Nói đến Tần Thủy Hoàng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những cụm từ miêu tả về ông như: Đốt sách chôn nho, tìm thuốc trường sinh bất lão, sát thủ giết Kinh Kha, ngay cả sự tích Mạnh Khương Nữ khóc Trường Thành dù ít dù nhiều cũng có liên quan đến Tần Thủy Hoàng. Quy kết lại, người đời đã dùng một cụm từ để khái quát về Tần Thủy Hoàng là “một tên bạo chúa”.

 

(Hình minh họa: Qua kknews.cc)

 

Nếu, Tần Thủy Hoàng đã được người đời biết rõ như vậy rồi thì hà tất gì phải nói thêm về ông? Kỳ thực, còn có rất nhiều người chỉ biết về Tần Thủy Hoàng với tư cách là một hình tượng văn học hay hình tượng dân gian mà lại rất mơ hồ khi nhắc đến ông với hình tượng là một nhân vật lịch sử.
Trong nghiên cứu về lịch sử, các nhà lịch sử học thông thường chia nhân vật lịch sử làm ba loại: Hình tượng lịch sử, hình tượng văn học, hình tượng dân gian. Muốn biết rõ, Tần Thủy Hoàng có phải là một tên bạo chúa hay không, trước hết chúng ta cần hiểu rõ về ba khái niệm này.
1. Hình tượng lịch sử là gì?
Hình tượng lịch sử là nhân vật lịch sử được ghi chép trong tư liệu trực tiếp. Thời Trung Hoa cổ đại, mỗi một triều đại đều có người phụ trách việc ghi chép lịch sử và thường được gọi là “Sử quan”. Tại Trung Hoa thời Xuân Thu, có một vị Sử quan chuyên phụ trách ghi chép việc đại sự của Quốc gia. Đặc biệt là Vua của một nước thì càng phải được ghi chép cẩn thận và chính xác mỗi ngày giống như nhật ký của chúng ta ngày nay.
Hơn nữa, trong Sử quan còn phân chia thành nhiều chức quan như quan ghi chép việc lớn (đại sử quan), quan ghi chép việc nhỏ (tiểu sử quan), quan ghi chép việc trong nước (nội sử quan), quan ghi chép việc bên ngoài nước (ngoại sử quan). Như vậy, có thể thấy rằng thời Trung Quốc cổ đại, việc ghi chép lịch sử là rất nghiêm ngặt, quan ghi chép cũng phải rất cẩn thận và vô cùng minh xác.
2. Hình tượng văn học là gì?
Hình tượng văn học là việc các nhà văn đời sau dựa vào ghi chép lịch sử mà thêm thắt, sửa đổi mà viết lại nhằm giao phó cho nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử một sinh mệnh mới. Thứ mà chúng ta gọi là tác phẩm, sáng tác… Ví dụ: “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của tác giả La Quán Trung. Tác phẩm này được La Quán Trung viết lại dựa theo nguyên tác “Tam Quốc Chí” của nhà sử học Trần Thọ thời Tây Tấn, Trung Quốc.
Trong “Tam quốc diễn nghĩa”, La Quán Trung đã đem những nhân vật lịch sử và những tình tiết cải biến đi rất nhiều, nhằm khiến cho câu chuyện thêm hấp dẫn và sâu sắc. Khi tác phẩm văn học đã được cường điệu hóa lên nhiều rồi thì tính chân thật sẽ bị giảm đi. Cho nên, nhân vật trong hình tượng văn học nhất định đã có sự sai biệt lớn so với hình tượng lịch sử.
3. Hình tượng dân gian là gì?
Không phải tất cả những sự kiện lịch sử đều được các nhà văn cải biên thành tiểu thuyết mà là được dân chúng truyền miệng. Trong quá trình truyền miệng cũng không khỏi có chút thêm thắt, gia tăng thậm chí cải biến cả nội dung sự kiện.
Hơn nữa, nhiều khi vì để biểu đạt tiếng lòng, nguyện vọng của quảng đại người dân nên người dân cũng tự đặt ra một hình tượng dân gian nào đó. Ví dụ “Mạnh Khương Nữ khóc Trường Thành” là có ý muốn biểu đạt tiếng lòng của người dân trong việc phản ánh sự gian nan vất vả và sự căm phẫn của người dân vì đi phải xây dựng Trường Thành theo lệnh của Tần Thủy Hoàng.
Vậy, Tần Thủy Hoàng rốt cuộc có thực sự là một “tên bạo chúa”?
Tần Thủy Hoàng (Ảnh Pinterest)
Từ trước đến nay rất nhiều tác phẩm văn học đều xây dựng Tần Thủy Hoàng thành một nhân vật tàn bạo nhưng đã là tác phẩm văn học thì việc chủ quan cải biến là việc tất nhiên.
Hãy xem trong sử sách ghi chép lại thì Tần Thủy Hoàng là như thế nào. Rất nhiều nhân sĩ đời sau khách quan nhìn nhận đánh giá, lại phát hiện Tần Thủy Hoàng trong cách hành xử cũng có những chỗ hợp lý, nhân từ và sáng suốt.
Thứ 1: Nói Tần Thủy Hoàng “đốt sách chôn nho” là có chỗ sai lầm
Người ta thường nói Tần Thủy Hoàng bạo ngược, trong đó có một nguyên nhân chính là ông “đốt sách chôn nho”, thiêu hủy kinh điển nho giáo, giết chết nhiều phần tử trí thức. Nhưng, câu chuyện này không phải hoàn toàn là sự thật!
Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất thiên hạ, để hoàn thiện thể chế chính trị quốc gia đã chọn dùng pháp gia của tể tướng Lý Tư làm lý niệm trị quốc, cải sửa chế độ phân đất phong hầu, thiết lập chế độ quận huyện. Nhưng chế độ cải cách này đã bị bộ phận nho sinh và du sĩ thời ấy kịch liệt phản đối. Đặc biệt là một nhóm nhà nho do Thuần Vu Việt dẫn đầu. Họ có khuynh hướng muốn giữ nguyên chế độ phân đất phong hầu mà Vương triều nhà Chu đã áp dụng trước đó. Tuy nhiên, Tần Thủy Hoàng không tiếp thu ý kiến này.
Một số nho sinh không chịu chấp nhận điều này đã trích dẫn một số lời thánh hiền trong cổ đại từng nói ra để phê bình tình hình chính sự đương thời, phản đối cải cách, khiến cho Tần Thủy Hoàng phẫn nộ. Vì thế, Tần Thủy Hoàng đã hạ lệnh đốt cháy sách cổ của nho gia, kể cả “Tần ký”. Ngoại trừ “Liệt quốc sử ký”, còn lại tất cả thơ và sách không do tiến sĩ cất giữ thì đều phải đến kỳ hạn giao nộp và đốt hết. Đồng thời những ai dám đàm luận về thơ ca cũng bị đem ra xử tử, không cho phép cá nhân tự học, ai muốn học phải lấy quan lại làm thầy.
Lúc ấy, công tử Phù Tô và và thừa tướng Vương Quản cũng ra sức phản đối cách làm của Doanh Chính. Đồng thời họ kiến nghị Tần Thủy Hoàng dùng học phái nho gia của Khổng Tử để trị quốc. Tần Thủy Hoàng không nghe. Vì để trấn át nho sinh, ông còn hạ lệnh chôn giết rất nhiều thư sinh, phần tử trí thức.
Phải nói rằng, câu chuyện bên trên so với lịch sử chỉ đúng được khoảng một nửa. Việc Tần Thủy Hoàng hạ lệnh đốt sách của nho gia là chuyện có thật. Nhưng, Doanh Chính không chôn sống “nhà nho” mà là chôn sống “thuật sĩ”. Trong “sử ký” của Tư Mã Thiên cũng không có ghi chép về này.
Thuật sĩ là chỉ những người chuyên đi bói toán, đoán mệnh cho người khác. Trong “Sử ký” có ghi lại, Tần Thủy Hoàng khi về già si mê với thuật trường sinh bất lão. Vì thế, ông đã phân công Lô Sinh và Hầu Sinh thay ông đi tìm tiên dược. Hai người này biết rõ việc tìm kiếm tiên dược là việc khó khăn và là việc ngoài khả năng, vì vậy sau khi cầm một món tiền lớn rời khỏi kinh thành đã bỏ trốn. Sau khi biết việc này, Tần Thủy Hoàng đã vô cùng giận dữ, hạ lệnh bắt tất cả thuật sĩ trong kinh thành về chôn sống.
Ngoài ra, trong câu chuyện đem khái niệm của từ “Người đọc sách” đánh đồng với “Người học nho giáo” cũng là sai lầm. Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất lục quốc, ở Trung Hoa các học phái như Nho, Pháp, Đạo… vẫn phát triển mạnh mẽ. Thời ấy, “Người đọc sách” được chia thành rất nhiều trường phái như Nho gia, Pháp gia, Đạo gia, Mặc gia, Tung Hoành gia… Cho nên, học giả nhà Nho chỉ là một trường phái trong số “Người đọc sách” chứ không đại biểu cho tất cả họ.
Thứ 2: Đối xử tử tế với công thần, không lạm sát người vô tội
Sau khi thống nhất lục quốc, Tần Thủy Hoàng đối xử với công thần không đến nỗi tệ. Ví dụ như Vương Quản là một thừa tướng từ thời Lã Bất Vi sau này tiếp tục kế nhiệm, đảm nhiệm thừa tướng suốt 20 năm. Vương Quản từng là người đứng đầu trong việc phản đối gay gắt chế độ “phân đất phong quyền” của Tần Thủy Hoàng. Thậm chí, Vương Quản cũng có nhiều lần không đồng ý với những chủ trương của Tần Thủy Hoàng, nhưng không vì thế mà bị Tần Thủy Hoàng trừng phạt. So với Hán Vũ Đế thời Tây Hán và Tào Tháo thời Tam Quốc thì Tần Thủy Hoàng cũng được đánh giá là vị Hoàng Đế ôn nhu rồi.
Tể tướng Đậu Anh thời Tây Hán đã từng trợ giúp Hán Cảnh Đế bình định đất nước, có nhiều chiến công hiển hách. Nhưng về sau chỉ vì xúc phạm đến cậu của Hoàng Đế mà bị bỏ tù rồi bị Hán Vũ Đế hạ lệnh xử tử. Ngoài ra một công thần khác là Chủ Phụ Yển đã từng trợ giúp Hán Vũ Đế làm suy yếu thế lực chính trị của chư hầu tại các địa phương nhưng về sau chỉ vì một chuyện nhỏ lại bị nghi ngờ là tư thông với chư hầu. Cuối cùng, ông bị Hán Vũ Đế hạ lệnh giết cả gia tộc.
Thời Tam Quốc, Tào Tháo cũng nổi danh là bá chủ giết hại đại thần. Tuân Úc chính là người mưu tài nhất trong số những người tài dưới trướng của Tào Tháo. Tuân Úc đi theo Tào Tháo mấy chục năm, giúp Tào Tháo dành được thiên hạ, là công thần đứng đầu của Tào Tháo. Nhưng sau này Tuân Úc vì phản đối Tào Tháo xưng vương nên đã bị ép phải chết.
So với những điều này thì Tần Thủy Hoàng ít nhất cũng là người có tấm lòng quảng đại hơn, ông ta còn có can đảm tiếp nhận ý kiến bất đồng, đối đãi với công thần cũng có chút bao dung, độ lượng.
Lý Tín là một vị tướng quân ở bên Tần Thủy Hoàng. Ông ta từng khoe khoang mà tuyên bố rằng chỉ trong vòng hai, ba tháng sẽ chiếm được nước Sở nhưng cuối cùng lại bị tướng quân nước Sở đánh cho đại bại mà bỏ về. Sau này, Tần Thủy Hoàng lại một lần nữa bổ nhiệm lão tướng Vương Tiễn đi đánh nước Sở. Nhưng, Tần Thủy Hoàng vẫn cho Lý Tín làm phó soái. Điều này thể hiện ông rất tín nhiệm đối với hạ thần, tố chất này không phải vị vua nào cũng có.
Cha con Vương Tiễn là những người có công lao rất lớn trong việc giúp Tần Thủy Hoàng giành được thiên hạ. Từ khi Tần Vương được thành lập, Tần Thủy Hoàng vẫn luôn đối xử tốt và yêu mến gia đình Vương Tiễn. Sau này, Vương Tiễn cũng được an hưởng tuổi già.
Đối lập lại với Tần Thủy Hoảng có lẽ phải kể đến Hoàng đế Lưu Bang. Có câu nói về Lưu Bang thế này: “Giang sơn nhất đắc, công thần tức lạc” ý nói, vừa có được giang sơ trong tay thì quên mất công lao của công thần. Hàn Tín chính là một ví dụ điển hình nhất. Hàn Tín vốn là công thần có công lao lớn trong việc trợ giúp Lưu Bang binh chinh thiên hạ. Nhưng sau khi Hàn Tín trợ giúp Lưu Bang diệt trừ Hạng Võ đã bị chính Lưu Bang lập mưu kế và giết hại.
Ngoại trừ Lưu Bang ra, còn có Việt Vương Câu Tiễn thời Xuân Thu. Sau khi tiêu diệt nước Ngô, việc đầu tiên mà Việt Vương Câu Tiễn làm chính là giết chết người cùng chung hoạn nạn với mình, đại thần Văn Chủng. Đại thần Phạm Lãi là người biết trước Việt Vương Câu Tiễn chỉ có thể là “người cùng chung lúc hoạn nạn chứ không thể là người cùng hưởng phúc” nên đã rời xa sớm mà tránh được kiếp nạn này.
Nhiều người vẫn cho rằng Lưu Bang và Việt Vương Câu Tiễn có tài chính trị lỗi lạc, tinh thần vững vàng mà không hề nghĩ rằng về lòng dạ và trí tuệ thì so với Tần Thủy Hoàng, họ không được anh minh, sáng suốt bằng.
Thứ 3: Chưa từng đại tàn sát từ sau khi thống nhất lục quốc
(Hình minh họa: Qua kknews.cc)
 
Tần Thủy Hoàng thực hiện chiến tranh thống nhất lục quốc, kỳ thực số người thương vong là không lớn. Hơn nữa, Tần Thủy Hoàng cũng dùng nhiều chính sách như dụ dỗ lôi kéo hoặc là phương thức hòa bình chứ không phải lúc nào cũng động binh. Tề quốc chính là ví dụ điển hình nhất. Ngoài ra, Tần Thủy Hoàng còn là người có lòng khiêm tốn, khoan dung, điều này được thể hiện rõ nhất ở cuộc chiến với nước Yên.
Trước khi thu phục nước Yên, thái tử Đan của nước Yên từng phái Kinh Kha đến ám sát Tần Thủy Hoàng nhưng bị thất bại. Sau này khi Tần Thủy Hoàng đã thu phục được nước Yên, ông không vì điều này mà trả thù người nước Yên. Sau khi loại bỏ thể chế chính trị của nước Yên, Tần Thủy Hoàng đã áp dụng chính sách “vỗ về” để đối đãi với người dân nước này, trấn an dân chúng. Thử nghĩ, nếu Doanh Chính là một tên bạo chúa, khi bị thích khách hành thích như vậy chỉ e rằng người dân vô tội cũng khó mà tránh được đại nạn.
Vào thời Tần mạt, Hạng Võ dẫn đầu 40 vạn đại quân đánh vào thành Hàm Dương, tàn sát hàng loat dân chúng Hàm Dương, thiêu cháy cung A Phòng. Ngọn lửa hừng hực cháy ròng rã ba tháng trời. Tuy nhiên người đời sau chỉ ca ngợi Hạng Võ là một đại anh hùng, còn đối với việc Hạng Võ giết hàng loạt dân Hàm Dương và đốt cháy cung A Phòng thì coi như không thấy…
Nếu bàn luận về tội tàn sát thì có lẽ phải kể đến Hoàng Sào đời nhà Đường đầu tiên. Tháng 3 năm 879 công nguyên, Hoàng Sào đánh chiếm Phúc Châu, đến tháng 9 năm đó lại tiến đánh Quảng Châu. Sau khi đánh chiếm Quảng Châu, Hoàng Sào giết hại 12 vạn dân trong thành đồng thời san bằng Quảng Châu, nơi từng là trung tâm buôn bán với nước ngoài sầm uất thời đó.
Thành Cát Tư Hãn, một đời kiêu hãnh cũng không ngoại lệ. Sau khi tiêu diệt Tây Hạ liền xuôi nam, tiến vào triều đại Nam Tống. Dân chúng bên đường bị cướp bóc không còn thứ gì. Sau khi Mông Cổ thống nhất, cũng không đối xử ngang hàng mà phân cấp người dân thành 4 loại. Phân người Mông Cổ là cấp 1, người Sắc Mục là thứ hai, người Hán phương bắc là thứ ba, người phương nam là thứ 4 để đối đãi .
Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất Trung Quốc không làm theo cách đó. Ông căn cứ pháp luật Tần triều, đối xử với người dân như nhau, tất cả đều ngang hàng. Hơn nữa, Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất lục quốc cũng không giết chết lục quốc quân vương mà là đưa họ đến Hàm Dương giam lỏng, cho họ một con đường sống. Hành động này, đối với rất nhiều vị Hoàng đế tài đức đời sau cũng không làm được.
Thứ 4: Vì sao Tần Thủy Hoàng bị dán nhãn “bạo chúa”?
Điều đáng nói chính là trải qua hơn 2000 năm qua, Tần Thủy Hoàng luôn bị dán nhãn hiệu là một tên “bạo chúa”. Từ xưa đến nay, trong hình tượng tác phẩm văn học và dân gian, Tần Thủy Hoàng hầu như là nhân vật phản diện, điều này có thực sự công bằng cho ông?
Truy cứu nguyên nhân có thể thấy rằng điều này là do chính điều kiện lịch sử thời đó tạo thành như vậy. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, dân chúng sinh ra đã có một loại tư duy cố định. Họ cho rằng thiên hạ này phải “chia năm xẻ bảy” mới là bình thường còn thống nhất là điều không bình thường.
Mỗi một người đều có cảm tình với nơi mình sinh sống và không có ước nguyện thống nhất đất nước. Trái lại, “thống nhất” ở một góc độ nào đó mà nói, nó có thể trở thành đại từ “xâm lược”. Vì vậy, dân chúng đều căm hận Tần Thủy Hoàng, ông đã khiến dân chúng mất đi quê hương, biến họ thành người dân mất nước. Căn cứ vào loại tâm tình này, Tần Thủy Hoàng không khỏi bị yêu ma hóa, và cũng trở thành một hình tượng “bạo chúa ngàn đời”.
An Hòa (dịch và t/h theo sự cho phép của tác giả)
nguồn: https://trithucvn.net/van-hoa/tan-thuy-hoang-trong-lich-su-co-thuc-su-la-ten-bao-chua.html