Miễn thuế giá trị gia tăng cho sách, mỗi tác phẩm đều được mua 1.000 bản để phân phối vào thư viện… là những chính sách thúc đẩy xuất bản của Na Uy.
Khi Karl Ove Knausgaard, nhà văn Na Uy xuất bản 6 tập của cuốn tiểu thuyết-tự truyện Min kamp – Cuộc đấu tranh của tôi, dày 3.600 trang vào năm 2009, ông không biết sách của mình sẽ được độc giả đón nhận thế nào, nhưng ông biết một điều chắc chắn, gần như sách của ông sẽ được Hội đồng Nghệ thuật Na Uy mua 1.000 cuốn để phân phối cho các thư viện công cộng.
Cuộc đấu tranh của tôi và bom tấn xuất bản
Sinh ra ở Oslo năm 1968, theo học nghệ thuật và văn học tại Đại học Bergen, nhưng Karl Ove Knausgaard phải làm nhiều công việc khác nhau như giáo viên trung học, bán băng đĩa, làm việc trong bệnh viện tâm thần và làm việc trên một giàn khoan dầu, trong khi vẫn cố gắng viết lách để trở thành một nhà văn.
Cuối cùng cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông cũng được xuất bản vào năm 1998. Cuộc đấu tranh của tôi của Karl Ove Knausgaard đã bán được 500.000 cuốn, với mức giá cho một cuốn sách bìa cứng là 50 USD, hơn một triệu tiền Việt.
Nửa triệu bản sách là con số mơ ước với bất kỳ nhà văn nào, ở bất kỳ đâu trên thế giới, huống gì ở đất nước Na Uy nhỏ bé. Nửa triệu bản cho số dân hơn 5 triệu người, như vậy tính ra trung bình cứ 9 người ở nước này sẽ có một người mua một quyển Cuộc đấu tranh của tôi. Thế nên cuốn tiểu thuyết-tự truyện của một nhà văn Bắc Âu chưa ai biết đến như Karl Ove Knausgaard đã gây một cú shock cho văn đàn thế giới, cuốn sách nhanh chóng được dịch ra tiếng Anh và 35 ngôn ngữ khác.
Sau khi bản tiếng anh của Min Kamp – Cuộc đấu tranh của tôi – được xuất bản và bán chạy khắp nơi trên thế giới, Karl Ove Knausgaard đã được nhiều người xem là nhà văn Na Uy vĩ đại nhất kể từ sau Henrik Ibsen.
Cuốn sách kể lại những điều tầm thường và tủi nhục của cuộc đời chính tác giả, những khoảnh khắc riêng tư cùng những suy nghĩ u ám mà hầu hết mọi người không thể chịu đựng được ngay cả với chính bản thân họ. Văn phong linh hoạt, miêu tả chi tiết tỉ mỉ, Knausgaard được giới phê bình so sánh với tiểu thuyết gia người Pháp là Marcel Proust cùng bộ tiểu thuyết bảy tập Đi tìm thời gian đã mất.
Tạp chí The Wall Street Journal mô tả sách ông là “một trong những cảm nhận văn học vĩ đại nhất của thế kỷ 21”. Thời báo New York Times còn gọi ông là “một trong những nhà văn xuất sắc còn sống”. Thậm chí, giờ đây người ta đã bắt đầu theo dõi khả năng giành giải Nobel Văn chương của Knausgaard.
Chính sách thúc đẩy xuất bản phát triển
Điều gì làm nên một cuốn sách thuộc ngôn ngữ hiếm như Cuộc đấu tranh của tôi trở thành một best-seller tầm cỡ thế giới như thế? Điều gì đã giúp nhà văn như Karl Ove Knausgaard có thể bền bỉ sáng tác một cuốn sách dày đến thế, bên cạnh vòng quay cơm áo gạo tiền mà nhiều nhà văn khác đang phải vật lộn hàng ngày?
Có nhiều câu trả lời. Nhưng góp phần vào thành công của hiện tượng Knausgaard thì không thể không nhắc đến chính sách bảo hộ nhà văn và bảo hộ xuất bản của chính phủ Na Uy. Na Uy được xem là một đất nước thiên đường cho các nhà văn và các nhà xuất bản.
Nhờ khai thác dầu khí, Na Uy trở thành một trong những quốc gia giàu nhất thế giới. Cũng vì dân số thấp thuộc hàng nhất thế giới, nên chính phủ dành nhiều sự quan tâm và kinh phí tài trợ cho văn hóa. Tất cả tài liệu xuất bản ở Na Uy đều được luật pháp yêu cầu phải nộp lưu chiểu ở Thư viện Quốc gia và thư viện đã, đang số hóa mọi thứ trong bộ sưu tập của mình. Mọi người có thể xem và tải tài liệu trực tuyến miễn phí; đối với sách có bản quyền, có thể truy cập và đọc văn bản online nhưng không tải xuống được.
Ở Na Uy, tất cả trường đại học công lập về cơ bản là miễn học phí, tỷ lệ người lớn biết chữ ở Na Uy là 100%, trung bình cứ 4 người lớn thì có một người thường xuyên đọc sách mỗi ngày; văn minh thư viện được xếp hàng đầu thế giới, hệ thống thư viện công cộng được ưu tiên phát triển.
Giá sách mới ở Na Uy được mệnh danh là đắt nhất thế giới. Mỗi cuốn sách mới thường có giá vào khoảng 40-50 USD (tương đương 1 triệu VNĐ). Theo thỏa thuận kinh doanh, việc giảm giá sâu đối với sách mới bị cấm tuyệt đối. Điều này bảo vệ những người bán sách khỏi Amazon và các “tay to” phát hành sách.
Lợi nhuận từ các tựa sách best-seller (khi không được giảm giá) sẽ trợ giá cho tất cả sách bán chậm khác. Nói cách khác, các nhà văn có sách bán chạy như Karl Ove Knausgaard đang giúp các tác phẩm của nhiều nhà văn khác có được cơ hội hiện diện trên thị trường.
Các nhà xuất bản luôn e dè khi quyết định in sách của một tác giả mới, tác giả có sách khó đọc, không có tính đại chúng, vì điều này sẽ cần nhiều thời gian, công sức cũng như ngân sách để quảng bá và tuyên truyền, thêm vào đó là tính rủi ro cao, các đơn vị xuất bản có xu hướng tìm bến đỗ an toàn ở các tác giả đã thành danh, các tác phẩm đã có chỗ đứng sẵn trên thị trường.
Thế nên khi có được một tác giả best-seller như Karl Ove Knausgaard, khi có lợi nhuận đảm bảo, các nhà xuất bản sẽ có nhiều kinh phí để xuất bản các tác phẩm khó, ít người đọc, và các nhà văn có tác phẩm bán chậm hơn cũng sẽ được hưởng lợi.
Sách cũng là một mặt hàng được miễn thuế giá trị gia tăng ở Na Uy. Ngoài việc ưu đãi thuế, chính phủ Na Uy còn lập ra Hội đồng Nghệ thuật để hỗ trợ văn nghệ sĩ, những hoạt động văn hóa nghệ thuật và các nhà xuất bản.
Bình thường, với dân số ít, tiếng Na Uy không phải là thứ ngôn ngữ phổ biến, thị trường sách xuất bản sẽ nhỏ bé, người mua tiềm năng cho bất kỳ cuốn sách nào cũng ít, thế nên các nhà xuất bản phải tính giá cao cho đầu sách để trang trải chi phí sản xuất.
Nhưng khi xuất bản phẩm giá cao thì lại càng hạn chế doanh số bán hàng hơn nữa. Điều này dẫn đến việc khi chọn lựa tác phẩm để xuất bản, các nhà xuất bản sẽ cẩn trọng với tác giả cũng như tác phẩm, bởi thế, cần có bàn tay điều phối của nhà nước ở trường hợp này.
Một cuốn sách mới được xuất bản tại Na Uy, nếu thông qua kiểm soát chất lượng, Hội đồng Nghệ thuật Na Uy sẽ mua 1.000 bản sách theo giá bìa để phân phối cho các thư viện – hoặc 1.550 bản nếu đó là sách dành cho trẻ em.
Nếu tính trung bình mỗi bản sách có giá 50 USD, nhà xuất bản đã có một khoản thu tương đương với khoảng 50.000 USD (hơn một tỷ đồng tiền Việt), và tác giả cũng sẽ được hưởng phần trăm nhuận bút theo hợp đồng trên 1.000 bản sách này. Việc mua sách mới này luôn được ưu tiên đứng đầu trong ngân sách mua của các thư viện.
Về kế hoạch mua, chính sách này sẽ ưu tiên các nhà xuất bản nhỏ, nhà xuất bản độc lập, điều này giúp các nhà xuất bản nhỏ có thể tồn tại và cạnh tranh và phát triển, tạo sự đa dạng cho nền xuất bản.
Một lợi ích rất lớn của chương trình này là hỗ trợ cho các nhà văn khi họ bắt đầu cầm bút. Việc chính phủ trả tiền mua 1.000 bản sách – trên thực tế, với phần trăm tiền nhuận bút và giá sách cao như ở Na Uy, đây xem như thiên đường cho các nhà văn mới chập chững vào nghề.
Việc nhà nước có kế hoạch mua sách và tài trợ cho nhà văn sáng tác, là điều kiện tiên quyết để phát triển nền văn học Na Uy. Tất cả điều này giúp đảm bảo một vị trí cho Na Uy trên bản đồ văn học thế giới.
Cùng kế hoạch mua sách, phát triển hệ thống thư viện công cộng, chính phủ Na Uy còn hỗ trợ trực tiếp cho các nhà văn và nghệ sĩ. Nhiều khoản trợ cấp được chi ra hàng năm dành cho các nhà văn trẻ và nghệ sĩ trẻ, như trợ cấp du lịch, trợ cấp sáng tác, trợ cấp học tập nghiên cứu…
Các nghệ sĩ nổi tiếng nhận được thu nhập đảm bảo thường cho đến khi nghỉ hưu, những nghệ sĩ khác đủ điều kiện nhận trợ cấp hoặc hợp đồng làm việc từ một đến năm năm. Mục tiêu của chương trình trợ cấp và thu nhập đảm bảo là mang đến cho các văn nghệ sĩ cơ hội tích cực để theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật và hỗ trợ các văn nghệ sĩ trẻ trong việc xác lập bản thân với tư cách là nhà văn – hoặc nghệ sĩ.
nguồn: https://zingnews.vn/thien-duong-xuat-ban-o-na-uy-post1352705.html
Có thể bạn muốn xem
Dân tộc được Chúa chọn
Lưng người thăm thẳm
Cẩm Nang Du Lịch – Top 10 Singapore
Những Sự Thật Về Ung Thư
3 câu đố của công chúa Turandot trong tập truyện cổ “Ngàn lẻ một ngày”
Đất nước gấm hoa
Bộ sách luyện thi tiếng Anh THPT Quốc gia
Đường sách TPHCM chuẩn bị lên sàn
Sáu cách cải thiện tâm trạng nhanh chóng