Ra mắt vào cuối năm 2017, tập sách 1987 do nhóm tác giả sinh năm 1987 thực hiện đã làm ‘rung rinh’ độc giả trẻ với con số xuất bản ấn tượng trong thời gian ngắn.
Với 8000 bản sách đã được “tẩu tán” hết sau 3 lần in, chỉ trong vòng một tháng, chủ biên của tập sách này – tác giả Nick M (Minh Ngọc) đã quyết định thực hiện phần 2 của 1987 mang tên 1987+: 30 chưa phải là Tết, quy tụ nhóm tác giả mới hoàn toàn, trong đó có cả những nhân vật sinh năm 1988 – những người vừa bước qua cột mốc tuổi 30 trong năm 2018 này.
Khác với hành trình thời gian 30 năm của cuốn đầu, 1987+: 30 chưa phải là Tết sẽ là những câu chuyện về tuổi 30, những suy tư, trăn trở khi đã “tam thập nhi lập”.
Trải qua 30 năm, cuộc đời đã quật ngã họ nhiều lần, theo cách này hay cách khác. Nhưng tất cả đều đứng lên, làm chủ chính mình.
Trước tuổi 30, họ dành tất cả thời gian để khám phá thế giới. Khi bước sang tuổi 30, vùng đất mà họ muốn khai phá nhất chính là bản thân mình.
Chủ biên của sách, tác giả Nick M chia sẻ: “Cuốn sách thứ nhất ra đời nhận được sự đón nhận vượt mong đợi của chúng tôi. Nên 1987+ lần này tôi phải dồn hết tâm sức làm trong vòng một tháng, để sách có thể kịp ra mắt trước dịp Tết Nguyên Đán năm nay.
So với màu sắc trong trẻo, ngây thơ và nhiều hoài niệm của 1987, cuốn sách lần này tiệm cận đến vấn đề xung đột thế hệ.
Có lẽ họ sẽ là một trong vài thế hệ cuối cùng trước khi xã hội Việt Nam đánh dấu một giai đoạn là kết quả sinh ra hoàn toàn trong phạm vi ảnh hưởng của toàn cầu hóa.
Nên ở những trang viết này, có sự bâng khuâng man mác, sự ngập ngừng về một đổi thay nền tảng mà công nghệ, thông tin và sự chuyển dịch nơi sinh sống đang cuốn phăng mọi người theo”.
15 câu chuyện được các tác giả đích danh – không ẩn danh như trong 1987 nữa, lần lượt trả lời cho những câu hỏi muôn thuở dành cho thế hệ và độ tuổi của họ, như: Bao giờ cưới? Bao giờ cho ăn kẹo? Bao giờ mua nhà? Bao giờ mua xe? Lương tháng bao nhiêu? Thưởng Tết cao không? Bao giờ sinh đứa nữa? Bao giờ cho con đi học lớp 1? sẽ giúp người đọc có những cái nhìn thú vị về suy nghĩ, nhân sinh quan của thế hệ vừa chớm U30 này.
1987+: 30 chưa phải là Tết ngoài những nhân vật tham gia được chọn lựa trong các lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, khoa học, báo chí, du lịch còn có sự tham gia của họa sĩ Đặng Hồng Quân – người vừa ra mắt hai cuốn sách về ẩm thực Lê la quà vặt và Ăn quà xuyên Việt cùng nhà văn Trương Quý.
Sinh năm 1988 nhưng học sớm một năm cùng thế hệ 1987, Đặng Hồng Quân cũng bước sang tuổi 30 trong năm 2018.
Anh tâm sự: “Với cá nhân tôi, tuổi 30 là một dấu mốc đặc biệt – không còn khờ dại nhưng chắc chắn chưa trở nên khôn ngoan hơn so với ai cả, tất cả chỉ vừa đủ để đi đến đâu cũng có thể kết bạn và ngồi xuống ăn uống bên nhau không suy nghĩ gì.
Mơ ước của tôi là đến thêm nhiều vùng trên đất nước mình, kết thêm nhiều người bạn, được lê la quà vặt cùng ăn quà xuyên Việt thêm nhiều lần nữa”. Anh sẽ đảm nhận vai trò vẽ chân dung của 15 nhân vật tham gia trong tập sách lần này.
theo Minh Trang/TTO
Có thể bạn muốn xem
Những Tù Nhân Của Địa Lý
Nợ nước non – được viết từ tình yêu thiêng liêng dành cho Bác
Bàn về chè và trà
Hiểu về Trump
Kinh Dịch: Là phúc hay là họa đều do bản thân mình
Tại Sao Tình Dục Lại Thú Vị?
Cuốn sách đầu tiên về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Giấc mơ hóa rồng
Sketchnote – Phương Pháp Ghi Chú Sáng Tạo Bằng Hình Ảnh