Trong điển tích Phật giáo, có nhiều thuật ngữ thể hiện sự kiện ra đời của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni như: Thánh đản, Giáng sinh, Hạ sinh, Hạ phàm, Giáng phàm, Giáng trần, Giáng thần, Thị hiện, Ứng tích, Phật đản…, trong đó, ở Việt Nam phần lớn được định hóa bằng từ “Phật đản”, còn các từ khác ít khi xuất hiện hoặc vẫn được dùng nhưng không đặc chỉ sự kiện Đản sinh của Đức Thích-ca nữa. Và trong pháp tượng Đức Phật đản sinh cũng thể hiện rất đa dạng về thụy tướng, dạng thức, chất liệu… Nét khác biệt đó liên quan đến đặc điểm văn hóa, phong tục, tập tục tín ngưỡng của từng quốc gia, vùng, miền khác nhau; đồng thời qua đó chúng ta phần nào thấy được nét đồng – dị trong miêu tả sự kiện Đản sinh giữa kinh điển Phật giáo Nguyên thủy và kinh điển Phật giáo Phát triển. Đặc biệt, có một đặc điểm thụy tướng Đức Phật đản sinh được rất nhiều người quan tâm, đó là: khi Đức Thích Ca sinh ra và bước đi 7 bước, mỗi bước đi nở ra bông hoa sen và một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất mà nói rằng “Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn (Trên trời, dưới trời chỉ có duy nhất mình ta được tôn kính)”. Nhưng tay nào chỉ lên trời, tay nào chỉ xuống đất? và nó có ý nghĩa gì, gắn với Phật giáo như thế nào?

Theo dòng chảy thời gian, không gian (từ các nước Tây vực đến Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam…), chúng ta nhận thấy, về mặt tạo hình, hầu hết các tượng đản sinh của Ấn Độ cổ đều có thánh mẫu Ma-da cùng các thị nữ, thiên thần đến vây quanh nâng đỡ Thái tử Tất Đạt Đa (tên Đức Phật lúc mới sinh ra). Trong đó, thánh mẫu Ma-da và cung nữ trong các pháp tượng này đều hở ngực và thái tử sinh ra đều có thị nữ nâng giữ. Càng về sau, tượng đản sinh càng được che kín dần và các yếu tố huyền bí càng được khai thác nhiều hơn như hình tượng tứ Thiên vương mang pháp khí đến hầu cận, bước chân có hoa sen nâng đỡ, chung quanh có rồng vây quanh phun nước thơm tắm gội… Điều này có thể khẳng định rằng, về mặt tạo hình, hình tượng đản sinh luôn luôn được điều chỉnh theo quan niệm, quán tính tư duy của từng nền văn hóa, mỹ quan của từng thời đại, quốc gia, vùng miền, dân tộc…

Tuy nhiên, về tạo hình Đức Phật đản sinh được thờ ở các chùa Bắc tông (phổ biến miền Bắc Việt Nam) được tạo hình phổ biến dưới dạng tổ hợp tượng gọi là Thích Ca sơ sinh với tượng Thích Ca là một cậu bé mình trần, mặc váy ngắn (hoặc có số ít là dưới dạng y vai trái (mặc áo choàng dài hở vai phải) với một tay chỉ trời, một tay chỉ đất. Toàn bộ pho tượng nhỏ được đặt trong tòa cửu long biểu tượng chín rồng phun nước tắm cho Thích Ca khi mới sinh ra (cửu long phún thủy). So sánh tượng Đản sinh cổ ở một số chùa ở miền Bắc có thể thấy sự khác nhau như: tay trái chỉ một ngón trỏ lên trời, tay phải cũng với kiểu như vậy song chỉ xuống đất (hình thức của thủ ấn “Thượng phẩm hạ sinh”) hoặc hình thức ngón giữa gập vào ngón cái với một tay đưa lên một tay đưa xuống như thủ ấn “Trung phẩm hạ sinh”, hoặc ngón áp út gập vào ngón cái như thủ ấn “Hạ phẩm hạ sinh”. Ngoài ra, trong thực tế, còn có nhiều dạng thức chỉ tay khác như: một tay chỉ trời bằng 2 ngón trỏ và giữa, một tay buông thõng hướng xuống đất… và phổ biến hơn cả là một tay chỉ trời và một tay chỉ đất theo hình thức kết ấn “Phật pháp bất nhị” (gập hai ngón út và ngón nhẫn lại chạm vào ngón cái, các ngón khác thẳng) với ý nghĩa Phật pháp không có hai, Phật pháp chỉ có một, Phật pháp nhập thế.

Về sự kiện Thái tử Tất Đạt Đa được sinh ra từ dưới cánh tay phải của thánh mẫu Ma-da, được miêu tả khá nhất quán trong kinh điển Phật giáo. Việc Thái tử chỉ tay nào lên trời thì hầu hết các kinh sách đều khẳng định, khi mới đản sinh, Thái tử đã chỉ tay phải lên trời, tay trái xuống đất. Kinh Thái tử thụy ứng bản khởi ghi: “Nâng tay phải lên, đứng yên rồi tuyên bố rằng…”; kinh Dị xuất Bồ-tát bản khởi: “(Thái tử) liền chỉ tay phải lên trời mà tuyên bố rằng: “Trên trời dưới trời, không gì tôn quý hơn ta”; kinh Quá khứ hiện tại nhân quả ghi: “Nâng tay phải lên mà tuyên bố như tiếng sư tử rằng…”; kinh Phật thuyết quán tẩy Phật hình tượng ghi: “Sinh ra tiếp đất liền đi bảy bước, nâng cánh tay phải mà tuyên bố rằng …”; Phật tổ thống kỷ cũng ghi: “(Thái tử) tự đi bảy bước rồi đưa tay phải lên mà tuyên bố rằng …”…

Theo tính thống nhất từ đản sinh, xuất gia, thành đạo, nhập niết – bàn đều cùng một ngày mồng 08 trong các tháng tương ứng đến việc nhập thai từ mạn sườn phải, hạ sinh từ mạn sườn phải cùng với việc miêu tả hình tướng Đức Phật đản sinh trong hệ thống kinh chính thống thì không có trường hợp ngoại lệ về việc Thái tử chỉ tay trái lên trời, tay phải xuống đất.

Từ việc trích dẫn kinh điển chứng minh việc Thái tử hạ sinh chỉ tay phải lên trời, tay trái xuống đất cho thấy rằng, việc “chỉ tay trái lên trời, tay phải xuống đất” trong các pháp tượng là thiếu căn cứ kinh điển, thiếu hẳn tính nhất quán trong các sự kiện tương ứng và không phù hợp với quan niệm “hữu tôn tả ti”(1) (phải là tôn kính, trái là ti tiện) của Ấn Độ cổ.

Bức tranh Phật Thích Ca sơ sinh được mô tả trong kinh “Phật thuyết độ (đạc) lượng tạo tượng kinh” (Đức Phật thuyết về cách thức và tỉ lệ tạo tượng) do Tổ đình Xiển Pháp in ấn, hiện lưu giữ tại chùa Vũ Lăng, Thanh Oai, Hà Nội.

Ảnh, chú thích: Thượng tọa Thích Tiến Đạt, chùa Đại Từ Ân, Đan Phượng, Hà Nội.

Phiên âm, dịch nghĩa: Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Ban Văn hóa trung ương GHPGVN

– Dòng chữ bên phải: Phiên âm: Thích Ca Phật sơ sinh tượng cử hữu thù đồ. Dịch nghĩa: Bức tranh Phật Thích Ca mới sinh giơ tay phải lên trời.

– Hai dòng chữ bên trái: Phiên âm: Thường nhân sơ sinh thời diệc hữu y thưởng phú cái, hà huống pháp vương sơ sinh năng ngôn: thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn, tất hữu trân bảo y thưởng, bất tu khỏa thể. Dịch nghĩa: Người bình thường, khi mới sinh ra còn có mảnh vải che thân, huống chi là một đấng pháp vương được tôn vinh là bậc tôn kính cho cả chư thiên và loài người thì chắc chắn khi sinh ra phải có đồ trân bảo che thân, chứ không thể không có.

Tượng Đức Phật đản sinh (Thái tử Tất Đạt Đa)
thờ ở Vườn Lâm Tì ly (Lumbini), nơi Ngài đản sinh (Nepan ngày nay).

Theo nghiên cứu của Phan Trương Quốc Trung về kết quả khảo sát tượng đản sinh (chủ yếu dựa trên việc so sánh tượng được chụp ghép trong cuốn The Birth of the Buddha và cuốn Lumbini Beckons) theo chiều dọc thời gian và chiều ngang không gian, tức các tượng đản sinh từ trước Công nguyên đến thời cận đại và chiều ngang không gian từ các nước cổ Tây vực đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam(2) cho thấy, các tượng cổ ở Ấn Độ không có ngoại lệ nào chỉ tay trái lên trời, tay phải xuống đất mà hầu hết các tượng đản sinh trong thời này là buông cả hai tay xuống đất như hình chụp ở các trang 431, 432, 440, 441, 442, 444, 446, 448, 450, 456 (The Birth of the Buddha); các tượng đưa tay phải lên trời, tay trái xuống đất như hình ở trang 94 (sách Buddha’s Birth-place in Nepalese: Art & Archaeology, tác giả Namo Buddhaya: A Buddhist Sutdy) và các hình ở trang 437, 438, 439, 452, 453, 457 (The Birth of the Buddha); các tượng đưa tay trái lên trời, tay phải xuống đất chiếm tỉ lệ rất ít, đồng thời chỉ có tượng ở Trung Quốc như trang 458 (The Birth of the Buddha). Tượng Đức Phật đản sinh ở Việt Nam, tỉ lệ chỉ tay trái lên trời, tay phải xuống đất chiếm tỉ lệ khá cao, theo thống kê sơ bộ, số tượng kiểu này chiếm khoảng 30% và chủ yếu ở các tự viện miền Bắc và trong Phật giáo Bắc tông.

Tượng Thích Ca sơ sinh, gỗ sơn son thếp vàng, thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17 – 18.
Nơi lưu giữ: Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Tượng Thích Ca sơ sinh, gỗ sơn son thếp vàng, thời Nguyễn, kỷ 19 – 20.
Nơi lưu giữ: Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Và thế kết ấn “Phật pháp bất nhị” (Phật pháp không có hai, Phật pháp chỉ có một, Phật pháp nhập thế).

Điều đáng nói là tỉ lệ đưa tay trái lên trời, tay phải đưa xuống đất của pháp tượng Đức Phật đản sinh ở các tự viện miền Bắc chiếm nhiều hơn so với đưa tay phải lên trời, tay trái xuống đất. Mặt khác, qua khảo sát sơ bộ những tượng Thích Ca sơ sinh theo chiều dài lịch sử Việt Nam thì hầu hết biểu tượng này hiện còn cũng chỉ có niên đại từ thời Lê Trung Hưng trở lại đây, trong đó, hầu hết các tượng có niên đại sớm hơn (thời Lê Trung Hưng) thì pháp tượng được thể hiện tay trái chỉ trời, tay phải chỉ đất là phổ biến, còn những tượng có niên đại muộn hơn (từ thời Nguyễn) thì pháp tượng với tay phải chỉ trời, tay trái chỉ đất lại phổ biến hơn. Tuy nhiên, về tạo hình mẫu tượng thì cơ bản thống nhất dạng Thích Ca sơ sinh trong tòa cửu long, đặc biệt là trên chất liệu gỗ sơn son thếp vàng. Đến nay, pháp tượng Thích Ca sơ sinh được tạo tác rất phong phú, đa dạng về cả loại hình, kiểu dáng, chất liệu, thế chỉ tay…

Trong quá trình nghiên cứu, đã có rất nhiều học giả, tác giả với nhiều cách tiếp cận, lý giải, khác nhau về thế chỉ tay của pháp tượng Đức Phật đản sinh. Trong khuôn khổ bài viết này, theo tôi, có thể lý giải hiện tượng này trên 2 cơ sở như sau:

Thứ nhất, sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Trung Hoa nói chung và Phật giáo Trung Hoa nói riêng, đặc biệt là hệ phái Phật giáo Bắc tông. Như kết quả khảo sát trên đã cho thấy, các tượng đưa tay trái lên trời, tay phải xuống đất chiếm tỉ lệ rất ít và chỉ có ở Trung Quốc. Khi Phật giáo Bắc tông từ Trung Quốc tiếp tục lan tỏa, phát triển mạnh ở Việt Nam mà dưới thời Lê Trung Hưng tiêu biểu là 2 dòng Lâm Tế, Tào Động. Hệ thống phối thờ các tượng (thể hiện cuộc đời Đức Phật hoặc liên quan đến Phật giáo) trong Phật điện trở nên phong phú, đa dạng, trong đó loại hình tượng Thích Ca sơ sinh (Đức Phật đản sinh) có ảnh hưởng từ Trung Hoa cũng phổ biến trong các Phật điện thời kỳ này.

Thứ 2, trong bối cảnh đất nước (Đại Việt) hơn 200 năm (thế kỷ 16 – 18) các thế lực phong kiến tranh giành quyền lực là cơ hội để văn hóa dân gian, mạch ngầm văn hóa dân tộc phát triển với tâm thức của cư dân nông nghiệp luôn ước nguyện mưa thuận, gió hòa, âm – dương giao hòa phát sinh, phát triển được thể hiện qua nhiều lĩnh vực đời sống, tiêu biểu là trong tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật… Vì vậy mà Phật giáo, một tôn giáo được tiếp nhận từ rất sớm và trở thành tôn giáo dân tộc cũng không thể không có những ảnh hưởng sâu đậm yếu tố tín ngưỡng dân gian, và cũng có thể, pháp tượng Thích Ca sơ sinh với tay trái chỉ trời (mang ý nghĩa: tay trái – âm nối trời – dương), tay phải chỉ đất (mang ý nghĩa: tay phải – dương nối đất – âm), trong bối cảnh ấy, đã có sự ảnh hưởng và phát triển mạnh mẽ. Nhưng đến thời Nguyễn, khi đất nước hòa bình, ổn định, hệ thống chính quyền và các lĩnh vực xã hội được thiết lập lại. Mặc dù Nho giáo được coi trọng phục vụ cho công cuộc củng cố chính quyền, cai trị đất nước nhưng các yếu tố, tinh thần cốt lõi, nguyên thủy của Phật giáo cũng có điều kiện và dần được nghiên cứu, khôi phục, trong đó, việc nghiên cứu về cách thức tạo tượng Phật giáo được quy định, thực hiện khá bài bản và trở thành yếu tố trong hệ thống kinh sách Phật giáo thời kỳ này mà cuốn kinh “Phật thuyết độ (đạc) lượng tạo tượng kinh” (Đức Phật thuyết về cách thức và tỉ lệ tạo tượng) do Tổ đình Xiển Pháp (nay ở phố Cát Linh, Hà Nội) in ấn, hiện lưu giữ tại chùa Vũ Lăng, Thanh Oai, Hà Nội là một ví dụ. Theo đó, sự xuất hiện pháp tượng Thích Ca sơ sinh dạng thức nguyên thủy với tay phải chỉ trời, tay trái chỉ đất được tạo theo quy chuẩn và dần trở nên phổ biến.

Như vậy, qua pháp tượng Đức Phật đản sinh (Thích Ca sơ sinh) với động tác chỉ tay đã góp phần cho chúng ta thấy được, từ cái nôi Phật giáo Ấn Độ, sự lan tỏa Phật giáo đến mỗi quốc gia, vùng miền, dân tộc đều đã ít nhiều chịu sự ảnh hưởng văn hóa bản địa để phù hợp với đời sống cư dân, từ đó, Phật giáo tiếp tục được phát triển ngày càng phong phú, đa dạng đồng thời còn giúp chúng ta hiểu biết hơn về lịch sử, sự tiếp thu, phát triển Phật giáo ở Việt Nam cũng như phản ánh thực tiễn, tư duy và đời sống xã hội Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Đây là vấn đề hiện đang được rất nhiều công chúng quan tâm, đó không chỉ là sự quan tâm mang tính chất tín ngưỡng mà còn là sự quan tâm tìm hiểu lịch sử, văn hóa. Vì vậy, đây cũng là vấn đề đặt ra cho Phật giáo, các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, nhận diện cốt lõi, đặc trưng văn hóa Phật giáo nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung để từ đó kế thừa, phát huy, góp phần định hướng phát triển văn hóa Việt Nam trong thời đại mới một cách khoa học và bền vững./.

Chú thích:

(1) Các kinh luận trích dẫn trong bài này đều giải thích rằng, quan niệm của người Ấn Độ cổ là “phải – tôn quý; trái – thấp hèn”.

(2) Phần tượng Trung Quốc, Việt Nam chủ yếu dựa vào hiện vật tại các chùa ở Việt Nam và tượng trưng bày ở một số bảo tàng ở Việt Nam, Trung Quốc.

Ths. Nguyễn Thị Thu Hoan

Tài liệu tham khảo:

1. Phan Trương Quốc Trung. Nghiên cứu về pháp tượng, thụy tướng đản sinh và nghi thức tắm Phật. Tạp chí Liễu Quán – Huế, số 17, tháng 5 – 2020, tr.89 – tr.98.

2. Max Deeg, Giovanni Verardi, Michael Hahn. The Birth of the Buddha. Printed in Nepal, Dongol Printers, Kathmandu.  

3. Kinh “Phật thuyết độ (đạc) lượng tạo tượng kinh” (Kinh: Đức Phật thuyết về cách thức và tỉ lệ tạo tượng). Tổ đình Xiển Pháp in ấn, hiện lưu giữ tại chùa Vũ Lăng, Thanh Oai, Hà Nội.

nguồn: http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/72061/phap-tuong-djuc-phat-djan-sinh-thich-ca-so-sinh-tim-hieu-tu-the-chi-tay-cua-phap-tuong-djuc-phat-djan-sinh.html