Chia sẻ của tác giả Jinwon Lee về cuốn sách Tạm biệt hội chứng ruột kích thích: “Hội chứng ruột kích thích còn có nhiều tên gọi khác như hội chứng đại tràng mẫn cảm, viêm đại tràng co thắt hay rối loạn chức năng đại tràng. Nhưng tên chính thức của nó vẫn là hội chứng ruột kích thích.

Tôi nghĩ rằng phần lớn những độc giả quan tâm đến cuốn sách này là những bệnh nhân mắc chứng ruột kích thích.

Và tôi cũng nghĩ quý độc giả đều biết rằng cho dù có đến bệnh viện thì cũng không có gì thay đổi, bệnh nhân vẫn phải sống với hội chứng này cả đời và không có thuốc chữa dứt điểm.

Cách đây chừng mười bảy năm, tôi đã được chẩn đoán mắc hội chứng ruột kích thích.

Thời đó bệnh này vẫn chưa được nhiều người biết tới và khái niệm hội chứng ruột kích thích cũng chỉ mới được công bố gần đây. Đi đến đâu tôi cũng chỉ nhận được cùng một câu nói rằng đây là một căn bệnh khó chữa. Thêm vào đó, thật không may, trong số những triệu chứng của hội chứng ruột kích thích thì tôi lại có triệu chứng nặng nhất, nó ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hằng ngày và làm cho sức khỏe của tôi yếu đi. Nhưng ngay cả các bệnh viện đại học y cũng không thể đưa ra được bất kỳ giải pháp nào

Cứ ăn vào là tôi lại phải đi vệ sinh, tôi đi đại tiện nhiều hơn cả lượng thức ăn mà tôi ăn vào. Dù đi đâu, cứ phải tìm thấy nhà vệ sinh tôi mới cảm thấy yên tâm. Vì không thể tìm được cách chữa trị hiệu quả nên tôi cũng đã đến phòng khám Đông y và dùng thử các loại thuốc dân gian được cho là có hiệu quả nhưng kết quả cũng không được như mong muốn. Kể từ đó, tôi đã nghiên cứu rất nhiều tài liệu với ý nghĩ rằng “mình sẽ tự chữa bệnh cho bản thân” và sau quá trình tiếp cận phương pháp y học hiện đại không mang lại hiệu quả, tôi đã chuyển hướng sang Đông y. Tất nhiên lúc đó mối quan tâm hàng đầu của tôi là nội khoa. Tôi đã nỗ lực rất nhiều với mong muốn tự chữa được bệnh cho mình nhanh nhất có thể. May mắn thay, tôi đã tự mình học tập, nghiên cứu và điều trị tốt căn bệnh đó, khôi phục lại trọng lượng cơ thể. Tôi cũng đã tìm được cách chăm chút cho bữa ăn để tránh các triệu chứng không tốt cho cơ thể.

Các bác sĩ thường nói với nhau thế này: “Ngày hôm nay bạn học về bệnh gì thì chắc chắn là trong mấy ngày tới sẽ có bệnh nhân mắc bệnh đó tìm đến bạn.”

Không biết có phải là vì tôi luôn miệt mài nghiên cứu về hội chứng ruột kích thích này hay không mà bệnh nhân tìm đến tôi hầu hết đều là những người mắc hội chứng ruột kích thích. Có bệnh nhân mắc triệu chứng nặng đến mức sút cân giống tôi, và cũng có người bị thêm cả trầm cảm hoặc khủng hoảng tâm lý, nhưng hầu hết đều không phải là những triệu chứng nguy hiểm. Vì thế, đa số các bệnh nhân đang điều trị đều có kết quả khả quan.

Đó chính là lý do tôi viết ra cuốn sách này. Hội chứng ruột kích thích là một trong những căn bệnh phổ biến nhất ở đại tràng. Nhưng nó cũng là căn bệnh mà bệnh nhân thường phải chịu cảm giác bị bác sĩ bỏ rơi. Ngay cả biển thông tin trên Internet cũng không có mấy thông tin về căn bệnh này. Khi tìm kiếm theo từ khóa thì hầu như chỉ thấy các quảng cáo xuất hiện. Vì lẽ đó, đại đa số người bệnh thường tin vào những lời truyền miệng vô căn cứ để rồi không quản lý tốt tình trạng bệnh của mình. Và một bộ phận trong số đó tỏ ra không tin tưởng khi tôi cho họ những thông tin đúng.

Cách tốt nhất để điều trị một căn bệnh là hiểu biết về nó. Tất nhiên vẫn phải nghe theo lời khuyên của bác sĩ nhưng điều quan trọng là mỗi bệnh nhân cũng phải hiểu chính xác những gì mình đang làm. Bác sĩ khám cho mỗi người chưa đến mười phút còn chúng ta thì chăm sóc cơ thể mình cả ngày. Hội chứng ruột kích thích không phải là vấn đề đáng lo lắng. Với những thông tin chi tiết và chính xác được trang bị thêm, khi được điều trị đúng cách, biết cách quản lý cuộc sống thì bất cứ lúc nào bạn cũng sẽ có một cuộc sống khỏe.

Qua cuốn sách này, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn mọi thông tin về hội chứng ruột kích thích. Chúng tôi sẽ giới thiệu tất cả các phương pháp y học hiện nay ở mức độ mà bất kỳ một người bình thường nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ kết hợp giới thiệu về phương pháp chữa bệnh của Đông y. Ngoài ra, cuốn sách này cũng sẽ giúp bạn tiếp cận với những phương pháp y khoa tổng hợp liên quan đến việc quản lý cuộc sống hằng ngày, các phương pháp chữa bệnh dân gian, các sản phẩm dinh dưỡng có hiệu quả mà hiện đang được rất nhiều người sử dụng. Trong tương lai có lẽ những phương pháp Đông y sẽ được công bố rộng rãi, còn bây giờ những phương pháp này có thể còn khá xa lạ với số đông và thật tốt nếu mọi người có thể hiểu về chúng, vì lý do đó mà tôi cũng sẽ truyền tải đến mọi người phương pháp này.

Y học cổ truyền Hàn Quốc là một trong những nền khoa học tự phát và đã được lan rộng ra nhiều nơi từ nhiều thế kỷ nay. Nói chung, nó được phát triển dựa trên việc xem trọng ý kiến chủ quan của cả người bệnh và bác sĩ nên không ngoa khi nói rằng mỗi bác sĩ Đông y Hàn Quốc đều có một phương pháp luận riêng. Thế nên, nếu đến điều trị ở nhiều phòng khám Đông y khác nhau thì có thể thấy kể cả ở cùng một phòng khám và với cùng một loại bệnh thì cách thức chữa trị với các bệnh nhân cũng không đồng nhất với nhau. Trừ những trường hợp đặc biệt đã có sự thống nhất ý kiến giữa các bác sĩ.

Ở Hàn Quốc, tuy mỗi bác sĩ Đông y đều có những phương pháp trị bệnh riêng nhưng cơ sở lý luận cốt lõi vẫn được thống nhất và phát triển theo cùng một hệ thống tư duy. Vì vậy mỗi bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị khác nhau cho cùng một bệnh nhân nhưng vẫn cùng một mục tiêu và hầu như tất cả đều rất thành công. Cho nên chúng ta có thể gộp chung các lý thuyết y học đó vào với nhau và gọi chung nó là Đông y Hàn Quốc.

Y học cổ truyền Hàn Quốc và y học cổ truyền Trung Quốc gần giống nhau. Thực tế trên thế giới, nền y học này được gọi là Đông y. Đông y Hàn Quốc và Đông y Trung Quốc có cùng một cơ sở lý luận cốt lõi và được phát triển theo cùng một hệ thống tư duy. Nhưng từ giữa triều đại Joseon của Hàn Quốc, Đông y Hàn Quốc và Đông y Trung Quốc bắt đầu có những điểm khác nhau. Các lý luận về bệnh của Đông y Trung Quốc và các tư tưởng của Đông y Hàn Quốc thể hiện những đặc điểm tiêu biểu của nền y học truyền thống mỗi nước. Những tư tưởng này có ảnh hưởng khá lớn tới quan điểm về bệnh tật và bệnh nhân nên về mặt học thuật, những tư tưởng này đã tạo ra những khác biệt giữa Đông y Trung Quốc và Hàn Quốc. Ngày nay, trong quá trình quốc tế hóa, nhiều cuộc trao đổi học thuật đang được tiến hành giữa các nước, và vì Đông y Trung Quốc và Hàn Quốc có chung nguồn gốc nên cuối cùng chúng lại trở nên tương đồng.

Có thể nhiều bạn đọc vẫn băn khoăn: “Liệu chữa theo Đông y thì có hiệu quả không?” “Nếu không có hiệu quả thì liệu có nguy hiểm hơn không?” Những lo lắng này tôi đều hiểu rất rõ. Mặc dù Đông y đã có mặt trong đời sống người dân Hàn Quốc từ hàng nghìn năm nay, nhưng do ngôn ngữ và cách tư duy hiện đại đã khác biệt rất nhiều nên rất khó để người thời nay hiểu được các tài liệu cổ của lĩnh vực này.

Khi bắt đầu học Đông y, tôi đã nghĩ “Đây là loại học thuật gì vậy?” và quay cuồng trong mớ kiến thức có vẻ phi logic và không theo một hệ thống nào. Và tôi không nhìn thấy bất kỳ giá trị thực tiễn nào cả. Nhưng sau một thời gian, khi đã đọc nhiều sách và hiểu được lối tư duy hóa ra lại rất hợp lý của người xưa thì tôi đã cảm nhận được đầy đủ giá trị thực tiễn của Đông y Hàn Quốc. Cho dù Tây y và Đông y có cách sử dụng thuật ngữ và biểu hiện khác nhau, nhưng xét cho cùng đều là phát triển một phương pháp chữa bệnh cho con người. Thực tế, khi đã hiểu thêm, tôi thấy Đông y ưu việt hơn tôi tưởng nhiều, và nó giúp khắc phục những điểm yếu của Tây y.

Hiện nay vẫn còn tồn tại những băn khoăn như: “Thuốc dân gian có yếu tố gây nhiễm độc gan, nguy hiểm và chưa được kiểm chứng.” Nếu vậy thì chẳng phải chỉ cần kiểm chứng thôi sao? Nguyên nhân lớn nhất chính là sự khác biệt giữa y học hiện đại và y học cổ truyền. Trong y học hiện đại, chúng ta trị liệu theo cách phân chia cơ thể con người thành nhiều cơ quan, và những cơ quan đó lại tiếp tục được chia ra các đơn vị nhỏ hơn. Từ đó tìm ra vai trò của những đơn vị này, nếu thấy cần thì bồi bổ, còn nếu thấy thừa thì phải ức chế bớt đi. Tóm lại, Tây y tập trung vào việc phân loại theo hệ thống để tìm ra thành phần và chức năng của các cơ quan.

Đông y thì lại tiếp cận theo cách khác. Bộ phận tiêu hóa gồm có dạ dày (vị), ruột già (đại tràng), ruột non (tiểu tràng)… nhưng chúng không được phân ra thành những bộ phận nhỏ nữa và nền y học này cũng không cố gắng tìm kiếm thành phần cấu tạo nên chúng. Tất nhiên là ở thời kỳ Đông y phát triển thì chưa có kỹ thuật để tìm ra những bộ phận này, nhưng vì sự khác nhau trong tư tưởng nên kể cả nếu thời đó có kính hiển vi, nền Đông y cũng không phát triển theo hướng này. Thay vào đó, nó tập trung nhiều hơn vào việc tìm hiểu các mối liên quan và sự ảnh hưởng của các cơ quan với nhau.

Do Đông y đã có một lịch sử dài tập trung vào nghiên cứu mối liên quan và sự ảnh hưởng của các cơ quan nên việc điều trị cũng phát triển theo một hướng đặc biệt. Tây y phân tích các thành phần và khu vực bệnh, dùng thuốc để tác động trực tiếp lên vùng bị bệnh, còn Đông y lại tập trung chữa trên vùng bệnh và vào các tạng phủ liên quan. Ví dụ, nếu đau đại tràng thì sẽ sử dụng thuốc có tác dụng với gan, dạ dày và thận để điều trị. Tất nhiên là Tây y cũng có sử dụng cách chữa trị dựa vào mối liên quan của các cơ quan nội tạng và Đông y cũng có lúc sử dụng phương pháp dùng thuốc tác động trực tiếp lên vùng bị bệnh. Nhưng đây chính là điểm khác biệt đầu tiên trong phương pháp tiếp cận bệnh của hai nền y học.

Mặc dù sự khác biệt trong phương pháp tiếp cận không phải là quá lớn, nhưng chính nó lại khiến việc kết hợp hai nền y học với nhau trở nên rất khó khăn. Ngày nay trong y học hiện đại, một loại thuốc (hoặc một thành phần nhất định nào đó) nếu muốn được kiểm chứng một cách khoa học thì phải được sử dụng chính xác vào vùng bị bệnh. Sau khi biết chính xác quá trình hoạt động cũng như cách thức tác động, nó sẽ được thử ứng dụng trên cơ thể người. Đến khi không còn bất kỳ triệu chứng lạ nào thì thuốc đó sẽ được chứng nhận. Đây là phương pháp hợp lý, chính xác và an toàn.

Vấn đề là không thể áp dụng phương pháp kiểm chứng này trong Đông y. Đầu tiên, nó không chỉ sử dụng một loại thảo dược với nhiều thành phần mà còn pha trộn nhiều loại thảo dược với nhau. Và những loại thuốc này không tập trung tác động vào vùng bị bệnh mà tác động vào những vùng lân cận gián tiếp ảnh hưởng đến vùng bị bệnh. Vì là loại thuốc pha trộn từ nhiều thảo dược khác nhau nên rất khó có thể biết được tác dụng riêng của từng thành phần. Kể cả có phân tích ra được tác dụng của từng thành phần thì việc thành phần đó không có tác động trực tiếp lên bộ phận bị bệnh cũng là chuyện hay gặp, cho nên việc tìm ra được nguyên lý tác động càng khó khăn hơn. Thành thử, việc kiểm chứng phương pháp chữa trị của Đông y theo tiêu chí của khoa học hiện đại ngày nay là rất khó khăn. Đó chính là trở lực trong việc kết hợp hai phương pháp chữa bệnh Tây y và Đông y. Hi vọng trong tương lai, khi nền khoa học kỹ thuật phát triển hơn thì chúng ta có thể sáp nhập hai nền y học làm một.

Còn một điểm khác biệt nữa là ở cách quan niệm về thể chất và tinh thần. Đông y phát triển dưới sự ảnh hưởng của Phật giáo và Đạo giáo, điều này đã trở thành một trong những lợi thế lớn nhất của Đông y, đó chính là y học thể xác – tâm hồn (y học tâm thể). Trong Tây y, khi có bệnh người ta chỉ quan tâm tới cơ thể và không chú ý nhiều đến sự liên hệ với cảm xúc. Gần đây, người ta đã chứng minh được rằng căng thẳng hoặc trầm cảm có thể dẫn đến bệnh tật, do đó mọi người nên cẩn trọng.

Từ xa xưa, Đông y đã cho rằng bệnh tật là do cảm xúc. Và mọi vấn đề về cảm xúc đó đều trực tiếp gây bệnh cho cơ thể. Do đó trong Đông y, hầu hết các vị thầy thuốc Đông y sử dụng các loại thuốc có tác động tích cực đến cảm xúc, kèm với đó là các phương thức quản lý cuộc sống. Tất nhiên mục đích là để điều chỉnh các rối loạn về cảm xúc. Tình trạng căng thẳng và trầm cảm có ảnh hưởng nặng nề, dẫn tới hội chứng ruột kích thích, đó cũng là lý do tại sao cần có thuốc Đông y.

Bây giờ chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem làm thế nào để có thể hiểu đúng về hội chứng ruột kích thích.

Tên sách: Tạm biệt hội chứng ruột kích thích
Tác giả: Jinwon Lee
Dịch giả: Hải Đường

MỤC LỤC:

Lời mở đầu

CHƯƠNG 1: HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH LÀ GÌ?

Những hiểu lầm và sự thật về dạ dày và đại tràng

Hội chứng ruột kích thích – chỉ nghe tên đã thấy khó

Hội chứng ruột kích thích chỉ là một vấn đề về chức năng của đường tiêu hóa

Hội chứng ruột kích thích là chứng bệnh về đại tràng phổ biến nhất

Hội chứng ruột kích thích là thủ phạm quấy nhiễu cuộc sống

CHƯƠNG 2: TÔI CÓ BỊ HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH KHÔNG?

Cứ bị đau bụng và tiêu chảy là mắc hội chứng ruột kích thích?

Vậy thường xuyên xì hơi không kiểm soát được là bệnh gì?

Dù muốn dù không, trước hết cũng phải nội soi.

Nhất định phải khám nội soi sao?

CHƯƠNG 3: CÙNG TÌM HIỂU NGUYÊN NHÂN GÂY ĐAU CỦA HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH

Hội chứng ruột kích thích là vấn đề về sự vận động của đại tràng.

Không phải tôi bị kích thích mà là đại tràng bị kích thích

Chỉ cần chú ý một chút là được? Mới chỉ đúng một nửa thôi.

Viêm nhiễm đại tràng do vi khuẩn cũng là một trong những nguyên nhân!

Mặc dù không biểu hiện rõ ràng nhưng… lẽ nào là bị viêm?

Là do di truyền chăng?

Những vấn đề về đại tràng không bao giờ có hồi kết

CHƯƠNG 4: ĐẾN BỆNH VIỆN, BÁC SĨ SẼ LÀM GÌ CHO MÌNH?

Thuốc chữa trầm cảm? Thuốc giảm tiết axít dạ dày?

Thuốc tiêu chảy

Thuốc chống trầm cảm

Các chất đồng vận thụ thể serotonin và các chất đối vận

Thuốc chống đầy hơi

Thuốc kháng sinh

Thuốc ngăn phân trở thành khối

Chất hoạt động bề mặt clorua

Thuốc nhuận tràng, thẩm thấu

Thuốc kích thích nhuận tràng

Châm cứu và giác hơi

CHƯƠNG 5: CÙNG KHẮC PHỤC HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH BẰNG VIỆC QUẢN LÝ THÓI QUEN ĂN UỐNG

Thói quen ăn uống có ảnh hưởng tới hội chứng ruột kích thích?

Tìm hiểu những điều cơ bản về sự tiêu hóa thức ăn

Bạn đã nghe nói đến chế độ ăn ít FODMAP chưa?

Hiểu về chế độ ăn ít FODMAP

Thói quen ăn uống chiến thắng được hội chứng ruột thích.

Phương pháp ăn ít chất béo.

Hãy uống nước một cách vừa đủ.

Omega- 3 cũng giúp ích?

Bữa ăn phù hợp với cơ thể của tôi

Sữa và bột mì – thực phẩm giúp cơ thể không mắc những vấn đề về tiêu hóa

CHƯƠNG 6: PHƯƠNG PHÁP CHIẾN THẮNG HỐI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH TRONG CUỘC SỐNG THƯỜNG NGÀY

Thử thay đổi thói quen đi đại tiện

Giấc ngủ là thuốc bổ

Giảm căng thẳng

Tham gia các hoạt động xã hội

Thiền? Không phải chỉ những người kỳ quặc mới làm sao?

Đừng sợ hãi

Phụ lục