Trong dòng sách thiếu nhi, bên cạnh cái tên Nguyễn Nhật Ánh vốn quá quen thuộc với bạn đọc thì còn một cái tên khác là nhà văn Bùi Chí Vinh với bộ truyện thiếu nhi nổi tiếng Năm Sài Gòn.
Sáng 23-8, bộ truyện này đã được NXB Trẻ chính thức tái bản với nhiều nét mới lạ trong đó nổi bật là việc đổi tên thành Ngũ quái Sài Gòn.
Khoảng năm 1994-1996, NXB Kim Đồng đã đặt hàng nhà văn Bùi Chí Vinh “Việt hóa” bộ sách thiếu nhi nổi tiếng của Đức có nhan đề Tứ quái TKKG của nhà văn Rolf Kalmuczak, với bút danh Stefan Wolf. Đây là một hình thức làm sách quen thuộc thời đó khi dựa vào tác phẩm gốc của nước ngoài và chỉnh sửa lại cho phù hợp với bạn đọc trong nước. Nhà văn Bùi Chí Vinh đã “Việt hóa” TKKG bằng cách viết lại toàn bộ, chỉnh sửa, cắt xén cũng như thêm thắt nhiều chi tiết và nhân vật không có trong truyện và bộ sách đã rất thành công. Năm 2009, Công ty TNHH Văn hóa Vàng Anh mua bản quyền bộ truyện TKKG và đã ra mắt độc giả Việt Nam bản dịch chuẩn vào tháng 3-2010 nhưng không mấy thành công.
Như chính nhà văn Bùi Chí Vinh thừa nhận, thành công của TKKG khi đó đã khiến ông nung nấu thực hiện một tác phẩm về những nhân vật thiếu nhi trừ gian diệt bạo “thuần Việt” và từ đó Năm Sài Gòn xuất bản lần đầu vào năm 1996. Tác giả cũng không phủ nhận sự ảnh hưởng của TKKG trong việc xây dựng tuyến nhân vật nhưng đó là điểm chung duy nhất. Toàn bộ bối cảnh, sự kiện, tâm lý… hoàn toàn mang đậm màu sắc đường phố Việt Nam khi đó. Vào những năm 90 của TK 20, bộ sách Năm Sài Gòn đã rất thành công khi đánh trúng tâm lý bạn đọc nhỏ tuổi khi đó đang thiếu môt tác phẩm mang chất hào hùng, mạnh mẽ, mang chất anh hùng. Bộ truyện tổng cộng gồm 40 tập đã được nhiều NXB như Kim Đồng, Thanh Niên… in đi in lại nhiều lần. Năm 2006, tác phẩm được dựng thành phim truyền hình và lấy tên là Ngũ quái Sài Gòn.
Trong lần tái bản mới nhất này, bộ truyện sẽ chính thức lấy tên là Ngũ quái Sài Gòn và được sắp xếp lại với 20 tập, mỗi 2 tuần sẽ ra mắt 1 tập.
Ngũ quái Sài Gòn gắn liền với những đam mê, khát vọng hành hiệp của tuổi trẻ những năm 90. Tác phẩm được ví von đã góp phần khơi dậy dòng máu anh hùng của tuổi trẻ Việt dù ở bất cứ đâu, sống thế nào và làm nghề gì. Văn phong mang đậm chất đời thường, chất đường phố và đặc biệt là với sự hiểu biết về thế giới bụi đời ngày đó từ cách thức sinh hoạt, tiếng lóng, lối sống… khiến bộ truyện tạo nên ấn tượng cho giới trẻ khi ấy. Với thế hệ trẻ hiện nay, bộ truyện có thể xem như là một hình thức tái hiện quá khứ, để giới trẻ hiện nay phần nào hiểu thêm những gì mà thế hệ đi trước cũng như chuyển tải giá trị xuyên suốt là tinh thần dũng mãnh, thẳng thắn và trọng nghĩa.
TƯỜNG VÂN
Có thể bạn muốn xem
Sống chậm đợi nắng lên
8.000 tác giả phản đối công ty AI dùng tác phẩm trái phép
Tàn lửa
Thở giữa rừng người
Trận đánh được nhắc tới trong Hịch tướng sĩ, khiến Đại Hãn Mông Cổ tử trận
Phù thế phù thành
Nhà văn Bùi Tiểu Quyên ra mắt bộ sách “Trường Sa! Biển ấy là của mình”
Canh cua mẹ nấu
Thơ, nhạc, họa, phê bình nghệ thuật hội tụ trong ”Tuyển tập Thế Hùng 2”