Lời tuyên bố cay đắng của kẻ bất lực giữa đám đông

Tôi là kẻ ác là tiểu thuyết của nhà văn Lý Ước Nhiệt (Trung Quốc) viết về con người nhỏ bé ở trấn Dã Mã trong dịp Tết dương lịch vào năm 1982, nơi những kiến thức đều là xa xỉ, pháp luật cũng chỉ là công cụ để trả thù cá nhân, nơi xã hội hỗn loạn và hoài nghi, v.v… nơi văn minh tuồng như không có chỗ đứng chỉ trừ có hận thù bị đẩy đi quá xa.

Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết là Mã Vạn Lương và công an trấn Hoàng Thiếu Liệt. Hai gia đình có thâm thù từ lâu, bởi Hoàng Thiếu Liệt là người đã tát bố của Mã Vạn Lương với lý do “xuất thân không tốt”. Chính vì điều ấy, một mối thù đã găm chặt vào lòng Mã Vạn Lương. Bởi vậy, dù đi bất kỳ đâu chỉ cần nhìn thấy Hoàng Thiếu Liệt là Mã Vạn Lương khạc đờm nhổ. Nói như Hoàng Thiếu Liệt, gom đờm và nước bọt của Mã Vạn Lương lại có thể dìm chết người.

Điều ấy đã khiến Hoàng Thiếu Liệt kinh hãi và ôm mối hận trong nhiều năm liền, vì đường đường là một công an trấn mà bị một tên dân thường nhổ nước bọt vào mặt. Nếu để người khác nhìn thấy thì không còn mặt mũi nào. Cho đến một ngày, Hoàng Thiếu Liệt nắm được thóp của Mã Vạn Lương, thế cờ đã hoàn thoàn thay đổi. Cơ hội để Hoàng Thiếu Liệt trả thù đã tới.

Khi cái ác thuộc về đám đông

Một trận xét xử đã được tiến hành, câu chuyện bị đẩy quá lên thành “vụ án” khi Mã Vạn Lương đã nhận lời thách đấu của người bán rượu để chứng minh rằng rượu thuốc của hắn không hề hiệu nghiệm như hắn đã tuyên truyền. Anh đã đích thân cầm dao cứa vào tay hắn. Nhìn thấy máu, người ngoại trấn lăn ra gào khóc, sợ hãi, ăn vạ, khiến câu chuyện đã trở nên nghiêm trọng.
“Vụ án” của Mã Vạn Lương đã được tổ chức và định tội dưới hình thức bỏ phiếu của người dân, bao gồm cả những người không phải là nhân chứng. Và những người bỏ phiếu thì lý giải rằng, họ đánh dấu tích để Mã Vạn Lương đi tù là bởi những người bên cạnh đều đánh dấu như vậy, chứ bản chất, họ không biết thực hư câu chuyện.

Ở cuốn tiểu thuyết, những mâu thuẫn giống như những ngọn lửa âm ỉ cháy trong mỗi người. Và đó chính là nguồn cơn của mọi sự bế tắc và vô minh, mà ở đó, tôn ti của con người không phải được định đoạt theo vai vế, mà theo lối khẳng định ai sẽ là kẻ mạnh hơn, mạnh bằng mọi giá.
Câu chuyện đám đông định tội không phải lần đầu tiên mới xảy ra ở trấn Dã Mã, mà trước đó, đã có không ít người, vì “đám đông công lý” ấy mà bị định tội, chết, hoặc tán gia bại sản một cách oan uổng.

Một chuỗi câu chuyện tương tự đã xảy ra. Một kẻ ngụ cư sẽ chẳng thể mạnh bằng một người bản địa. Và tất nhiên, thiệt thòi sẽ thuộc về kẻ tứ cố vô thân. Luôn là như thế. Và Mã Vạn Lương cũng không là ngoại lệ. Mã Cân bị người trong trấn ghét bỏ, nhưng không ai biết bị ghét vì lý do gì. Cuối cùng, anh ta bị chết thảm bởi cái tội “qua lại bất chính” với người đàn bà góa. Và bất chính như thế nào cũng chẳng ai hay.
Tôi là kẻ áckhông viết về những điều lớn lao mà đi sâu vào những điều vụn vặt gắn liền với con người vùng nông thôn trong đời sống thường ngày. Những vấn đề tưởng như đã cũ nhưng cho tới nay, vẫn còn là thời sự.

Niềm tin của kẻ cùng quẫn

Xét đến cùng, trong cuốn tiểu thuyết, Mã Vạn Lương chính là nạn nhân của một thế lực có quyền chức, địa vị nhưng lại vô minh, cùng quẫn, trong việc thèm khát sự trọng vọng, khẳng định quyền uy. Họ tin rằng những hình phạt dã man sẽ là phương thức hữu hiệu nhất để tăng uy tín và kẻ khác phải sợ mình mà điển hình là Hoàng Trung Liệt.
Chính sự cùng quẫn ấy đã đẩy đời sống con người đến sự cùng quẫn khác. Họ có thể tin vào bất cứ điều gì, thế giới siêu nhiên, tiền kiếp, nhưng lại mất niềm tin ở con người.
Thù hận, tự tôn quá cao, quan trọng hóa vấn đề đã khiến con người thêm mê lú, mù lòa.

Tuy có thâm thù với Hoàng Trung Liệt, nhưng Mã Vạn Lương không thể từ chối việc con trai hắn, Hoàng Hiển Đạt, thích chơi với con trai mình là Mã Tiến và ở nhà anh trong lúc khó khăn, cái ăn còn phải đong đếm. Nhưng bởi, cảm giác yên lòng khi nhìn một đứa trẻ ăn đã mê hoặc anh khiến anh dễ dàng đồng ý.
Thế nhưng, Hoàng Thiếu Liệt lại chẳng thể nhìn ra đó là ý tốt, mà lại cho rằng Hoàng Hiển Đạt thì dốt nát, còn Mã Vạn Lương đang bêu riếu, hạ nhục mình với người dân trong trấn. Mọi suy nghĩ để nhìn nhận lại bản thân gần như không có trong một kẻ đang trong say cơn mê quyền thế.

Hình ảnh cậu bé Hoàng Hiển Đạt là hiện thân của khát khao một cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc và bao dung.
Một đời của Mã Vạn Lương là hành trình tìm cách bảo vệ người thân, bảo vệ gia đình mình. Thế nhưng, ở hầu hết biến cố trong cuộc đời, mọi người đều thấy, anh thất bại ê chề. Những lần phản kháng hầu như vô nghĩa, không lại được với đám đông. Bản thân Mã Vạn Lương cũng là hiện thân của việc cùng quẫn trong hành trình đi tìm công đạo, bảo vệ gia đình nhỏ bé của mình và để được yên thân.
Tôi là kẻ ác không phải là lời thú nhận của một tên sát nhân mà là lời tuyên bố, lời căn dặn, nhắc nhớ bản thân và là một chiếc áo choàng trá hình của một kẻ bị tước, bị mất hết vũ khí để tự vệ.

Lý Ước Nhiệt tên thật là Ngô Tiểu Cương (sinh năm 1967). Bước vào nghiệp văn khá muộn so với tuổi đời (1988) nhưng ông nhanh chóng đóng góp tên tuổi mình cho văn đàn Trung Quốc với những tác phẩm như Lý Chương về nhà; Làng Sơn; Godrad sống giữa chúng ta; Nghê xanh, v.v… và gặt hái được nhiều giải thương như: Gương mặt trẻ nhiều tiềm năng của văn học Hoa Ngữ (2005); Giải gương mặt trẻ nhiều tiềm năng (2007) của Nguyệt báo Văn học Bắc Kinh… Hiện ông là Trưởng phòng biên tập Tạp chí văn học Quảng Tây, Trung Quốc.

theo Zing.vn