Hãy nói những lời yêu thương với con trẻ bằng chính ngôn ngữ của chúng
Bậc làm cha làm mẹ nào cũng sẽ đôi lần cảm giác mình không thể giao tiếp được với con. Dù là vỗ về, bao bọc, hay là khuyên răn, kỷ luật thì cũng sẽ có lúc bạn cảm thấy khó khăn trong việc gỡ bỏ sự quấy rồi, khó chịu, hay vòi vĩnh ở trẻ. Có những phụ huynh sẽ tặc lưỡi bảo “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, nhưng cũng có những ông bố, bà mẹ không ngừng tìm hiểu để mong mình giao tiếp được với con, mong mình sẽ là người bạn đồng hành, thấu hiểu tâm tư của con trong cả chặng đường con trưởng thành.
“Đôi khi, con trẻ sử dụng những loại ngôn ngữ mà ta không sao hiểu được. Và ngược lại, khi cần nói điều gì đó với con, chúng ta thường cũng khó làm cho chúng hiểu trọn vẹn tình cảm và suy nghĩ của mình”, thực chất không phải con bạn khó bảo, mà là bạn chưa nhận diện được ngôn ngữ yêu thương của con mình để có thể giao tiếp với chúng.
“Mỗi chúng ta đều có một ngôn ngữ yêu thương chính của mình”, và trẻ em cũng không ngoại lệ. Trong cuốn sách “5 ngôn ngữ yêu thương dành cho trẻ em”, các tác giả Gary Chapman và Ross Campbell đã chia sẻ rằng, trẻ em có 5 cách biểu đạt và cảm nhận tình cảm của riêng mình, bao gồm cử chỉ âu yếm, lời động viên, thời gian chia sẻ, quà tặng, và sự tận tụy. Chẳng hạn như câu chuyện cậu bé Josh thích được dành thời gian đi đá bóng cùng cha, hay cô bé Samantha lại vô cùng yêu thích những cử chỉ âu yếm hay cái ôm đến từ mẹ, cho thấy những biểu hiện, mong muốn của trẻ tuy được biểu hiện ra bề ngoài khác nhau, nhưng về bản chất, chúng đều được gọi chung với cái tên “ngôn ngữ yêu thương”.
Mọi đứa trẻ đều cần sự quan tâm từ cha mẹ, dù cho đó là những cô, cậu bé có cá tính độc lập. Những câu hỏi liên tục được đặt ra trong quá trình nuôi nấng một đứa trẻ như “Liệu tình yêu thương vô điều kiện ấy có biến trẻ trở thành đứa trẻ hư và ỷ lại không?”, “Làm thế nào để con cái phát triển lành mạnh và không nghi ngờ về khả năng của bản thân?”, hay “Việc áp dụng kỷ luật cho con liệu có cần thiết không?” tưởng chừng như quá khó để trả lời, nhưng lại hóa đơn giản nhờ vào tác phẩm “5 ngôn ngữ yêu thương dành cho trẻ em”.
11 chương sách chứa đựng những ghi chép và nghiên cứu của các tác giả cùng những kinh nghiệm có được sau nhiều năm hoạt động trong ngành tâm lý đã biến cuốn sách trở thành cuốn cẩm nang, giúp phụ huynh nhận diện và thấu hiểu được ngôn ngữ yêu thương ở trẻ để góp phần làm đầy “khoang tình yêu” – “nơi chứa đựng sức mạnh tình cảm, giúp trẻ vượt qua những thử thách trong thời thơ ấu và niên thiếu”. Những cách biểu đạt tình cảm của cha mẹ không chỉ đáp ứng nhu cầu yêu thương, mà còn góp phần hình thành nên tâm lý và tính cách về sau của con trẻ.
- Chương 1: Tình yêu là nền tảng
- Chương 2: Ngôn ngữ yêu thương thứ 1: Cử chỉ âu yếm
- Chương 3: Ngôn ngữ yêu thương thứ 2: Lời khen ngợi
- Chương 4: Ngôn ngữ yêu thương thứ 3: Thời gian chia sẻ
- Chương 5: Ngôn ngữ yêu thương thứ 4: Quà tặng
- Chương 6: Ngôn ngữ yêu thương thứ 5: Sự tận tụy
- Chương 7: Cách phát hiện ngôn ngữ yêu thương cơ bản của trẻ
- Chương 8: Kỷ luật và các ngôn ngữ yêu thương
- Chương 9: Việc học của trẻ và các ngôn ngữ yêu thương
- Chương 10: Sự giận dữ và tình yêu
- Chương 11: Sử dụng ngôn ngữ yêu thương trong hôn nhân
Với giọng văn gần gũi, lồng ghép các bài học hết sức tài tình, độc đáo, cùng với việc kết hợp những câu chuyện đời thường, đặc biệt là hướng dẫn cha mẹ quan sát vấn đề dưới góc nhìn của con trẻ một cách khách quan và gần gũi, “5 ngôn ngữ yêu thương dành cho trẻ em” đã hỗ trợ các bậc phụ huynh rất nhiều trong việc nắm bắt tâm lý của con cái. Cũng như giúp họ hiểu rằng: tình thương và những sự khích lệ cha mẹ dành cho con cái không nên liên quan đến việc con mình được điểm A trên lớp, hay lỡ tay làm vỡ bộ cốc mới mua. Bởi một thứ tình cảm vô giá thì phải được vun đắp bằng một tình thương vô điều kiện.
VỀ TÁC GIẢ:
Gary Chapman không chỉ là một chuyên gia tâm lý, mà ông còn là Giám đốc Tập đoàn Tư Vấn Hôn Nhân & Đời Sống Gia Đình (Marriage and Family Life Consultants, Inc.) có trụ sở tại Mỹ. Gary Chapman tốt nghiệp Học viện Kinh Thánh Moody (Moody Bible Institute), lấy bằng cử nhân Đại học Wheaton, bằng thạc sĩ ngành nhân loại học tại Đại học Wake Forest, bằng thạc sĩ ngành Giáo dục Tôn giáo (M.R.E) và bằng tiến sĩ triết học (Ph.D) tại Southwestern Baptist Theological Seminary. Trong ngành tâm lý, Gary Chapman là một chuyên gia nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực tư vấn cải thiện và vun đắp các mối quan hệ. Trong ngành xuất bản, ông là một tác giả best-seller với bộ sách nổi tiếng Năm ngôn ngữ yêu thương đã phát hành hàng chục triệu bản và được dịch sang 38 ngôn ngữ trên thế giới.
Ross Campbell là chuyên gia tâm thần học, đã có 30 năm kinh nghiệm tư vấn cho các bậc phụ huynh trong vấn đề nuôi dạy con cái, và còn là tác giả cuốn sách bán chạy nhất 2 triệu bản “Làm thế nào để thực sự yêu thương con bạn” (tựa gốc: How to really love your child). Trong sự nghiệp của mình, ông đã tập trung vào việc viết và thuyết trình về các chủ đề nuôi dạy con cái trong một thế giới văn hóa luôn thay đổi với những thách thức đối với gia đình hiện đại. Cuốn sách của Tiến sĩ Campbell, “How to really love your teenager” đã giành được Gold Medallion Award. Tiến sĩ Campbell cũng đã viết rất nhiều về cách đối phó với sự tức giận ở trẻ em.
Có thể bạn muốn xem
NỞ TÀN – Biên niên ký
Những hạt bùn vạn dặm
Du hành vào thế giới giấc mơ trẻ thơ
Những điều tôi tin
Câu chuyện lịch sử 2.000 năm làm sách
Rèn Luyện Tư Duy Logic Trong Công Việc
Ký ức chưa bao giờ phai
6 Cuốn Sách Dạy Bạn Về Kinh Doanh Trực Tuyến
30 phút ăn chay