Trong bài viết “Đi tìm người Việt qua chữ Việt” tôi có nói rằng từ lâu ở nước ta tồn tại một suy nghĩ rằng chữ Việt 越 vốn có nghĩa không mấy tốt lành, nếu không nói là có ý khinh miệt thông qua cách hình thành con chữ. Người ta thường nghĩ rằng chữ Việt là một chữ hội ý, gồm hai chữ Tẩu 走 là chạy và Tuất 戌 là con chó, suy nghĩ này đến từ bức thư hẹn hò của Sở Khanh gởi cho Kiều được Nguyễn Du diễn tả qua bốn câu thơ, trong đó quan trọng nhất là hai chữ Tích Việt昔 越, bởi vì lá thư chỉ có hai chữ đó mà thôi.
Mở xem một bức tiên mai
Rành rành “Tích Việt昔 越” có hai chữ đề
Lấy trong ý tứ mà suy
Ngày hai mươi mốt tuất 戌 thì phải chăng.
Có thể nói đây là bức thư hò hẹn sớm và ngắn nhất ở nước ta được nhiều người biết đến, không những thế, nó còn định hướng cho nhiều người nghĩ rằng cái tên Việt越chỉ con người và đất nước của chúng ta có nghĩa như đã nói trên. Cho đến nay ta chưa có bất cứ một thủ bút nào của cụ Tố Như về truyện Kiều, tất cả các bản đều do người đời sau sao chép lại, tất nhiên là mỗi bản có một số chữ khác biệt nhất định nhưng hai chữ Tích Việt 昔 越 thì dường như không có sự sai biệt; đồng thời từ bốn câu thơ, trong đó câu cuối giải thích hai chữ Tích Việt 昔 越 mà Kiều đã ngầm hiểu là ngày hai mươi mốt giờ tuất thì sẽ leo tường ra gặp Sở Khanh đã hình thành nên cách hiểu chữ Việt越như đã nói trên. Cách hiểu ấy đã trở thành cố hữu, ngay cả những người có học chuyên về văn hóa cũng sử dụng nó một cách vô tư như tôi đã nêu ra trong bài “Đi tìm người Việt qua chữ Việt”. Theo tôi thật ra các vị đó cũng chẳng phải là người đưa ra cách hiểu đó, mà nó đến từ những giải thích của sách vở của những người đời sau giải thích Truyện Kiều của nước ta, có lẽ từ cuốn Kim Vân Kiều Truyện in bằng chữ quốc ngữ lần đầu tiên của Trương Vĩnh Ký, từ đó họ cứ lập đi lập lại như một quán tính mà thôi. Tất nhiên nếu nghiêm túc mà nói thì không thể không đặt câu hỏi về những phát biểu của những vị khoa bảng đó, vì chữ Việt 越 hiện diện trong ngữ cảnh nói trên đã trải qua mấy trăm năm rồi, bên cạnh đó tự điển vốn cũng được thiết lập từ cả ngàn năm, sao không thấy ai thắc mắc, bởi vì trong kết cấu chữ Việt 越 làm gì có chữ Tuất 戌.
Về hai chữ “tích việt- 昔 越” trong bản Nôm.
Các bản Kiều viết tay và mộc bản 1866, Liễu Văn Đường (1871), Duy Minh Thị (1872), bản 1902 – Kiều Oánh Mậu đều viết “tích việt 昔 越”.
Như thế, dù không có thủ bút của Nguyễn Du nhưng chắc chắn cụ cũng viết hai chữ “tích việt 昔 越” như các bản Nôm cho thấy, bởi vì chính trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân cũng viết hai chữ đó giống như thông tin mà cụ Nguyễn đã chuyển thành thơ Nôm.
次日,啞童兒又來汲水。翠翹走近前問信道:「可有回書嗎?」那啞童几點頭相應,取出一條素紙封兒,遞與翠翹。翠翹接了,便轉身上樓拆開,上有「昔越」二字。不解其意,仔細沉吟,幾番費解。忽然有悟道:「是了,是了,他約我二十一日戌時越牆相見。
Ngày hôm sau, đưa bé câm lại đến lấy nước. Thúy Kiều chạy đến trước mặt hỏi: Có thư trả lời không? Đứa bé câm gật đầu ý là có, rồi lấy ra một phong thư đưa cho Thúy Kiều, Thúy Kiều nhận được thư vội vã lên lầu mở xem, trong thư chỉ có hai chữ “tích việt”. Không hiểu ý (Sở Khanh) nói gì, trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu chợt ngộ ra rằng: Là vầy, là vầy, chàng hẹn mình ngày 21 giờ tuất leo tường ra ngoài sẽ gặp.
Về giải thích hai chữ “tích việt 昔 越” của một số sách vở Truyện Kiều viết bằng quốc:
Hai chữ “tích việt 昔 越” trong ngữ cảnh trên được các nhà chú giải Truyện Kiều giải thích như sau:
Tích việt. Xé hai chữ ra mà cắt nghĩa là đến ngày hai mươi mốt giờ tuất thì trốn.
Poème Kim Vân Kiều Truyện. Trương Vĩnh Ký. Bản in nhà nước, Sài Gòn, 1875 Trang 58
Thư Sở Khanh trả lời chỉ có hai chữ Tích Việt; phân tích chữ Tích này ra thì có ba chữ: chấp – nhất – nhật. Ngày hai mốt. Chữ Việt có hai chữ: tuất – giờ tuất, tẩu – chạy. Họp lại thành năm chữ: chấp-nhất-nhật-tuất-tẩu. Tức là Sở Khanh hẹn ngầm với Kiều đến giờ tuất (trước nửa đêm) thì hắn mang Kiều đi trốn. Kim Vân Kiều – Giảo đính – Tường giải. Hương Ngạn Đào Tử – Đàm Duy tạo. XB 2012. trang 177.
Như vậy có không ít cuốn Truyện Kiều đều chú giải hai chữ “tích việt 昔 越” giống nhau.
Chiết tự chữ Việt 越.
Chữ Việt 越 gồm hai chữ: Tẩu 走, có nghĩa là chạy và Việt 戉 là cái búa.
Chữ Việt 越 trong văn cảnh nói trên.
Cả hai văn cảnh có chữ Việt nói trên đều không hề có bất cứ một ghi nhận nào về chuyện chiết tự chữ Việt 越, trong đó có chữ Tuất 戌 cả. Cụ thể Kim Vân Kiều truyện viết:
上有「昔越」二字。不解其意,仔細沉吟,幾番費解。忽然有悟道:「是了,是了,他約我二十一日戌時越牆相見。
Trong thư chỉ có hai chữ “tích việt”. Không hiểu ý (Sở Khanh) nói gì, trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu chợt ngộ ra rằng: Là vầy, là vầy, chàng hẹn mình ngày 21 giờ tuất leo tường ra ngoài sẽ gặp.
Cụ Nguyễn Du diễn tả lại bằng thơ Nôm hoàn toàn đúng tinh thần của Thanh Tâm Tài Nhân.
Mở xem một bức tiên mai
Rành rành “Tích Việt昔 越” có hai chữ đề
Lấy trong ý tứ mà suy
Ngày hai mươi mốt tuất 戌thì phải chăng.
Như vậy cái giờ Tuất là do Kiều suy đoán từ việc chiết tự, từ đó gợi ý cho Kiều duy diễn ra ý Sở Khanh là như vậy, chứ Kiều đâu nói trong chữ Việt 越 có chữ Tuất 戌 đâu. Chính Thanh Tâm Tài Nhân và cụ Nguyễn đã cho thấy ý nghĩ Kiều lúc ấy:
不解其意,仔細沉吟,幾番費解。忽然有悟道: 是了,是了…
Lấy trong ý tứ mà suy.
Rõ ràng sau khi nhận thư với hai chữ “Tích Việt 昔 越”, Kiều đã suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng mới đoán ra được cái kết quả ấy.
Kiều đã suy ra chữ Tuất như thế nào?
Đáng ra bài này đến đến là kết rồi, nhưng nhận thấy cần phải giải thích cho cái “suy ra” chữ Tuất của Thúy Kiều, dĩ nhiên cũng đoán thôi. Như ta biết Kiều là nhân vật do Thanh Tâm Tài Nhân nặn ra thì việc Kiều hiểu chữ Tuất trong hoàn cảnh ấy như thế nào là do tác giả quyết định, làm như thế để chứng minh rằng: Một là chứng tỏ Kiều thông minh cở nào, hai là làm cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn, nhưng để suy ra chữ Tuất trong hai chữ “tích việt” cũng phải có cái lý của nó. Vậy đâu là cái lý của Thanh Tâm tài Nhân.
Chữ Tích 昔 gồm chữ Trấp 廿 là hai mươi, Nhất 一là một, Nhật 日 là ngày, cứ theo lối chiết tự thì xem ra chẳng có gì khó hiểu cả, còn chữ Việt gồm chữ Tẩu 走 là chạy, Việt 戉 là cái búa, vậy làm sao Kiều hiểu đó là giờ Tuất 戌. Ý nghĩ của Kiều lúc đó có thể là như thế này: Đã có ngày rồi nhưng một ngày từ sáng tới tối thì biết lúc nào mà Tẩu 走, xem trong các chữ đã chiết tự ra chỉ còn mỗi chữ Việt 戉 là chứa đựng gợi ý này. Kiều là người thông minh tất phải biết tính giờ bằng hệ can chi, trong 12 chi chẳng có giờ nào là giờ Việt 戉 cả, chỉ duy nhất chữ Tuất 戌 là có tự dạng hơi giống với chữ Việt 戉, mà đã có ngày hẹn thì nhất định phải có giờ, như vậy nhất định giờ đó là giờ Tuất tức 7-9 giờ đêm, không thể có giờ nào khác, bởi vì trốn ra ngoài thì chỉ có ban đêm chứ ban ngày làm sao trốn được, có thể đó là cách mà Thúy Kiều đã suy ra chữ Tuất 戌. Tuy nhiên theo tôi có thể nguyên trước Thanh Tâm Tài Nhân không viết hai chữ “tích việt -昔 越 ” này, mà là hai chữ khác, đó là踖戉 cũng có âm là tích việt.
Vì sao tôi cho là như vậy? Bởi vì Thanh Tâm Tài Nhân là người hay chữ, nhất định ông biết chữ Tích 踖 có nghĩa là vượt qua, nó cũng hội đủ ý ngày hai mươi mốt; đồng thời chữ 踖 đồng âm, đồng tự dạng với chữ Tích 跡 nghĩa là dấu vết, còn chữ Việt 戉 được dùng như chữ Mậu 戊, vị thứ năm trong mười thiên can. Người xưa thường nói “Tuất 戌 hạt đậu, Mậu 戊 không chi”. Như thế dễ suy ra chữ Mậu 戊 có dấu vết 跡 tức chữ Tuất 戌; đồng thời giờ thì chỉ có giờ Mậu Tuất chứ không bao giờ có Mậu Dậu hay Mậu Hợi, như vậy về mặt tư duy hợp lý căn cứ vào con chữ phù hợp hơn. Tất nhiên đây chỉ là suy nghĩ của riêng tôi mà thôi, chứ như đã nói trên, Kiều là của Thanh Tâm Tài Nhân thì ông muốn nàng thông minh, sắc sảo như thế nào là quyền của ông thôi.
Kết.
Với tất cả những gì đã trình bày trên cho thấy rằng chuyện Kiều cho rằng Sở Khanh hẹn nàng giờ Tuất 戌 là sự tưởng tượng của Thúy Kiều từ chữ Việt 戉. Xưa Thúy Kiều đã tưởng tượng từ chữ Việt 戉 ra chữ Tuất 戌, nay có người lại tưởng tượng ra chữ Việt 越 với kết cấu chữ Tẩu 走 và chữ Tuất 戌, đó là ta tự bôi nhọ mình đấy thôi. Thế mà giải thích này đã được nhiều người giảng dạy trải qua biết bao thế hệ, làm cho biết bao tâm hồn non trẻ, trong thầm lặng, cảm thấy mặc cảm tự ti về dân tộc mình, ngay cả các vị khoa bảng còn sử dụng vô tư, lại còn viết lên sách vở nữa thì đủ biết cái sức nặng tuyên truyền của kẻ lạ đã ảnh hưởng một cách vô thức mạnh đến chừng nào. Theo tôi đã đến lúc cần loại bỏ cái chú giải đó đi trong các sách chủ giải Truyện Kiều, hãy trả lại sự mộng mơ cho Kiều, đừng bắt nàng phải chịu trách nhiệm cái mà nàng chưa từng nói ra./.
Viên Như
Đà Lạt, Trọng đông – Mậu Tuất.
nguồn: nghiencuulichsu.com
Có thể bạn muốn xem
Chiến tranh Biên giới Tây Nam: Những dòng nước mắt đã chảy giữa hai hàng vệ binh
Con trai của Gấu
103 câu chuyện sau những tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đến thượng đế cũng phải đồng ý
Phương pháp phỏng vấn sâu trong nghiên cứu nhân học
Triết Lý Quản Trị Park Hang Seo
Thần với chả thoại
Tài chính cho mọi người
Của cải của các quốc gia và lí thuyết về cảm nhận đạo đức rút gọn