Chiều 2/6, Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Nâng cao chất lượng xây dựng giáo trình đào tạo ngành xuất bản”.

Tại cuộc họp, các nhà khoa học, giảng viên và đại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cùng một số đơn vị xuất bản đã đưa ra những đề xuất, góp ý cho đề cương chi tiết của 3 môn học: Cơ sở lý luận xuất bản, Quản lý nhà nước về xuất bản và Biên tập ngôn ngữ văn bản, nhằm hoàn thiện để biên soạn, xuất bản giáo trình vào năm 2023.

Theo PGS.TS Lương Khắc Hiếu – nguyên quyền Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền – đối với môn học Cơ sở lý luận xuất bản, khái niệm xuất bản phải được tiếp cận ở hai góc độ: Hoạt động và quá trình. Tức là, xuất bản vừa là một hoạt động có chủ thể và đối tượng mà nó hướng tới; vừa là một quá trình.

Các đại biểu, khách mời tham dự cuộc hội thảo. Ảnh: Lê Vượng.

GS.TS Đinh Xuân Dũng – nguyên Phó chủ tịch phụ trách Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, nguyên Vụ trưởng Vụ Xuất bản, Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) – cho rằng trong giáo trình mà Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đang thực hiện, cần nói rõ vai trò của xuất bản và đặc trưng của nền xuất bản trong nước.

“Chúng ta phải hiểu rằng giáo trình này không chỉ phục vụ sinh viên, giáo viên khoa xuất bản của các trường đại học, mà còn là công cụ cần thiết cho toàn ngành xuất bản. Do đó, cần nêu rõ tính chất, vai trò, mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ… của ngành thông qua các thuật ngữ cơ bản, cố định và chuẩn xác nhất”, GS.TS Đinh Xuân Dũng nói.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Bảo – Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) – chia sẻ nhân lực cho ngành xuất bản hiện nay bên cạnh chuyên môn, cần bồi dưỡng thêm về mặt ngoại ngữ và công nghệ thông tin.

Ông Bảo cho hay trong nhiều năm qua, với sự chuyển đổi, phát triển của hoạt động xuất bản, các cơ sở đã chủ động đổi mới chương trình đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, góp phần vào sự phát triển của toàn ngành.

Tuy nhiên, việc gắn kết giữa các cơ sở chưa có sự đồng bộ để theo kịp sự phát triển của hoạt động xuất bản trong xu thế hội nhập và công nghệ số.

Theo Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, giáo trình môn học Quản lý nhà nước về xuất bản cần bổ sung phần đảm bảo quyền phổ biến tác phẩm dưới hình thức xuất bản phẩm thông qua nhà xuất bản và bảo hộ quyền tác giả và các quyền liên quan.

Quang cảnh cuộc hội thảo chiều 2/6. Ảnh: Lê Vượng.

Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Thị Quyên – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Văn hóa Hà Nội – cho rằng Cơ sở lý luận xuất bản là môn học quan trọng, cung cấp kiến thức nền tảng của ngành xuất bản.

“Môn học này và Quản lý nhà nước về xuất bản đều có hàm lượng kiến thức rộng, nên rất cần sự nghiên cứu mối quan hệ giữa các khâu với nhau, cụ thể là mối quan hệ của xuất bản với các hoạt động xã hội”, PGS.TS Đỗ Thị Quyên đề xuất.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Chí Đạt – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông – cũng cho rằng Cơ sở lý luận xuất bản là môn quan trọng, giúp người đọc khai mở thông tin, kiến thức về ngành xuất bản. Trong khi đó, môn Quản lý nhà nước về xuất bản cần đề cập đến công cụ quản lý cả về mặt pháp lý lẫn nền tảng kỹ thuật.

TS Vũ Thùy Dương – Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền – thông tin để 3 giáo trình này hoàn thiện và ra mắt vào năm 2023, đội ngũ tác giả, biên soạn cần đặt hàng các chuyên gia trong ngành bởi đây là những môn học đóng vai trò nền tảng cốt lõi.

nguồn: https://zingnews.vn/xay-dung-giao-trinh-dao-tao-nganh-xuat-ban-post1323012.html