Khi sách tranh không đơn thuần là những câu chuyện trẻ thơ, mà có cả câu đố hóc búa khiến người lớn cũng phải lao vào tìm kiếm kho báu thì loại hình này bỗng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Vào lúc 4 giờ sáng, Gregg Donnenfeld bật tỉnh dậy. Ông vớ lấy sổ, bút trong đêm tối, ghi vội dòng: “Chữ số La Mã trong tác phẩm = mật mã của Caesar?” rồi tiếp tục ngủ.
Donnenfeld là luật sự hiện sống ở New York với vợ và con gái. Ông đang săn lùng một món đồ trị giá 10.000 USD, và bản đồ kho báu không phải là miếng giấy da rách rưới, mà là một quyển sách tranh thiếu nhi với nhiều hình minh họa đơn giản, tươi sáng.
Đó là quyển Xavier Marx and the Missing Masterpieces (Xavier Marx và những tuyệt tác thất lạc) của hai tác giả là Hilary Genga và Sean Cronin. Nhưng đây chỉ là một tác phẩm nằm trong danh sách rất dài của thể loại sách tranh giải đố tìm kho báu.
Tiền mất, tật mang khi truy lùng kho báu trong sách tranh giải đố
Vào khoảng năm 1970, tác giả sách tranh Kit Williams nhận được lời thách thức của Tom Maschler – người sáng lập giải Man Booker là: “Hãy làm điều gì đó đặc biệt với sách tranh mà trước đây chưa từng có ai làm”.
Williams quyết định sẽ thực hiện một cuốn sách tranh mà độc giả phải đọc rất cẩn thận, thay vì cứ xem lướt qua rồi bỏ xó. Ông chọn chủ đề sách là cuộc săn lùng kho báu giá trị, được chôn cất ở địa điểm thực tế để hiện thực hóa dụng ý này. Masquerade (Giả trang) ra đời từ đó và được xem là tiền thân của dòng sách tranh giải đố.
Theo tờ The Guardian, Masquerade đã trở thành hiện tượng khi được xuất bản vào năm 1979, khiến những thợ săn bị ám ảnh đến mức thời gian đó đã có nhiều vụ ly hôn diễn ra. Các hãng hàng không cũng thu được bộn tiền từ vé máy bay của những hành khách muốn đến nước Anh để tìm kho báu. Ba năm sau khi cuốn sách xuất bản mới có hai giáo viên vật lý giải đố thành công vào năm 1982.
Tuy nhiên, cuộc săn lùng kho báu tai tiếng nhất có lẽ là vụ việc diễn ra năm 2010. Thời điểm đó, nhà khảo cổ học Forrest Fenn đã chôn cất một rương kho báu gồm nhiều vật phẩm quý hiếm và giá trị ở vùng núi Rocky. Ông để những manh mối trong một bản đồ và bài thơ nằm ở cuối cuốn hồi ký The Thrill of the Chase (Chuyện săn đuổi ly kỳ).
Ngay từ đầu, việc này đã gây tranh cãi vì khiến cho những nhóm thợ săn cứ đào bới quanh khu đất của công viên quốc gia. Có ít nhất năm người đã tử vong khi tìm kho báu này vì bị rơi xuống vực do mất kiểm soát trước tình trạng đám đông chen lấn, hoặc bị chói nắng. Ở thời điểm “cơn sốt kho báu của Fenn” đạt đỉnh điểm, có đến 350.000 người đã đổ xô tìm kiếm kho báu. Nhà của Fenn cũng bị đột nhập không biết bao nhiêu lần.
Liệu có nên tiếp tục tìm kho báu trong sách tranh giải đố?
Luật sư Donnenfeld đề cập ở đầu bài viết là một trong rất nhiều người bị các nhiệm vụ truy tìm kho báu ám ảnh ngày đêm. “Tôi có một tập tin Word ghi chú, diễn giải rất nhiều hình ảnh trong sách.
Có một bức tranh mà các con tôi nghĩ đó là mật mã dạng số. Chúng tôi viết đến 20 trang chỉ để phân tích mỗi bức tranh đó. Chúng tôi ghi chép lại mọi ý tưởng ngay khi vừa nảy ra, bất kể thời tiết ra sao. Nếu cứ để thời gian vụt qua thì sẽ có ai đó tìm ra trước mất thôi”, Donnenfeld chia sẻ.
Trong dòng sách tranh tìm kho báu, có muôn hình vạn trạng thể loại câu đố được đặt ra. Các manh mối giải đố có thể nằm trong chiêm tinh học, những ký hiệu cổ ngữ, phép đảo ngược chữ, quy tắc logic, các dữ kiện về lịch sử hay văn hóa dân gian.
Tác phẩm Xavier Marx được thai nghén và sáng tác trong thời kỳ phong tỏa vì dịch Covid-19, vốn có đủ các yếu tố giải đố trên nhằm mục đích giúp những thành viên trong gia đình xích lại gần nhau.
Tác giả Genga chia sẻ rằng: “Trí tưởng tưởng và tính hiếu kỳ là những phẩm chất tích cực mà chúng ta thường có xu hướng đánh mất khi lớn lên. Trẻ em thường thích đặt câu hỏi tại sao trước từng vấn đề nhỏ nhất. Đó là lối tư duy cực kỳ hữu ích khi săn tìm kho báu’.
Tuy nhiên, Dan Barbarisi – tác giả cuốn Chasing the Thrill (Săn đuổi sự kích thích) lại cho rằng lối tư duy của một thợ săn thiện nghệ cũng có thể khiến người đó trở nên quá liều lĩnh. “Người đó sẽ bị ám ảnh, không bao giờ chịu bỏ cuộc. Giải thưởng sẽ trở thành thứ quan trọng duy nhất và việc săn kho báu có thể khiến người ta mất rất nhiều tiền tươi thóc thật”.
Barbarisi cũng nêu ý kiến rằng sách tranh tìm kho báu hấp dẫn vì “kết nối chúng ta với một thế giới đã biến mất từ lâu. Bản đồ kho báu mang màu sắc lãng mạn, bí hiểm hơn là một thiết bị định vị GPS. Dòng sách này tượng trưng cho một thời kỳ khi mà thông tin là thứ thực sự khó tiếp cận. Sẽ có những người nhớ nhung cảm giác bị thiếu thốn thông tin, nỗi khó khăn trong hành trình khám phá và niềm hân hoan khi nắm được tri thức qua gian truân”.
Donnenfeld không đồng tình với ý kiến trên. Chiếc điện thoại thông minh là một công cụ thiết yếu với ông, những phần mềm ứng dụng có thể thay thế la bàn, bản đồ, và thậm chí còn giải mã được. Trước câu hỏi rằng liệu có phải là gian lận không khi sử dụng sự trợ giúp của thiết bị, Donnenfeld trả lời: “Ứng dụng không thể nhận ra được đâu là mật mã. Điều đó vẫn tùy thuộc ở con người. Ứng dụng chỉ có thể giải mã thôi’.
Đồng thời, Donnenfeld cũng nhấn mạnh rằng sự tương tác với con cái mới là điều thu hút ông khi giải đố sách tranh chứ không phải tiền thưởng: “Tôi muốn tìm kho báu Xavier, nhưng thực ra khi nhìn lũ trẻ tìm manh mối ẩn trong tác phẩm, hoặc bất chợt nghĩ ra một cách độc đáo để giải quyết vấn đề thì đó mới là trải nghiệm tuyệt vời hơn. Sách tranh giải đố dạy bọn trẻ tính sáng tạo, khả năng động não tư duy và làm việc nhóm”.
nguồn: https://zingnews.vn/tranh-luan-ve-the-loai-sach-tranh-tim-kho-bau-post1355634.html
Có thể bạn muốn xem
10 ngày ngắm thế giới của Mắt Nhắm Tịt
Phương pháp giáo dục Reggio Emilia
Bob Dylan viết sách về âm nhạc
Top 1 Toyota
Ra mắt nhiều ấn phẩm đặc biệt kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài
Quy Tắc Của Google
Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương 2 – Một Sài Gòn quen mà lạ
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: “Cứ đi rồi sẽ thành đường”
Nếu biết trăm năm là hữu hạn