Tập bút ký điền dã của nhà thơ, nhà báo Paul Christiansen là sự đan cài giữa óc quan sát tinh tế, chuyên sâu về cảnh quan, nghi lễ và lịch sử của người dân TP.HCM.
“Trong khi tản bộ xuống đường Nguyễn Đình Chiểu, tôi chợt thấy một thác chò đổ tuôn sau cơn gió hè. Những quả khô bay vòng vèo xuống rồi đáp bất lực trên nền bê tông. Vô phương bám rễ, những đôi cánh xụi lơ, giống như vây cá voi sát thủ yếu quặt vì bị giam cầm. Có một thứ gì đó trong tôi cũng tả tơi như thế”, Paul Christiansen viết như vậy trong cuốn sách mới ra mắt của mình.
Hơn 6 năm sống tại Việt Nam, Paul Christiansen luôn giữ thói quen đi bộ qua các tuyến phố, quan sát và lắng nghe cảnh vật, âm thanh của mảnh đất hình chữ S này. Những rung cảm và tình yêu Việt Nam trong anh cứ thế nhen nhóm dần, thôi thúc anh viết nên tập bút ký Dưới tán chò nâu Sài Gòn.
Bức thư tình dành cho Việt Nam
Quan sát những phong tục, lề thói của người dân Việt Nam, đặc biệt là ở mảnh đất Sài thành, Paul Christiansen cho rằng nơi đây có nhiều cảnh quan, nghi lễ mà chính người bản địa đôi khi thiếu quan tâm.
Với óc quan sát tinh tế của một nhà thơ và góc nhìn chuyên sâu của một nhà báo, nhà nghiên cứu, anh thực hiện tuyển tập với 8 phần xoay quanh những điều tưởng chừng bình dị, gần gũi, nhưng lại mang nét đẹp văn hóa tinh tế.
Đó có thể là một cây chò nâu, tiệm tạp hóa, lọ lục bình, hoặc cũng có thể là phong tục thờ cá Ông, đồn điền cao su hay nghề nấu rượu… Tất cả hình ảnh, công việc đó đều được ghi chép lại bằng ngòi bút của một người ngoại quốc.
Tập bút ký như một bức thư tình Paul muốn gửi đến mảnh đất Việt Nam, nơi anh đã coi là quê hương thứ hai của mình. Lời lẽ trong trang viết của anh đẹp một cách thơ mộng nhưng cũng mạch lạc, khúc chiết, pha lẫn sự dí dỏm, hài hước.
Vốn là thi sĩ yêu thiên nhiên và thơ ca, trong tập sách này, độc giả có thể thấy Paul đặc biệt quan tâm đến những chi tiết nhỏ tạo nên nét đẹp đáng nhớ của mảnh đất hình chữ S.
Tác giả như tìm thấy cảm hứng mỗi khi đi dạo dưới bóng cây râm mát của sở thú, trăn trở về cá voi ngoài đại dương lẫn những con thú bị nhốt trong chuồng. Cũng có lúc, anh lại thích thú ngắm nhìn lục bình trôi và những quả chò nâu xoay vòng trong cơn gió nhẹ.
Lăng kính của cái đẹp
Ởhai bài viết đầu tiên (Sở thú Sài Gòn và Tạp hóa và cửa hàng tiện lợi), nhà thơ người Mỹ đưa độc giả tái khám phá những địa điểm quen thuộc dưới một lăng kính mới. Trong mắt một người ngoại quốc như anh, ngay cả những dây dầu gội, sữa tắm treo trước các tiệm tạp hóa cũng là một điều còn lạ lẫm. Anh ví nó như “rêu mọc trên cây hay những tấm màn bằng xâu chuỗi để che hậu cảnh”.
Nhưng Paul Christiansen không chỉ khám phá Việt Nam qua cảnh quan. Những bài viết tiếp theo (Nghề nấu rượu, Tục thờ cá Ông, Đồn điền cao su Việt Nam…), anh đi sâu khai thác sinh hoạt, văn hóa, phong tục tập quán.
Chẳng hạn, phần Nghề nấu rượu xoay quanh món rượu gạo truyền thống của Việt Nam và những thăng trầm mà người làm rượu theo cách thủ công phải trải qua trong suốt lịch sử.
Tục thờ cá Ông viết về tín ngưỡng thờ cúng cá voi ở các làng chài Việt Nam, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, qua đó nói lên nỗi băn khoăn của tác giả trước thực trạng loài cá này đang dần tuyệt chủng.
Dịch giả cho biết khi chuyển ngữ tập bút ký của tác giả người Mỹ này, bà phải “nỗ lực Việt hóa tác phẩm sao cho không còn là văn dịch, đồng thời đảm bảo trung thực ý nghĩa từng câu chữ so với bản gốc”. Bên cạnh đó, thách thức đặt ra là phải làm thế nào để giữ được giọng văn giàu chất thơ ở nhiều ngữ cảnh.
“Paul Christiansen thích đi bộ để thấy và nghe. Anh lắng nghe tâm tình của động vật và cây cỏ trong Thảo Cầm Viên, ngồi ngắm lục bình trôi trên sông Sài Gòn, mua nhu yếu phẩm từ tiệm tạp hóa góc phố, uống rượu gạo với dân làng chài, thắp nhang vái lạy trước bàn thờ cá Ông làng Phước Hải, băn khoăn về những dòng máu trắng chảy trong rừng cao su thời thuộc địa, day dứt với từng viên thạch anh trưng bày ở Bảo tàng Địa chất, ngắm nhìn cánh chò xoay xoay trong gió…”, dịch giả chia sẻ.
Dưới tán chò nâu Sài Gòn là tập bút ký dành cho người yêu TP.HCM, yêu Việt Nam và cả những người muốn đặt chân đến để khám phá thành phố và mảnh đất này.
Nhà thơ Paul Christiansen (1986) tốt nghiệp cử nhân Đại học St. Olaf và là thạc sĩ nghệ thuật Đại học Quốc tế Florida (Mỹ).
Nhận học bổng chương trình Fulbright, anh sang Quy Nhơn năm 2015 rồi sau đó chuyển hẳn đến Việt Nam làm việc. Anh hiện là giám đốc nội dung của chuyên trang đời sống online Saigoneer và đang chuyển ngữ một số tác phẩm văn học Việt Nam để giới thiệu tới bạn bè quốc tế.
Thơ của Paul Christiansen đã xuất hiện trên các tạp chí văn học nghệ thuật uy tín và đoạt hai giải thưởng thi ca của Viện Hàn Lâm thi ca Mỹ.
Có thể bạn muốn xem
Đi Như Tờ Giấy Trắng
Đặc tính cây cà phê
Thiên phóng sự ám ảnh về những phận người từ “hành trình tử thần”
Quản lý hiệu quả tài sản công
120 ngày – Mây thì thầm với gió
Tìm về những danh tác quý hiếm
Những xu hướng đọc của Gen Z
Mặt trái của công nghệ
Trên Cây Cầu Đổ Nát