Với Trôi (NXB Trẻ), nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trình diễn kỹ thuật viết văn ngày càng điêu luyện của mình. Có một điều dễ nhận thấy ở văn chương Nguyễn Ngọc Tư sau này, chính là sự làm mờ ranh giới giữa các thể loại, cụ thể là truyện ngắn và tạp bút, vốn được xem là sở trường của chị.

"Trôi" và những cuộc đời chìm nổi

Trong tạp bút của Nguyễn Ngọc Tư, thấp thoáng sức nặng của truyện ngắn, và ngược lại ở truyện ngắn, người đọc lại được miên man theo những con chữ, cảm xúc của tạp bút. Điều này được thể hiện rõ nhất trong tác phẩm vừa ra mắt.

Ở trang bìa của Trôi không định dạng thể loại. 13 mảnh ghép trong tác phẩm đủ sức lôi cuốn và hấp dẫn, để bạn đọc được đắm chìm trong không gian sáng tạo mà nhà văn tạo ra. Trong một truyện ngắn có tên là Đất trước đây, Nguyễn Ngọc Tư từng viết, đại ý, không có đất mình chẳng là gì hết, như một ẩn dụ cho một sở hữu khi đất mang đến cho người ta một gia sản, một cuộc đời an ổn. Nhưng đến Trôi, đất trong ý niệm của Nguyễn Ngọc Tư đã không còn đứng yên một chỗ. Một nhân vật trong Khởi đầu của gió đã thảng thốt: “Tao quên đất đi”.

Những con người trong truyện cũng mang thân phận như vậy. Họ có một cuộc đời bất định, dịch chuyển qua những không gian và thời gian khác nhau. Dường như họ đang mang trên mình một định mệnh: sinh ra để trôi. Họ nổi trôi, nhưng mắc kẹt lại đâu đó, cùng lúc. Họ tháo nhưng cũng là buộc. Họ tìm kiếm tự do, buông mình khỏi những nơi chốn, khỏi hiện thực nghiệt ngã, khỏi những vui buồn, nhưng làm sao mà thoát khỏi vòng vây của chân trời.

Nguyễn Ngọc Tư viết: “Con người ở xứ này giống như cái biền dừa nước dày rợp ven sông, bởi một vài bụi dừa con ở đâu trôi lại, bắt rễ sinh sôi, mà thành rặng. Rồi tàu sắt cày sông làm nên bao sóng, khiến đất lở đem theo mớ cây tới những nơi chốn khác. Mọi thứ trên đất này, kiểu gì rồi cũng đi…” (Khởi đầu của gió).

Ngoài những con người “sinh ra để trôi”, Nguyễn Ngọc Tư còn mang đến những câu chuyện mang màu sắc phi lý, kỳ dị. Là Tường trong truyện Mơ người, vướng vào vòng lao lý chỉ vì sở thích đêm đêm đột nhập vào nhà người ta, “ngó tận mặt kẻ đang say ngủ”. Là ông già trong truyện Đong đưa trong kén, đã sống những năm tháng cuối đời gần như trên võng. Hay cặp vợ chồng trong Lửa nguội giữa trời, cùng nhóm bếp trên máy bay gây sự cố hàng không đầy khó hiểu…

Quyết liệt khước từ lối kể chuyện thông thường, văn chương của Nguyễn Ngọc Tư về sau sử dụng nhiều ẩn dụ, ngôn từ được trau chuốt, cô nén. Việc tìm kiếm, nhận diện một câu chuyện khi đó trở thành hành trình của riêng độc giả. Dưới bề mặt của chữ, độc giả nghe ra tiếng khóc cười, nghe ra những tiếng thở dài, những buồn vui của các nhân vật. Và rõ ràng, đây là điều mà không phải ai cũng làm được!

nguồn:https://www.sggp.org.vn/troi-va-nhung-cuoc-doi-chim-noi-post716714.html