Người khởi nghiệp trẻ trình bày ý tưởng tiềm năng về sách điện tử nhưng không đạt được thỏa thuận đầu tư khi tham gia Shark Tank.

Gần đây, cặp startup Tống Văn Huy và Trần Thị Mỹ Nga đã trình bày ý tưởng về công cụ tóm tắt sách, tuy nhiên không đạt được thỏa thuận đầu tư mong muốn và phải ra về. Đây không phải lần đầu tiên, startup liên quan đến sách gặp trục trặc trong việc gọi vốn.

Ý tưởng công cụ tóm tắt sách, ứng dụng đọc sách được giới thiệu đến các shark của chương trình Thương vụ bạc tỷ nhưng chưa đạt được thỏa thuận đầu tư.

Hai nhà sáng lập tới thuyết phục các Shark đầu tư. Ảnh: Shark Tank Vietnam.

Ứng dụng tóm tắt sách

Với niềm đam mê đọc sách, Tống Văn Huy và Trần Thị Mỹ Nga đã nhen nhóm ý tưởng về ứng dụng Reavol nhằm tối ưu hóa thời gian đọc sách cho người sử dụng bằng cách tóm tắt nội dung sách. Hai nhà sáng lập trẻ tuyên bố Reavol có thể tiết kiệm được tới 80% thời gian đọc cho người dùng.

Hai nhà sáng lập đã đến Shark Tank và gọi vốn 23 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần của công ty, đồng thời bày tỏ nguyện vọng mời các shark tham gia điều hành công việc.

Tuy nhiên, các shark bày tỏ lo ngại về vấn đề bản quyền, cho rằng sách tóm tắt cần có sự cho phép của tác giả. Trước ý kiến này, Tống Văn Huy và Trần Thị Mỹ Nga cho biết họ có trả tiền bản quyền 50% cho nhà xuất bản.

Ngoài ra, mức doanh thu và định giá bị nhận xét là có phần phi thực tế. Con số đưa ra ngoài tầm với nên các shark không đầu tư.

Shark Hưng là nhà đầu tư duy nhất hứng thú với Reavol. Ông đề nghị mức giá 23 tỷ đồng đổi lấy 45% cổ phần của startup. Tuy vậy, đôi bên không đạt được thỏa thuận phù hợp, hai nhà sáng lập Reavol từ chối lời đề nghị và ra về.

Thư viện sách điện tử

Bà Nguyễn Châu Linh giới thiệu tại Shark Tank ý tưởng Thư viện 100 năm thuộc doanh nghiệp xã hội Hành trình kim cương. Bà Linh cho biết dự án hướng tới mục tiêu nâng cao văn hóa đọc cho người Việt, đồng thời tiết kiệm chi phí trong công cuộc số hóa tri thức.

Bà cho biết thư viện này được biên tập theo nhiều định dạng khác nhau như sách điện tử, sách nói, video… Ngoài ra, người dùng cũng có thể đóng góp nội dung cho thư viện dưới sự kiểm soát của đội ngũ chuyên gia. Thư viện 100 năm mong muốn kêu gọi 5 tỷ đồng cho 5% cổ phần công ty.

Bà Nguyễn Châu Linh giới thiệu tại Shark Tank ý tưởng Thư viện 100 năm. Ảnh: Shark Tank Vietnam.

Bà Linh khẳng định Thư viện 100 năm vẫn mua bản quyền sách/nội dung nếu việc sử dụng yêu cầu có bản quyền.

Shark Hùng Anh cho rằng mô hình dự án không có nhiều điểm đặc biệt để khó bị sao chép. Shark Erik không đồng ý với lộ trình công nghệ mà startup này đưa ra nên cũng không rót tiền. Shark Hưng băn khoăn về độ thực tiễn của ý tưởng Thư viện 100 năm. Còn Shark Liên thì cho rằng mô hình còn quá trẻ, chưa chứng minh được nhiều điều.

Bà Linh ra về mà không nhận được đề nghị đầu tư nào.

Ứng dụng sách nói bản quyền

Năm 2021, ông Lê Hoàng Thạch, CEO của Voiz FM, đến gọi vốn đầu tư cho ứng dụng sách nói ông sáng lập.

Ý tưởng về dự án sách nói của nhà sáng lập trẻ được các shark khen về tính sáng tạo và thực tiễn. Tuy nhiên, Shark Liên cho rằng tính cạnh tranh mảng thị trường này quá cao, bà có thể làm khách hàng, nhưng sẽ không đầu tư. Shark Việt thì cho rằng kế hoạch còn có phần non trẻ, chưa đem lại mức lợi nhuận cao như kỳ vọng được.

Bên cạnh đó, Shark Phú khẳng định từng thất bại khi đầu tư vào startup công nghệ ở mùa trước nhưng vẫn chưa “học” được gì, vì lẽ đó mà “cá mập” vẫn muốn đầu tư để tiếp tục “học” tiếp. Shark Phú đề nghị đầu tư 250.000 USD đổi lấy 15% cổ phần công ty.

Shark Bình bày tỏ sự hứng thú và đưa ra mức đầu tư 500.000 đôla với định giá đổi lấy 12,5% cổ phần và 7,5% cổ phần advisory shares. Shark Hưng cũng rất hứng thú nhưng không đề nghị được mức đầu tư tốt như Shark Bình nên rút lui.

Sau khi thương thảo, hai bên vẫn không đạt được thỏa thuận. Màn gọi vốn không thành công.

Thiết bị đọc sách

Năm 2017, ông Nguyễn Tiến Đạt giới thiệu mô hình máy đọc sách BiBox với mục tiêu đánh bại Kindle trên thị trường Việt Nam.

Theo ông Đạt, điểm khác biệt của BiBox là hệ điều hành Android kết nối trực tiếp với các đơn vị phát hành ở Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt đọc sách Việt trên nền tảng số.

Tuy nhiên, ý tưởng này bị nhận xét là “chọn điểm rơi chưa hợp lý”. Shark Khoa cho rằng thị trường đọc sách ở Việt Nam còn quá bé. Sức hút thị trường chưa đủ hấp dẫn.

Ngoài ra, vì yếu tố tính toán giá thành chưa đúng, Shark Phú thẳng thừng từ chối đầu tư, cho rằng sản phẩm này không thể tồn tại được.

Các shark khác cũng nhận định rằng việc sản xuất thiết bị công nghệ đọc sách cạnh tranh trực tiếp với Kindle của Amazon không thể hiện tiềm năng thành công. Màn gọi vốn của ông Đạt đã không nhận được bất cứ đề nghị đầu tư nào.

nguồn: https://zingnews.vn/startup-ve-sach-dien-tu-o-viet-nam-con-gap-nhieu-tro-ngai-khi-goi-von-post1350307.html