy sẽ tan biến. Tất cả đều thật đến mức không thể thật hơn vì các tác giả, những Phan nhân K15 đã ngầm quy ước, nếu không kể lại câu chuyện thật như chính sự thật thì mọi thứ sẽ không còn nhiều nghĩa. Bởi làm như thế, các Phan nhân mới thực sự cùng nhau lên đúng con tàu mang số hiệu 1972 trên hành trình trở về tuổi thơ bất tử. Đó là tuổi thơ gian khó, cần lao cùng đất nước nhưng đẹp lạ lùng tình thầy nghĩa bạn. Đó là tuổi thơ tiềm ẩn cốt cách trí tuệ, lấp lánh tinh hoa đã được dự báo từ ngôi trường chuyên nổi tiếng ở miền Trung. Và tôi nhận ra, công việc biên tập cuốn sách này là không cần biên tập gì cả. Có chăng, tôi chỉ can thiệp chút ít vào bố cục cuốn sách, sắp xếp lại theo thể chương hồi, sao cho các câu chuyện được liền mạch để bạn đọc thấy thoải mái hơn khi mở sách.
Hai tuần và hơn 300 trang sách – chỉ có thể là sản phẩm của thời internet và mạng xã hội, nhưng không thể không nhắc tới nỗ lực cũng như khả năng phi thường của các Phan nhân. Họ đã làm việc với nhau hằng giờ trong ngày thông qua group chat trên facebook, viber, zalo, email, tin nhắn… Nhiều người trong số họ đã viết thâu đêm suốt sáng giữa bộn bề công việc cơ quan và gia đình, để kịp nộp bản thảo cho cuốn sách ra đời đúng vào ngày kỷ niệm 30 năm ngày ra trường. Những dấu vết ấy đã lưu lại bên dưới nhiều bài viết bằng những dòng comment dí dỏm, không chỉ bổ sung thông tin thêm phong phú mà còn làm gia tăng giá trị nội dung thông qua tương tác. Đó là cách làm sách độc đáo thời 4.0.

Bạn đọc là Phan nhân hay người địa phương khác hẳn sẽ thấy vô cùng hào hứng và thú vị khi bắt gặp các phương ngữ tiếng Nghệ được sử dụng với mật độ dày đặc và vô cùng hài hước, biến hóa trong cuốn sách. Dù đi đâu về đâu thì với ngài Nghệ, tiếng Nghệ vẫn luôn hiện hữu như quê hương, văn hóa và những gì thiêng liêng nhất. Người biên tập đã đề nghị giữ nguyên phương ngữ trong cuốn sách này như một đóng góp hữu ích vào kho tàng ngôn ngữ Việt. Không đủ “trình” Nghệ ngữ sẽ khó thấy cái hay, cái hấp dẫn của các câu chuyện, nên phần cuối sách có thêm mục chú giải để người đọc có thể hiểu chính xác nội dung và tinh thần văn bản. Đây là nét độc đáo của cuốn sách.

Còn rất nhiều điều tôi muốn nói về cuốn sách này nhưng e sẽ làm ảnh hưởng đến sự thưởng thức của độc giả đang sốt ruột muốn mở cuốn sách ra ngay và luôn. Vậy thì còn chần chờ gì nữa, hãy cùng nhau lên chuyến tàu tuổi mười bảy mang tên Phan nhân 1972!