Trong bối cảnh giáo dục trường học ở Việt Nam gặp khủng hoảng và cả giáo viên và phụ huynh bị cuốn vào cơn sóng thần bằng cấp và thành tích, thuyết đa trí tuệ (nhiều trí thông minh) có nguồn gốc từ phương Tây đã được quan tâm và lan truyền ở Việt Nam.

Trên wiki tiếng Việt có hẳn một mục viết về “thuyết đa trí tuệ”. Ở đó wiki viết “Thuyết đa trí tuệ là một lý thuyết về trí thông minh của con người được nhìn nhận bằng nhiều cách, mang tính đa dạng, được nghiên cứu và công bố bởi tiến sĩ Howard Gardner. Theo Gardner, trí thông minh (intelligence) được ông quan niệm như sau ‘là khả năng giải quyết các vấn đề hoặc tạo ra các sản phẩm mà các giải pháp hay sản phẩm này có giá trị trong một hay nhiều môi trường văn hóa’ và trí thông minh cũng không thể chỉ được đo lường duy nhất qua chỉ số IQ”.
Cũng theo thông tin ở trang tham khảo mở này thì năm 1983, H. Gardner xuất bản “cuốn Frames of Mind (tạm dịch Cơ cấu của trí tuệ), trong đó ông công bố các nghiên cứu và lý thuyết của mình về sự đa dạng của trí thông minh (Theory of Multiple Intelligences)”.
Đọc ở đây, có vẻ như người ta có hàm ý nhấn mạnh rằng Gadner là ông tổ của thuyết đa trí tuệ và người Việt chỉ biết đến ông này.
Nhiều cuốn sách về lý thuyết này của H. Gadner, Amstrong… cũng được dịch ở Việt Nam và gây được ảnh hưởng nhất định.
Rất nhiều người ở Việt Nam có thể kể ra các loại hình trí thông minh được đề cập trong các cuốn sách trên như:

  • Trí thông minh ngôn ngữ
  • Trí thông minh logic toán họcTrí thông minh hình ảnh không gian
  • Trí thông minh âm nhạc
  • Trí thông minh vận động thể chất
  • Trí thông minh tương tác cá nhân

Tuy nhiên, có phải thực sự người Việt chỉ biết đến học thuyết về đa trí tuệ này trong khoảng 10-20 năm trở lại đây không?
Nếu bạn nghĩ như vậy thì bạn đã lầm to! Người Việt thực ra đã biết đến và truyền bá học thuyết này trước cả H. Gadner!
Ai? Khi nào? Chứng cứ đâu?

Người đó là Nguyễn Triệu Luật (1903-1946), bút hiệu: Dật Lang, Phất Văn Nữ Sĩ. Một nhân vật có cuộc đời sống động với cái kết buồn. Ông vừa là nhà giáo, nhà văn, nhà báo và cũng là một nhà chính trị.
Ông là một trong số những người hiếm hoi ở Việt Nam dùng sở học của mình (Tây học) để quan tâm tới tâm lý.

Ai là người Việt Nam đầu tiên biết đến và truyền bá thuyết đa trí tuệ?

Ông là người đã viết, biên dịch khá nhiều về tâm lý và đề cập đến những khái niệm-nội dung tâm lý học vẫn còn mới cả với rất nhiều sinh viên Việt Nam hiện nay. Thậm chí đọc tài liệu ông viết, dịch chúng ta có cảm giác nó còn sâu hơn, dễ hiểu hơn cả giáo trình tâm lý học-giáo dục học đang dùng cho sinh viên hiện nay. Chẳng hạn từ năm 1924-1926, trên tạp chí Nam Phong ông đã giới thiệu về:

  • Tính chất các hiện tượng về tâm lý
  • Thân thể và tinh thần
  • Thuyết Maudsley và Huxley
  • Đời tiềm thức
  • Chú ý
  • Nhân tính(quan niệm về bản nghã, nguyên tố cái bản ngã)
  • Phân loại các hiện tượng tâm lý và các tính người
  • Thế nào là tình tự
  • Khổ lạc tình
  • Cảm động tình
  • Duy tha hoạc vong kỷ khuynh hướng
  • Thế nào là trí?
  • Tri giác
  • Tưởng tượng…

Đặc biệt nhất, ông đã giới thiệu bằng cách biên dịch về thuyết đa trí tuệ. Xin trích nguyên văn:
Tính đa trí (hoặc gọi là tính thông minh)
Thông minh cũng có nhiều cách. Nhà tâm lý học xét theo máy cái óc người ta thì sành mà thường không hiểu nổi cái máy xe đạp, không cầm nổi ván tổ tôm. Nhà bác học tìm được định lệ phiền phức của vũ trụ mà đến việc tiền nong tính toán thì không hiểu gì. Bởi thế chớ có cho rằng người cờ cao là cầm quân giỏi.
Trong bọn học trò trong trường mà nói rằng có người giỏi khoa học, có người giỏi văn chương thì thật là sai lầm. Có người học trò, làm được cái tính thường ra ở lớp – người đó tức là người giỏi tính – mà nếu cho học môn số học cao thì không sao hiểu được. Có người, ông giáo cho là giỏi văn vì bài làm ít sai ít “phốt”, dịch “tem” Latin giỏi, nhưng vị tất óc người ấy đã đủ cái mềm mại, cái tưởng tượng, cái tư chất văn chương.
….
Mỗi cái thông minh xét ngoại vật một khác…
…Tính thông minh nhiều vô cùng, không sao kể cho hết được.
Có cái thông minh “rộng rãi” (étendu); có cái thông minh có giới hạn, hoặc gọi là thông minh “chuyên môn” (spécialisé); có cái “sâu sắc” (pénétrant); có cái “phù phiếm” (superficiel); có cái “sáng khởi” (inventif); có cái “thụ cảm” (réceptif), nghĩa là chỉ biết bắt chước; có cái “đúng mực” (juste), có cái “sai lầm” (faux); có cái “sáng suốt” (clair); có cái “mập mờ” (confus); có cái “quan sát” (observateur); có cái “trừu tượng” (abstrait), v.v..

Ai là người Việt Nam đầu tiên biết đến và truyền bá thuyết đa trí tuệ?
Nhà văn Nguyễn Triệu Luật với các nam sinh tại Vinh

Ông viết (biên dịch) những nội dung trên và cho đăng trên Nam Phong tháng 11/1924-8/1926 (Phụ lục “tâm lý hoc toàn đồ”, phần nội dung tôi chép lại ở trên lấy từ Nguyễn Triệu Luật, Tác phẩm đăng báo, Nguyễn Triệu Căn sưu tầm, NXB Tri thức, 2014 (bạn đọc có thể tra cứu trên Nam Phong).
Như vậy, chúng ta thấy Nguyễn Triệu Luật ít nhất đã đi trước người bây giờ cả gần thế kỷ!

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương