Ngày 9/5 đánh dấu mốc giải phóng của người dân châu Âu. Nhiều năm trôi qua, nhưng khát vọng hòa bình, tự do và mong muốn hàn gắn vết thương vẫn được nhân loại nhắc đến.
Sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, sự kiện “Những ngày Văn học châu Âu” (diễn ra trong khoảng thời gian 5/5-15/5) quay trở lại với nhiều hoạt động giao lưu, giới thiệu sách hay có bản quyền từ các quốc gia châu Âu.
Trong khuôn khổ đó, cuộc diệt chủng người Do Thái, sự vươn lên và khát vọng tìm tự do cho dân tộc cũng như giải phóng tâm trí sau những tổn thương nặng nề được độc giả nhắc đến trong nhiều cuốn sách.
Edith Eva Eger hay Viktor Frankl nằm trong số người ít ỏi sống sót sau cuộc diệt chủng này. Những tổn thương, sự kìm kẹp mà họ phải chịu đựng đã được chuyển hóa thành sức mạnh và khát vọng tự do. Câu chuyện đó được kể trong một số ấn phẩm của họ.
Sức mạnh hàn gắn vết thương
Đi tìm lẽ sống của Viktor Frankl được mệnh danh là “cuốn sách kinh điển của thời đại”. Tác giả – một trong số nhân chứng của chiến tranh – gây bất ngờ khi trong trang sách, ông không hề đề cập những khó nhọc, đau thương, mất mát đã trải qua. Thay vào đó, ông viết về sức mạnh kỳ diệu đã giúp bản thân tồn tại và con đường tìm ra ý nghĩa của cuộc sống. Cuốn sách gây được tiếng vang khi có tới hơn 12 triệu bản in trên toàn cầu.
Không thể phủ nhận rằng văn chương có tính hàn gắn vết thương cho con người. Khi cuốn sách này được xuất bản, nó đã truyền cảm hứng sống cho nhiều người. Trong đó có TS Edith Eva Eger – một trong những nhân chứng còn sống sót của cuộc diệt chủng Do Thái. Điều này thôi thúc bà viết nên các cuốn Sự lựa chọn – Nơi ngục tối không thể ngăn hi vọng nở hoa và Quà tặng cuộc sống – 12 chìa khóa chữa lành quá khứ tổn thương.
Cả 2 tác giả đều hướng người đọc đến sự phục hồi sau chấn thương. Họ cho rằng trải nghiệm trong quá khứ là bài học quý giá của con người. Thông qua 3 cuốn sách, các tác giả muốn nhắn nhủ tới bạn đọc thông điệp “nỗi đau nào rồi cũng sẽ vượt qua và ai cũng có quyền tận hưởng cuộc sống hạnh phúc”.
Khát vọng tự do
Sự lựa chọn – Nơi ngục tối không thể ngăn hi vọng nở hoa là cuốn hồi ký hướng dẫn chữa lành tổn thương từ một người sống sót trở về từ trại tử thần Auschwitz: TS Edith Eva Eger. Đây là cuốn sách được các nhân vật nổi tiếng khuyên đọc như tỷ phú Bill Gates, “nữ hoàng truyền thông” Oprah Winfrey, Tổng giám mục đoạt giải Nobel Hòa bình Desmond Tutu…
Đặc biệt, trong thời kỳ con người căng thẳng chống chọi với đại dịch, tỷ phú Bill Gates chia sẻ: “Tôi nghĩ nhiều độc giả sẽ tìm được sự an tâm khi đọc những hướng dẫn của bà Eger và xử lý được những tình huống khó khăn”.
Sách gồm 4 phần chính: Nhà tù, Trốn chạy, Tự do và Chữa lành. Trong 2 phần đầu, Edith Eger đưa chúng ta quay trở về những năm tháng khi thảm họa diệt chủng Holocaust diễn ra và cũng là quãng đời khi bước vào lứa tuổi trưởng thành khó quên của bà.
Bà phải chịu nhiều bất công và đau khổ, từ việc bị loại khỏi đội tuyển Thể dục Dụng cụ dự thi Olympic vì là người Do Thái, cha mẹ bị ép đến phòng khí độc và ngạt hơi cho đến chết, cho tới chịu sự ghê tởm và sợ hãi của người khác sau khi được trả tự do, hay cuộc trốn chạy kịch tính cùng chồng đến vùng đất tự do.
Còn trong 2 phần cuối của cuốn sách, Edith Eger tập trung kể lại cách đối mặt với quá khứ và sức mạnh nội tại khiến bà trở thành một tiến sĩ tâm lý học lâm sàng. Quá trình ấy được thể hiện từ câu chuyện điều trị cho cô bé biếng ăn đến những cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam…
Với văn phong kể hấp dẫn, lôi cuốn, giọng điệu mang chất thơ, cuốn sách như một bộ phim với những hình ảnh rõ ràng, rành mạch. Câu chuyện xuất phát từ trải nghiệm cá nhân và những bệnh nhân của tác giả không thôi gợi nhắc người đọc tìm đến sự tự do hoàn toàn trong tâm trí.
Những hồi ức của một nhân chứng sống đã giúp cuốn sách tái hiện chân thực sự vươn lên mạnh mẽ từ ngục tối của những người sống sót sau chiến tranh trở về.
Trên tất cả, ta thấy được một Edith Eger kiên cường vươn lên, chấp nhận tha thứ để không chỉ giải phóng tâm trí của bản thân, mà còn chữa lành vết thương cho nhiều người khác.
Truyền cảm hứng sống cho nhiều người
Edith Eva Eger đã vượt qua quá khứ và tổn thương trở thành một tiến sĩ tâm lý đi hàn gắn vết thương cho nhiều người. Bệnh nhân của bà là doanh nhân, nạn nhân chiến tranh, cá nhân với những tổn thương khác nhau.
Sau khi cuốn sách đầu tiên đầy hấp dẫn của Edith Eger – Sự lựa chọn – kể lại câu chuyện về hành trình tìm đến tự do của bà, hàng nghìn độc giả trên thế giới đã viết thư gửi Eger để kể về sự xúc động, truyền cảm hứng mà cuốn sách đã mang lại cho họ.
Từ hiệu ứng này, trong cuốn tiếp theo của bà – Quà tặng cuộc sống – Eger tiếp tục tiết lộ 12 chìa khóa truyền thông điệp về cách tự chữa lành tổn thương và khuyến khích độc giả thay đổi suy nghĩ, hành vi để có được cuộc đời tự do.
Với mỗi chìa khóa đó, Edith Eger lại truyền những cảm hứng sống cho nhiều người. Bà đã thay đổi cuộc đời của những bệnh nhân bằng câu chuyện của chính mình, làm sống dậy trong họ những mảng màu hy vọng tươi sáng nhất cho dù họ đã phải trải qua một trong những chương đen tối nhất của lịch sử nhân loại.
Chứa đầy sự đồng cảm, sâu sắc nhưng không kém hài hước, tác phẩm đưa ra lời khuyên giúp bạn đọc tự thoát ra khỏi “nhà tù cá nhân” để tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn hơn, hướng đến cánh cửa tự do hoàn toàn.
“Tận hưởng món quà của cuộc sống là tìm ra món quà trong mọi biến cố, ngay cả những biến cố đầy đau đớn mà chúng ta không chắc mình có thể vượt qua”, tác giả nhắn nhủ.
nguồn: https://zingnews.vn/bai-ca-ve-su-vuon-len-tim-tu-do-post1315507.html
Có thể bạn muốn xem
‘Là bạn nhưng vạn lần tốt hơn’ – Đi tìm con người tối ưu nhất của bạn
3 câu đố của công chúa Turandot trong tập truyện cổ “Ngàn lẻ một ngày”
Con Đã Về Nhà – I’m Home
Con đường vô tận
Nhà văn Như Bình ra mắt thơ, tùy bút và giới thiệu tác phẩm hội họa
Mắt kính không vướng bụi
Những người đi giữ biên cương
Các bước triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học
Nội Tình Sau Hôn Nhân