Cuốn sách kinh điển về nghệ thuật chơi sách của tác giả Vương Hồng Sển, xuất bản năm 1960, là một trong những tác phẩm đầu tiên định nghĩa về ‘Thú chơi sách’ – một thú chơi được coi là nhàn nhã, phong lưu.
Thú chơi sách trở thành một tác phẩm không thể thiếu đối với những người “si tình” với sách giống như tác giả Vương Hồng Sển. Kể từ lần xuất bản đầu tiên vào năm 1960 tại Sài Gòn (nhà sách Khai Trí), những ấn bản xưa của Thú chơi sách luôn được săn lùng.
Năm 2019, một ấn bản của Thú chơi sách đã thắng đấu giá 35 triệu đồng trong một cuộc đấu giá sách xưa và hiếm tại Đường sách TP.HCM.
Đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, NXB Trẻ vừa phát hành ấn bản đặc biệt của cuốn sách này. Sách có bìa cứng mang phong cách cổ xưa và những tấm hình được chụp tại Vân Đường phủ, căn nhà của ông Vương Hồng Sển. Phần mục lục chi tiết nêu rõ từng nội dung nhỏ giúp bạn đọc thuận tiện tra cứu và tham khảo.
Nội dung cũng bám sát ấn bản xưa, với cách viết gạch nối và những từ cổ có thể xa lạ với độc giả hiện đại, nhưng hàm chứa nhiều thông tin quý giá về chữ quốc ngữ và ngôn ngữ miền Nam.
Người quý trọng sách thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều thế hệ dễ dàng bắt gặp mình trong tác phẩm này. Những suy nghĩ, chiêm nghiệm và tâm sự của tác giả về giá trị cùng cái đẹp của sách và nghệ thuật chơi sách hẳn sẽ nhận được sự tán đồng, tâm đắc của bạn đọc.
Mượn lời nhiều tác giả, ông Vương Hồng Sển gọi “những pho sách xinh xinh” là “bằng hữu”, những người bạn “không khi nào phiền nhiễu tôi, và một khi tôi hỏi han điều gì, vẫn có câu trả lời túc trực. Có bạn nhắc tôi những dĩ vãng êm đềm năm cũ, có bạn chỉ tôi những huyền diệu trong vũ trụ hiện thời. Bạn dạy tôi sống cho phải đường, bạn dạy tôi chết cho phải cách”.
Yêu sách như vậy, người chơi cũng biết phân biệt sách hay sách dở, ban đầu thâu lượm tất cả những sách gặp được, sau đó chắt lọc lại, “tự mình làm thầy, tự mình học hỏi lấy mình”, chọn giữ lấy những gì đáng quý. Người chơi sách cũng mê thích sách lạ, in khéo, bìa đẹp nhưng đặc biệt quý trọng giá trị nội dung, cái giá trị giúp cho cuốn sách thành “trường cửu”.
Xuất phát từ ham thích tìm tòi của một học giả, nhà sưu tầm, ông Vương Hồng Sển chú tâm thu thập nhiều ấn bản khác nhau của cùng một tác phẩm, từ ấn bản đầu tiên đến các bản in giấy đẹp, có chữ ký tác giả, minh họa hay thêm nội dung đặc sắc. Trong Thú chơi sách, ông hãnh diện kê ra 26 ấn bản Truyện Kiều và 11 ấn bản Lục Vân Tiên mình sưu tầm được, mỗi bản mang một giá trị riêng.
Người yêu sách thời nay thêm đồng cảm khi tác giả bày tỏ ước mơ được mở một hiệu sách quý, sách cổ, sự kén chọn với từng tác phẩm hay nỗi buồn bực trước “cái họa cho mượn sách”.
Đặc biệt, ông Vương Hồng Sển khuyến khích tủ sách người Việt cần có cả sách Pháp, sách Anh, sách Trung – Hoa nhưng cần kíp là phải cứu vớt sách chữ Nôm, một bộ phận quý giá của ngôn ngữ dân tộc. Nỗi lo, nỗi thương dành cho sách và ngôn ngữ chứng tỏ tấm lòng của một nhà văn hóa lớn
Bên cạnh đó, tác giả cũng chia sẻ về tuổi thơ đọc sách, về người mẹ đã gieo vào lòng ông tình yêu với sách, về những câu chuyện hoặc con người thú vị mà ông tao ngộ trên hành trình sưu tầm.
Thú chơi sách là một ấn bản đẹp về cả hình thức lẫn nội dung, giúp độc giả khám phá mọi sắc thái của thú chơi phong lưu bậc nhất, qua đó khơi gợi trong mỗi con người khát khao lưu giữ vốn tri thức và văn hóa dân tộc.
Vương Hồng Sển (1902 – 1996) bút hiệu Anh Vương, Vân Đường, Đạt Cổ Trai, là nhà văn hóa, học giả, người sưu tầm cổ ngoạn uy tín trong giới sử học và khảo cổ ở Việt Nam.
Ông sinh ra ở Sóc Trăng, mang trong mình ba dòng máu Kinh, Hoa và Khmer.
Niềm đam mê trọn đời của Vương Hồng Sển là đọc sách, sưu tầm, tìm tòi và ghi chép tất cả những điều tai nghe mắt thấy. Các tác phẩm của ông phần nhiều thuộc dạng hồi ký, bút ký – là nguồn tư liệu sống động và quý giá cho thấy đời sống, suy nghĩ, văn hóa ở xã hội năm xưa.
Khi qua đời, ông hiến tặng ngôi nhà (Vân Đường phủ) và bộ sưu tập cổ vật (tổng cộng 849 món) cho nhà nước. Ngày 5/8/2003, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định xếp hạng ngôi nhà là di tích cấp thành phố và là di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống.
Có thể bạn muốn xem
Bí ẩn bên trong "mê cung chết chóc" đội lốt khách sạn của tên sát nhân hàng loạt
Tác giả ‘Lỡ hẹn Paris’ ra mắt sách tại Hà Nội
“Anh hùng xạ điêu”: Những triết lý thú vị không phải ai cũng nghiệm ra
Cửa hàng phở Nam Định mượn danh họ Cồ
Kim tự tháp được lắp ghép từ hàng nghìn chiếc máy giặt tái chế
Nhấn nút tái tạo
Hà Hương Sơn – cây xương rồng nở hoa
Con rồng trong bể kính – Câu chuyện thật về quyền lực, nỗi ám ảnh và loài cá đáng thèm muốn nhất
Khoảnh khắc của sự thật – Jan Carlzon đã marketing hóa hãng hàng không Scandinavia như thế nào