Kabul, thủ đô Afghanistan, là nơi trẻ em lớn lên mỗi ngày cùng tiếng bom đạn; là trung tâm của những vụ bạo lực đẫm máu. Nhưng cũng ở phía Tây Kabul, chiếc xe buýt màu xanh là niềm vui, niềm hy vọng cho những thế hệ nhỏ tuổi của thủ đô. Trên xe buýt, không có gì ngoài sách.
“Các em thân mến, đây là thư viện di động. Chúng tôi có rất nhiều sách truyện cho các em”, Freshta Karim – nữ sáng lập của Charmaghz, vui vẻ nói với bọn trẻ.
Charmaghz, cũng nghĩa là quả óc chó trong tiếng Dari (một trong những ngôn ngữ sử dụng ở Afghanistan). Một sự cộng hưởng đặc biệt vì nó cũng có nghĩa là trí tuệ trong văn hóa địa phương. “Nó tương đương như logic vậy. Chúng tôi đang cố gắng thúc đẩy tư duy sắc bén. Chúng tôi muốn các em có những ý kiến của riêng mình và chia sẻ chúng, cũng như tranh luận và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của người khác”, bà Karim giải thích. 
Bà Freshta Karim đọc sách cho những đứa trẻ ở Kabul, Afghanistan trên xe buýt
Gần 17 năm sau sự thất thế của chính quyền Taliban. Liên hiệp quốc cho biết chỉ có 31% người Afghanistan biết chữ. Tỷ lệ này ở phụ nữ chỉ khoảng 17%. Ước tính có 3,5 triệu trẻ em Afghanistan chưa từng đi học và 75% trong số đó là các bé gái. Bà Karim đã từng nhận học bổng Chevening nhằm phát triển các nhà lãnh đạo thế giới, trở về từ Anh sau khi có bằng thạc sĩ và muốn giúp thay đổi những số liệu thống kê ấy.
Thư viện di động hiện có 500 cuốn sách bằng tiếng Dari và Pashto và cả tiếng Anh. Đây mới chỉ là một phần trong các hoạt động của Charmaghz, được hỗ trợ bởi bạn bè và những khoản quyên góp tư nhân. “Tôi luôn muốn làm việc với trẻ em và đã quen với việc tổ chức các sự kiện, các hoạt động cho trẻ em trong khu phố của tôi trước khi tôi đi học cao hơn”, bà Karim nói với The National. Theo bà Karim, thư viện di động chỉ là dự án đầu tiên. Ý tưởng về Charmaghz lớn hơn nhiều so với thư viện này. “Ý tưởng ở đây là khuyến khích trẻ em Afghanistan đọc sách. Qua nhiều năm chìm trong xung đột, trẻ em ở đây thường không được tiếp cận với sách và các tác phẩm văn học”, Mohammad Shahir, tình nguyện viên 23 tuổi, nói. Anh nhớ lại thời thơ ấu của mình, nhiều năm sống trong thời chiến và rất thèm có sách.
“Đối với những đứa trẻ chưa biết đọc biết viết, hoặc có những người lớn tuổi không biết chữ, chúng tôi tổ chức những buổi đọc sách, truyện và sau đó cùng họ thảo luận về những câu chuyện vừa nghe”, Karim giải thích. Xe buýt này đã được thuê từ Bộ Giao thông vận tải. Tuy Charmaghz chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía chính phủ, nhưng theo bà Karim, việc chính phủ cho phép triển khai một ý tưởng như vậy đã là một đóng góp rất có giá trị. “Thường rất khó thuyết phục ai đó về những ý tưởng mới, nhưng họ đã tin tưởng chúng tôi và chúng tôi rất biết ơn điều đó”, bà nói.
Giờ làm việc trong ngày của Charmaghz bắt đầu sau giờ cao điểm buổi sáng. Mỗi ngày, xe buýt ghé 2-3 địa điểm. “Chúng tôi đậu xe buýt phía bên trong đường và giữa các cộng đồng, tránh những nơi đông người có thể là những mục tiêu khủng bố”. Trẻ em luôn háo hức đứng chờ xe sách. Tại mỗi điểm, xe ở lại khoảng 2 tiếng đồng hồ để khuyến khích sự tham gia của mọi người. “Ngoài sách, chúng tôi còn có các trò chơi để bàn như cờ vua. Chúng tôi cũng có tiết mục đọc thơ, cũng như những bài hát về đất nước và văn hóa của chúng tôi”.
Ở đầu kia của xe buýt, 10 đến 12 đứa trẻ đang ngồi trên sàn trải thảm của chiếc xe, đúng theo phong cách của Afghanistan, lắng nghe một tình nguyện viên khác đọc chuyện. Ở góc khác dành riêng cho đọc sách, cô bé Zahra 10 tuổi nói về câu chuyện yêu thích của mình. Em kể là rất thích đọc sách nhưng lại không có nhiều sách. “Cháu thực sự rất thích đọc quyển Badhsha-e-Tokham, nói về một vị vua và hiệp sĩ của mình. Câu chuyện dạy bạn luôn nói sự thật”, bé nói. Cũng nhờ thư viện di động, bé Zahra đọc được truyện rồi về kể lại cho 5 anh chị em ở nhà. Không dừng lại ở đó, Zahra gửi bà Karim 3 cuốn sách em mang đến từ nhà, bởi “cháu đã đọc chúng rồi. Đã đến lúc để người khác thưởng thức chúng”.
VŨ KHOA/SGGPO