Phần lớn trong tập tản văn “Than đỏ dưới tro tàn” của Đỗ Bích Thúy là những trang viết về miền núi với ký ức trong trẻo gắn liền với cái thung lũng mà chị được sinh ra, lớn lên.
Đỗ Bích Thúy là một nhà văn ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc bằng các tác phẩm viết về dân tộc thiểu số và miền núi. Chị từ Hà Giang chuyển công tác về Hà Nội năm 2001, sau khi chị đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắncủa tạp chí Văn nghệ Quân đội. 22 năm sống và làm việc tại Hà Nội, chị đã in 23 cuốn sách. Chị nói, đó là một nỗ lực hết sức để đạt được “chỉ tiêu” do bản thân tự đặt ra: Mỗi năm 1 cuốn sách.
Than đỏ dưới tro tàn (NXB Hội Nhà văn và Liên Việt Books) là tập tản văn thứ 5 và là cuốn sách thứ 23 của Đỗ Bích Thúy. Đây được xem như phần nối dài của cuốn Tôi đã trở về trên núi cao – tập tản văn được nhiều bạn đọc yêu thích của chị xuất bản vào năm 2018.
Ở tập sách này, như thường thấy, Đỗ Bích Thúy vẫn dành phần lớn số trang cho các bài viết về miền núi với những ký ức trong trẻo gắn liền với cái thung lũng mà chị được sinh ra, lớn lên. Bên cạnh đó, độ chín của một người đã có hơn 30 năm cầm bút, đi nhiều và luôn chăm chú quan sát cuộc sống, đã khiến cho tản văn của chị đằm sâu hơn, day dứt hơn, nhiều chiêm nghiệm hơn.
Trong số những nhà văn thuộc thế hệ 7X, Đỗ Bích Thúy được xem là người lao động bền bỉ, kiên định và quyết liệt trên một lối đi riêng mà chị tự cho rằng mình rất may mắn, đó là gắn bó với một đề tài “ruột” – dân tộc thiểu số và miền núi. Cách đây hơn 20 năm, khi Đỗ Bích Thúy chuyển về Hà Nội, nhiều người đã tỏ ra lo ngại rằng việc rời xa miền đất ruột thịt sẽ khiến chị không thể viết tiếp về miền núi được nữa. Nhưng thực tế thì ngược lại, càng rời xa lâu thì tình yêu với miền núi của chị dường như càng mãnh liệt. Sự mãnh liệt đó thể hiện sâu sắc hơn qua những tác phẩm đã in.
Ở tập tản văn mới nhất, ngay cả khi viết về những vùng đất mới mẻ thì xúc cảm của Đỗ Bích Thúy cuối cùng vẫn cứ kết nối với nơi mà chị đã được sinh ra. Nói như Đỗ Bích Thúy tự nhận, rằng mỗi khi viết về miền núi – không gian văn chương thân thuộc và tha thiết nhất – chị lại có cảm giác “về nhà”. Cuối cùng, đi đâu xa rất xa chăng nữa, Đỗ Bích Thúy sẽ lại quay về.
Trong cuốn sách Than đỏ dưới tro tàn của Đỗ Bích Thúy có 15 bức minh họa của họa sĩ Lê Thiết Cương. Một số bức được in trên giấy dó, kèm theo một tấm postcard được thiết kế rất tinh tế với dòng chữ: “Sách của bạn, lòng biết ơn của tôi”. Đó là lời tri ân mà Đỗ Bích Thúy muốn gửi tới bạn đọc, những người đã lặng lẽ âm thầm đồng hành cùng chị trong suốt những năm tháng qua.
Có thể bạn muốn xem
MUỐI
Sài Gòn chọn nhớ những điều thương
Nhật Ký Phi Công Tiêm Kích
Lũ trẻ ở làng Ồn ào
Sẽ Qua, Đừng Khóc!
CACAO NGÀY THỨ NĂM
Đại bàng tái sinh
Dân chơi vào trường
Yêu và say