Điều không thể nói, điều không muốn nói, điều chưa có cơ hội để nói, nếu không nói ra sẽ trở thành quá muộn.
Lydia chưa biết bơi. Dù cô đã đi tập bơi suốt cả mùa hè với anh Nath. Lydia rất muốn thỏa cái cảm giác nổi lơ lửng trên mặt nước là như thế nào. Nhưng đấy phải là lúc cô còn sống cơ.
Nhìn từ bên ngoài, nhà Lee là một gia đình hạnh phúc. Ông chồng James là một giáo sư được yêu mến tại trường đại học, bà vợ Marilyn giỏi nấu nướng và đảm đang. Ba người con của họ đều tài giỏi, đứa lớn Nath thì được nhận vào trường Harvard, đứa thứ hai Lydia là học sinh xuất sắc ở trường, đứa út Hannah lại là một cô bé cực kỳ ngoan ngoãn.
Nhưng trong tâm trí của mỗi thành viên lại có những suy nghĩ riêng mà không ai hiểu được. James vật lộn trong đống bài vở của đám sinh viên, ông chỉ mong muốn được hơi ấm phụ nữ ôm lấy mình. Tuy nhiên ông lại không nói với vợ con.
Marilyn ngày đêm mơ đến lớp Hóa – Sinh vẫn còn đang dang dở tại trường đại học, giấc mơ trở thành bác sĩ vẫn ám ảnh bà. Khi biết mình không còn cơ hội nào, Marilyn dồn giấc mơ đó cho đứa con gái bà yêu quý nhất, Lydia. Nhưng bà cũng không nói những điều đó với chồng con.
Tác phẩm Bao điều không nói của Celeste Ng.
Kể từ xem chương trình khoa học trên TV, Nath bắt đầu đam mê thiên văn học, cậu muốn sau này trở thành phi hành gia hoặc làm việc trong NASA. Vậy mà trong nhà không một ai quan tâm đến điểm A môn Vật lý cậu giành được, hay lá thư trường Harvard gửi về mời cậu nhập học. Nath ghét bố mẹ, ghét cả cô em gái cậu từng rất yêu thương Lydia, và chỉ muốn nhanh chóng thoát khỏi căn nhà này. Cuối cùng Nath vẫn không biến những suy nghĩ đó thành lời nói.
Hannah giống như một đứa trẻ vô hình trong gia đình. Họ quên bày bát đĩa của cô, không bao giờ hỏi chuyện học ở trường, không dẫn cô đi tập bơi, và thậm chí đôi khi cũng quên mất sự tồn tại của cô trên đời. Thú vui duy nhất của Hannah là trộm đồ đạc trong nhà, cô cất giữ chiếc bật lửa của bố, dây chuyền của chị Lydia và vô số đồ lặt vặt khác. Nhưng cô không bao giờ kể chuyện đó cho ai biết.
Còn Lydia rất muốn nói cho bố rằng cô không hề có bạn bè nào trong suốt nhiều năm qua, nói với mẹ rằng cô không còn hiểu được các công thức Vật lý phức tạp kia, và đừng mua thêm sách cho cô nữa. Lydia muốn tâm sự với Nath rằng cô không muốn anh rời đi, khi ngôi nhà này ngột ngạt quá đến mức cô không thể chịu đựng nổi. Lydia cũng luôn muốn dặn Hannah, nếu em thực sự muốn điều gì, em phải nói ra, nếu không em sẽ hối hận cả đời. Tuy vậy, chính Lydia lại không làm được điều đó.
Tất cả những điều họ không nói đã trở thành ác mộng. Xác của Lydia được tìm thấy đáy hồ, mất một nửa mặt vì bị ngâm quá lâu trong nước. Một cái xác câm lặng nhưng phơi bày hết một thứ gì đó đã mục ruỗng từ lâu trong chính nhà Lee, những người Trung Quốc duy nhất trong thị trấn này.
Lấy bối cảnh những năm 1970 tại một thị trấn nhỏ nước Mỹ, Bao điều không nói của Celeste Ng đã vẽ nên một bức tranh nhức nhối ẩn đằng sau vẻ bên ngoài yên bình giả tạo. Cái chết dưới hồ của một cô gái có thể là chủ đề bàn tán cho cả thị trấn trong suốt thời gian dài, nhưng quan trọng hơn đó là một cô gái Trung Quốc mắt xanh. Sự phân biệt chủng tộc ngầm len lỏi qua cộng đồng nhỏ bé này là một cái tát thẳng vào mặt những kẻ ngoại tộc ở đây.
Với mạch truyện chậm rãi và buồn thảm, Bao điều không nói thử thách sự kiên nhẫn cực độ của người đọc. Nếu cuốn sách được chuyển thể, độc giả có thể mường tượng được màu sắc u tối và xám xịt trong từng cảnh của phim hiện ra như thế nào. Nhưng trên tất cả, cuốn sách là bài học giáo dục sâu sắc dành cho các bậc phụ huynh, người trước giờ vẫn luôn ảo tưởng rằng mình đã hiểu hết tâm tư của những đứa trẻ.
Theo Thu Hoài/zing.vn
Có thể bạn muốn xem
Kinh tế Trung Quốc những rủi ro trung hạn
Tần Thủy Hoàng có thực sự là “Tên bạo chúa”?
Chỉ là gió trên cánh đồng
Nơi chúng ta thuộc về
Cushion và những “cái khó” cho giới văn phòng
Cẩm nang Canva – Thiết kế dễ như chơi
Một Cuộc Đời Bất Tận
Những phác họa đầy mạnh mẽ và dịu dàng
Tái bản “Người chiến sĩ dạ sắt gan đồng” nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Phạm Hùng