Bàn về nguồn gốc các tôn giáo từ sự hỗn tạp của những biểu tượng, thần thoại, nghi lễ và những tư tưởng tôn giáo trên thế giới, Eliade đã dựng nên một bức tranh tầm vóc về mối quan hệ mật thiết giữa con người và thần thánh, trải dài hàng nghìn năm. Trước ông, để nghiên cứu về lịch sử các tôn giáo, người ta thường cố gắng nắm bắt chúng thông qua các tôn giáo lớn như Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo, mà đôi khi bỏ qua những tôn giáo cổ sơ, những tín ngưỡng bản địa nguyên thủy, và nghiên cứu chúng theo một diễn trình lịch sử tuần tự. Còn đối với Eliade, thay vì nghiên cứu lịch đại, tuân thủ nguyên tắc niên biểu cứng nhắc, ông nghiên cứu đồng đại với sự so sánh (so sánh mô thức giữa các tôn giáo) trên một phạm vi rộng lớn. Eliade nghiên cứu đa dạng từ các nền văn minh cổ đại như Ai Cập, Lưỡng Hà, Trung Hoa, Hy – La cho tới các vùng văn hóa như châu Phi, châu Úc (Australia và New Zealand), Indonesia, Bắc cực, các tộc người như người Iroquois, người Esquimo, Polynésian, Melanesian, tộc Khond…

Cách tiếp cận về tôn giáo của Mircea Eliade có sự tương đồng và kế thừa mạnh mẽ từ hiện tượng học của Martin Heidegger, sự phân biệt tư duy ma thuật và tư duy tôn giáo của James Frazer và đặc biệt là trải nghiệm tôn giáo của Rudolf Otto. Hiện tượng học chính là xương sống trong cách tiếp cận tôn giáo của Mircea Eliade, khi ông coi tôn giáo là một thứ đặc biệt và tự phát, không thể định đoán dựa trên phương diện lịch sử, xã hội, kinh tế, tâm lý hay các hiện tượng phi tôn giáo đơn thuần. Đối tượng nghiên cứu của Eliade là linh hiển (hierophant – sự biểu hiện của tính thiêng trong thế giới), mà như Eliade đã viết “chúng tôi tránh không nghiên cứu những hiện tượng tôn giáo trong bối cảnh lịch sử của chúng, mà chỉ hạn chế ở việc xem xét trong bản thân hiện tượng tôn giáo, để hiểu được chúng với tư cách là những linh hiển”. Có nghĩa là, lịch sử (hay nguồn gốc) của các dòng tôn giáo ở đây, được truy nguyên từ sự phát lộ của những linh hiển.