NXB Kim Đồng vừa ra mắt bạn đọc ấn phẩm Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập của nhà báo 8X Kiều Mai Sơn nhân kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Tác giả thể hiện theo hình thức kể chuyện giản dị, hướng về người đọc trẻ.
Trước ấn phẩm Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập, Kiều Mai Sơn là tác giả của hai ấn phẩm Người lính Điện Biên kể chuyện (người kể Đỗ Sơn Ca) và Suốt đời học Bác, đều do NXB Kim Đồng ấn hành. Cả hai đều cho thấy một tinh thần làm việc tâm huyết, cầu thị và nghiêm túc trong cách thể hiện cũng như việc chắt lọc nguồn sử liệu để truyền tải đến bạn đọc. Ở ấn phẩm vừa ra mắt cũng vậy.
Tác giả đã dày công thu thập, tìm hiểu, phân loại, đối chiếu các nguồn tài liệu để có được những tư liệu chi tiết, cụ thể về bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và hoàn thiện. Đó là tư liệu của những người được sống, làm việc cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lại, hay kể lại như hồi ký Vũ Đình Hòe, hồi ký Trần Huy Liệu, hồi ký Võ Nguyên Giáp, hồi ký Lê Thanh Nghị…
Với Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập, tác giả đã đặt văn bản Tuyên ngôn Độc lập vào trong tư duy nhất quán của Bác Hồ trong suốt quá trình đi tìm đường cứu nước. Đó là quá trình thống nhất và bền bỉ từ Bản yêu sách của nhân dân An Nam (1919) gồm 8 điểm và Bản án chế độ thực dân Pháp (1925). Cũng qua các tài liệu mà tác giả tìm thấy, bạn đọc được biết, Bác Hồ đã tìm đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ khi còn ở chiến khu Việt Bắc.
Sau khi soạn thảo, Người cho đọc và tham khảo ý kiến của các thành viên Chính phủ lâm thời là những trí thức uy tín trước khi hoàn thiện. Đó là minh chứng rõ ràng cho tác phong làm việc khoa học, cũng như thái độ cầu thị, trọng thị trí thức của Người.
Đặc biệt, hầu hết các cuốn sách viết cùng đề tài đều ở dạng nghiên cứu, tư liệu, còn Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập của tác giả Kiều Mai Sơn lại được thể hiện theo hình thức kể chuyện giản dị, hướng về người đọc trẻ. Bằng nguồn tài liệu tham khảo phong phú và đa dạng, qua ấn phẩm này, tác giả đã nỗ lực phục dựng bối cảnh cách mạng năm 1945: Từ hội nghị Tân Trào, sự ủng hộ của quốc dân đồng bào, vua Bảo Đại thoái vị, Bác trở về thủ đô, thành lập Chính phủ đoàn kết mở rộng, quá trình Người viết Tuyên ngôn Độc lập… Nhờ đó, đọc Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập, bạn đọc ngày nay dễ dàng có được một bức tranh cụ thể về ngày 2-9 tại Quảng trường Ba Đình 76 năm về trước.
QUỲNH YÊN
nguồn: https://www.sggp.org.vn/an-pham-bac-ho-viet-tuyen-ngon-doc-lap-huong-den-ban-doc-tre-758473.html
Có thể bạn muốn xem
Phương thuốc chánh niệm mầu nhiệm
Chính sách của các vương triều Việt Nam đối với người Hoa
hồi ký Cỏ dại
Hà Nội xưa: Cạnh hồ Hoàn Kiếm là hồ Thái Cực
Thanh niên khởi nghiệp
Đang yếu khoan ra gió
Đối thoại với Mahavatar Babaji
Rau đắng biển
Vùng cách ly