Trong nhiều thế kỷ, Thụy Sĩ luôn kiên định là một quốc gia trung lập trên trường quốc tế. Một số nước khác cũng giữ lập trường trung lập, không can thiệp, như Ireland, Áo, nhưng Thụy Sĩ được xem là quốc gia trung lập lâu đời và có uy tín nhất.

Rất nhiều diễn đàn thế giới, hội nghị, hiệp định đều chọn Thụy Sĩ để hội đàm và ký kết. Nhờ giữ đường lối trung lập mà suốt 5 thế kỷ, Thụy Sĩ không tham gia bất kỳ cuộc chiến tranh nào, trừ một lần chính sách trung lập của họ bị lung lay trước các cuộc liên minh tại châu Âu để chống lại Napoleon, nhưng ngay sau đó Thụy Sĩ lại kiên định vững vàng chính sách này. Đất nước này cũng không bị tàn phá bởi chiến tranh, kể cả cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất và thứ hai.

Thật ra, trước đó Thụy Sĩ từng có thời nổi tiếng là nơi có những chiến binh đánh thuê từng chiến thắng trong nhiều cuộc chiến.

Trận chiến khiến Thụy Sĩ trở thành quốc gia trung lập

Thời trung cổ người Thụy Sĩ rất giỏi chiến đấu, những chiến binh của họ tham gia các lực lượng đánh thuê khắp châu Âu, nhờ đó mà họ có được số của cải lớn. Vào đầu thế kỷ 16, người Thụy Sĩ đã có một loạt các chiến thắng, chiếm được phần lớn miền bắc nước Ý (trong đó có cả Milan).

Vua nước Pháp lúc này là Francis quyết định cho quân vượt qua dãy Alps đầy khó khăn và nguy hiểm để đến Milan nhằm gây bất ngờ cho quân Thụy Sĩ.

22.000 quân Thụy Sĩ phải đối mặt với gần 40.000 quân Pháp trong đó có cả lính đánh thuê nổi tiếng hiếu chiến Landsknechts của Đức. Tuy nhiên Thụy Sĩ không quá lo lắng về điều này bởi trong quá khứ họ đã có những trận thắng vẻ vang nhờ lấy ít thắng nhiều.

Cuộc chiến diễn ra tại thị trấn Marignano (nay là Melegnano) cách Milan 16 cây số về phía tây nam.

Trong cuộc chiến này Thụy Sĩ không chỉ gặp bất lợi về quân số mà cả vũ khí. Trong khi quân Pháp có cả kỵ binh và pháo binh thì Thụy Sĩ chỉ có thể dựa vào bộ binh. Vua Francis bố trí kỵ binh trải rộng hai bên sườn, đại bác nhiều lớp được tập trung ở giữa.

Ngay trước khi mặt trời lặn, quân Thụy Sĩ đã đặt mục tiêu tấn công rất nhanh vào trung tâm nơi đặt đại bác. Vì đại bác chỉ bắn được ở tầm xa, nên với chiến lược này quân Thụy Sĩ sẽ tránh được tầm bắn của đại bác. Kế hoạch của quân Thụy Sĩ là sau khi chiếm được các khẩu đại bác này sẽ dùng nó để bắn vào quân Pháp.

Quân Thụy Sĩ chiếm được một số khẩu pháo và giáp mặt với lính đánh thuê Đức. Hai đội quân nổi tiếng thiện chiến nhất nhì châu Âu lúc đó chạm trán nhau quyết liệt. Kỵ binh Pháp từ 2 bên sườn đánh vào đã đẩy lui được quân Thụy Sĩ. Hai bên rút lui khi trời tối.

Ngày hôm sau, quân Thụy Sĩ lại tổ chức tấn công rất nhanh giống như hôm trước. Lần này quân Pháp có chuẩn bị, lính đánh thuê của Đức ở phía trước cố chặn quân Thụy Sĩ, trong khi phí sau đại bác của Pháp bắn thẳng vào đội hình kỷ luật của quân Thụy Sĩ. Tuy vậy quân Thụy Sĩ không nản lòng mà cố tiến đến vị trí đại bác.

Một cuộc chiến ác liệt diễn ra giữa quân Thụy Sĩ và lính đánh thuê Đức dưới làn đạn đại bác cùng kỵ binh Pháp.

Lúc này đồng minh của Pháp là Venetian kịp thời tới tham chiến, tạo ra bước ngoặt. Quân Venetian từ sườn đánh vào với quân số áp đảo đã giúp xoay chuyển cục diện, khiến quân Thụy Sĩ phải rút lui. Cuộc chiến khiến quân Thụy Sĩ bị tổn thất mất một nửa và buộc phải rút khỏi Marignano.

Trận Marignano kết thúc bằng Hiệp ước được ký kết giữa Pháp và Thụy Sĩ. Hiệp ước này có tên “Hiệp ước Hòa bình Vĩnh viễn” tuyên bố Pháp và Thụy Sĩ không bao giờ gây chiến với các nước còn lại, và nước này không được liên minh với kẻ thù của nước kia.

Hiệp ước này được Thụy Sĩ tuân thủ và trở thành một quốc gia trung lập, không tham gia cuộc chiến nào hay liên minh với bất kỳ bên nào. Trong khi Pháp không thể thực hiện đúng Hiệp ước này, thậm chí năm 1798 còn xâm phạm Thụy Sĩ.

Thụy Sĩ cũng xây dựng luật cấm công dân của mình tham gia tổ chức chiến tranh ở nước ngoài, trừ trường hợp phải tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Hưởng lợi từ chính sách trung lập

Là đất nước trung lập, nhiều tổ chức quốc tế lớn đã chọn đặt trụ sở tại Thụy Sĩ: Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cùng hàng trăm tổ chức quôc tế khác

Các tổ chức thể thao quốc tế cũng chọn Thụy Sĩ để đặt trụ sở chính như: Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA), Ủy ban Olympic Quốc tế, Liên đoàn bóng rổ quốc tế, Liên đoàn khúc côn cầu trên băng quốc tế, Liên đoàn Xe đạp Quốc tế, v.v..

Việc các tổ chức chọn Thụy Sĩ để ký kết các nghị định, hiệp ước, hội nghị, điễn đàn không chỉ giúp mang lại một số tiền đáng kể cho ngân sách, mà còn tạo uy tín, ảnh hưởng của Thụy Sĩ đối với thế giới.

Rất nhiều thiên tài chọn Thụy Sĩ làm nơi sinh sống để tận hưởng tự do và hòa bình như: Nhà bác học thiên tài Albert Einstein, vua hề Charles Chaplin, ngôi sao điện ảnh số một Italia Sophia Loren. Những thiên tài nổi tiếng người Nga cuối cùng đã chọn Thụy Sĩ để sống như Lev Tolstoy,Tchaikovsky, Igor Stravinsky, v.v..

Thụy Sĩ cũng được xem là xứ sở của ngân hàng, các ngân hàng Thụy Sĩ cam kết bảo mật về tài khoản cho khách hàng của mình, chính vì thế mà Thụy Sĩ chỉ có hơn 8 triệu dân nhưng có rất nhiều ngân hàng, riêng nước ngoài có 148 ngân hàng ở đây. Sau một số vấn đề liên quan tới việc rửa tiền và tham nhũng, Thụy Sĩ đã phải đồng ý trao đổi thông tin về một số tài khoản khách hàng. Tuy nhiên, các nhà tài phiệt giàu có nhất thế giới vẫn chọn để tiền của mình ở ngân hàng Thụy Sĩ.

Trần Hưng/trithucvn