Một chàng trai thành thị trong chuyến đi săn cùng một nhóm bạn, vô tình rơi xuống hang sâu và khám phá bao chuyện lạ về một nhân vật bí hiểm và kho báu của hắn.

Có thể nói không ngoa Thiên Hạ Bá Xướng là người đã đưa dòng truyện trộm mộ của Trung Quốc lên một bước phát triển mới. Trước đây chỉ có những tác phẩm nói về bí mật mộ Tần Thủy Hoàng, Tào Tháo, Khổng Minh Gia Cát Lượng… những tác phẩm này thường chỉ thiên về hành động, không miêu tả tâm lý nhân vật. Tác giả thường chỉ đưa ra tuyến truyện một chiều, ít đan xen tình tiết éo le, huyền hoặc, ma quái, các nhân vật tốt xấu rất rõ ràng, thường là đời sau của chủ nhân các ngôi mộ bị đào. Dung lượng các truyện đào trộm mộ xưa thường không dày, chỉ vài ba trăm trang gói lại.

Nhưng đến Thiên Hạ Bá Xướng thì các câu chuyện lại khác, chủ nhân của các ngôi mộ thường chung chung, các tình tiết ma quái rất nhiều, nhân vật tốt xấu khó lường, dung lượng truyện có thể liên kết lại với nhau, như Ma thổi đèn dài đến tám tập, chia làm hai phần.

Ở tác phẩm mới nhất Thiên khanh ưng liệp – Kỳ án hang trời là một bước phát triển mới của việc trộm mộ. Trộm, đồng thời tìm về lai lịch của chủ nhân ngôi mộ. Trộm không chỉ là trộm nữa mà là sống cùng người bị trộm. Ở đây là Mã Điện Thần, một thường dân vì mưu sinh mà trải qua đủ chuyện, đủ nghề, trở thành một người giàu có. Nhưng cơ ngơi của ông ta ở đâu thì vẫn còn là một bí ẩn.

Mã Điện Thần – kẻ trời đánh không chết

Trương Bảo Khánh, Hai Mũi, Dưa Leo vì một cuộc so tài, dùng chim ưng săn cáo dưới khe núi sâu mà bị lạc đường. Trên đường chạy trốn linh miêu ba người lạc vào một tòa nhà có vẽ rết trước cổng. Từ đây cuộc đời Mã Điện Thần dần dần mở ra qua lời kể của Hai Mũi.

Hóa ra trong cuộc đời của mình Mã Điện Thần trải qua rất nhiều chuyện sinh tử lạ kì. Như lần hắn gặp con hoàng yêu, có hình thể giống mèo, thân dài, lông màu vàng, bị lừa đến con đường sau miếu Thành Hoàng suýt bị ma giết chết. Hắn trả thù con hoàng yêu ấy bằng cách lấy hạt châu của con hoàng yêu đưa mình cho vào nồi đất đun đến khi nước sôi, máu đen trong nồi chảy ra đồng thời con yêu cũng chết.

Hay như chuyện hắn vào núi đào nhân sâm gặp rết thành tinh nhờ ăn đủ 99 bộ não người. Mã Điện Thần may mắn thoát chết vì thiên lôi (sét) từ trên trời đánh xuống đã đánh chết con rết. Rồi may mắn nhờ túi độc lấy từ rết mà giết được con “thôi”, là con của gấu và hổ giao hợp đẻ ra.

“Thôi” là vua của các loài thú, hung ác vô cùng, thức ăn thường ngày là hổ, sói. Nhờ tấm da còn “thôi” này mà đổi được nhân sâm cỡ năm, sáu lạng. Mang nhân sâm về cứu bạn, tưởng sẽ được giàu sang cả đời ai ngờ bị bạn phản bội đẩy xuống vực. Nhờ ngã vào cây không chết, lại còn tìm được nhân sâm “nước mắt phượng hoàng” ngàn năm mọc trong hốc cây.
Hoặc li kì nhất như lần hắn lấy cây cột bêu đầu ở Sơn Đông về làm sào chống bè đưa khách qua sông. Công việc làm ăn tạm ổn, hắn chọn chỗ nước xoáy nhất nhưng hai bờ gần nhau để đưa khách. Trong một ngày ế ẩm hắn gặp Đậu Chiêm Long, một người lừng danh thiên hạ “không bảo bối nào là không nhận ra”.

Đậu Chiêm Long gạ hắn bán cây cột nhưng hắn không bán, sau rủ hắn đi đánh mộ. Đánh mộ, tức nửa đêm ra nghĩa địa, Đậu Chiêm Long bảo hắn dùng cây cột bêu đầu đánh liên tiếp ba gậy vào mộ. Mộ mở ra, hóa ra đấy là nơi tu luyện của họ hàng nhà cáo. Mỗi gậy đánh xuống làm tiêu tan một trăm năm đạo hạnh.
Đậu bắt họ nhà cáo mỗi ngày mang đến rất nhiều ngọc ngà, vàng bạc nếu không sẽ bảo Mã Điện Thần lấy gậy đánh xuống. Sau phải nhờ Mã tự bẻ gậy thì họ hàng nhà cáo mới thoát. Mã Điện Thần liền cùng con cáo già nhất kết nghĩa anh em, và được con cáo ban cho cả đời phú quý.

Hình ảnh trong phim chuyển thể Thiên khanh ưng liệp với sự tham gia của ngôi sao Vương Tuấn Khải.

Kho báu nằm ở đâu?

Nhưng cuộc đời phú quý đâu chưa thấy đến thì hắn bị oan hồn ma nữ bám theo đòi mạng vì làm nhà trên mảnh đất tu luyện bao năm. Sau nhờ một đạo sĩ giúp đỡ, với bức họa “Thần ưng đồ” vẽ bằng máu của chim ưng trắng mà bắt được hồn ma.
Số tiền tích cóp được đã bị quân Nga đánh vào biên giới lấy hết. Mã Điện Thần chẳng còn gì, lại nhờ vào tài bắn súng của mình đi làm pháo thủ, bảo vệ tài sản cho người giàu. Rồi cuối cùng chuyển sang làm thổ phỉ. Vì sợ truy đuổi của quan quân, trộm cướp mà hắn làm nhà vào tận hang núi sâu, tuyết phủ quanh năm để bảo vệ tài sản của mình.

Nhưng rồi tại sao cả gia đình Mã Điện Thần, lẫn thân tín của hắn đều mất tích trong lòng núi, trong khi cửa khóa từ bên trong. Trương Bảo Khánh, Hai Mũi, Dưa Leo lạc vào trong nhà họ Mã, nhưng họ không thấy vàng, không thấy người, lẫn xương cốt. Thế núi vàng, núi bạc của nhà họ Mã ở đâu? Chẳng lẽ cả trăm con người lại bốc hơi trong một phút chốc không để lại một chút dấu vết nào.
Nhờ chim ưng trắng Trương Bảo Khánh cùng các bạn tìm được ngôi nhà của Mã Điện Thần năm xưa. Nhưng vẫn còn rất nhiều câu hỏi mà chim ưng không thể nói được với Trương. Kể cả bức họa chim ưng lấy trong nhà họ Mã về cũng bị một ông già chột mắt đến mua mất. Ông già chột ấy là ai? Liệu ông ta có giết chim ưng trắng để tô lại bức họa không? Ông ta với Mã Điện Thần có quan hệ thế nào?
Trương Bảo Khánh xoay vần giữa các câu hỏi, và lên đường quay trở lại núi Trường Bạch. Cuốn tiểu thuyết như hút người đọc theo từng bước chân trên tuyết của Bảo Khánh, theo chàng thanh niên phố thị cùng chim ưng vào hang sâu để tìm những bí ẩn đang khuất lấp.