Chúng ta đang ở điểm khởi đầu của một cuộc cách mạng sẽ thay đổi sâu sắc cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau – “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Xét về quy mô, tầm vóc và độ phức tạp, hiện tượng được coi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này không giống bất kỳ điều gì mà nhân loại từng trải qua.
Đến nay chúng ta vẫn chưa hình dung được đầy đủ tốc độ và phạm vi của cuộc cách mạng mới này. Hãy nghĩ đến vô số khả năng cho phép hàng tỷ con người kết nối với nhau bằng thiết bị di động, tạo nên sức mạnh xử lý, năng lực lưu trữ và cơ hội tiếp cận tri thức chưa từng có. Hoặc đến sự hợp lưu đáng kinh ngạc của những đột phá gần đây về công nghệ, bao trùm nhiều lĩnh vực rộng lớn như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ robot, internet kết nối vạn vật, xe tự hành, in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và tính toán lượng tử, và còn nhiều nữa… Nhiều sáng kiến vẫn còn sơ khai, nhưng chúng đã đến bước ngoặt trong quá trình phát triển nhờ dựa vào nhau và khuếch đại lẫn nhau trong một sự giao thoa công nghệ trên cả thế giới vật chất, thế giới số, lẫn thế giới sinh học.
Nó không chỉ làm thay đổi điều chúng ta đang làm, cách làm của chúng ta, mà còn cả việc chúng ta là ai.
Cuốn sách “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” cung cấp những kiến thức cơ bản về cách mạng công nghiệp lần thứ tư – cách mạng công nghiệp lần thứ tư là gì, cuộc cách mạng này mang đến những gì, nó sẽ tác động đến chúng ta ra sao, và con người có thể làm gì để tranh thủ nó vì lợi ích chung. Cuốn sách “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” dành cho tất cả những ai quan tâm đến tương lai nhân loại và quyết tâm tranh thủ những cơ hội từ cuộc thay đổi mang tính cách mạng này để dựng xây một thế giới tốt đẹp hơn.

Ba mục tiêu chính của cuốn sách Cách mạng công nghiệp lần thứ tư:

– Nâng cao nhận thức về tính toàn diện và tốc độ của cuộc cách mạng công nghệ và tác động đa chiều của nó,
– Xác lập một khuôn khổ tư duy về cuộc cách mạng công nghệ để xác định những vấn đề cốt lõi và nêu bật những giải pháp có thể,
– Thiết lập một nền tảng có thể thúc đẩy hợp tác và quan hệ đối tác công – tư trong các vấn đề liên quan đến cách mạng công nghệ.
Trên hết, mục tiêu của cuốn sách là nhấn mạnh cách mà công nghệ và xã hội cùng tồn tại. Công nghệ không phải là một sức mạnh ngoại sinh mà ta không kiểm soát được. Chúng ta không bị giới hạn trong một lựa chọn nhị phân giữa “chấp nhận và sống chung với nó” và “chối bỏ và sống không có nó”. Thay vào đó, hãy đón nhận những đổi thay mạnh mẽ của công nghệ như một lời mời khám phá bản thân và thế giới quan của chính ta. Càng suy ngẫm về cách tranh thủ cách mạng công nghệ, chúng ta sẽ càng có cơ hội tìm hiểu thêm về chính mình và những mô hình xã hội cơ bản mà những công nghệ này góp phần cấu thành và tạo điều kiện phát triển, và chúng ta sẽ càng có cơ hội định hình cuộc cách mạng ấy nhằm xây dựng một thế giới tiến bộ hơn.

Mục lục:

1. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
1.1. Bối cảnh lịch sử
1.2. Thay đổi sâu sắc và mang tính hệ thống


2. Các động lực
2.1. Các xu hướng lớn

2.1.1. Vật chất
2.1.2. Kỹ thuật số
2.1.3. Sinh học
2.2. Điểm bùng phát

3. Tác động
3.1. Kinh tế

3.1.1. Tăng trưởng
3.1.2. Việc làm
3.1.3. Bản chất của việc làm
3.2. Doanh nghiệp
3.2.1. Kỳ vọng của người tiêu dùng
3.2.2. Cải tiến sản phẩm bằng dữ liệu
3.2.3. Đổi mới thông qua cộng tác
3.2.4. Mô hình hoạt động mới
3.3. Quốc gia và toàn cầu

3.3.1. Chính phủ
3.3.2. Quốc gia, khu vực và thành phố
3.3.3. An ninh quốc tế
3.4. Xã hội
3.4.1. Bất bình đẳng và tầng lớp trung lưu
3.4.2. Cộng đồng
3.5. Cá nhân
3.5.1. Bản sắc, đạo đức và luân lý
3.5.2. Mối liên kết giữa con người với con người
3.5.3. Quản lý thông tin công khai và riêng tư

Phụ lục: 23 chuyển dịch sâu sắc trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Tác giả: Klaus Schwab
Dịch giả: Bộ ngoại giao dịch và hiệu đính
Nhà xuất bản: NXB Chính trị – Quốc gia
Công ty phát hành: Thái Hà