Là một truyền thuyết phổ biến từ thời của những cuộc Thập tự chinh, câu chuyện Thánh George giết rồng đã được nhắc tới trong nhiều tác phẩm. Trong khi Thánh George đã được tôn kính như là một vị Thánh kỵ sĩ từ tận thế kỷ thứ 7, người ta chỉ còn tìm thấy những ghi chép về ông vào thế kỷ thứ 11.
Một tác phẩm khá nổi tiếng có ghi chép về chuyện Thánh George giết rồng là “Legenda Sanctorum” (Tạm dịch: Những truyền thuyết vàng), một tập hợp về tiểu sử các vị Thánh được Jacobus da Varagine hoàn thành vào những năm 60 của thế kỷ 13, với khoảng hơn 1000 bản thảo còn sót lại cho tới ngày nay.
Theo “Legenda Sanctorum”, truyền thuyết Thánh George giết rồng xảy ra tại một vùng đất tên là Silene ở Libya, nơi có đô thành Lasia mà quốc vương Selinus trị vì.
Không biết từ lúc nào, có một con rồng tới sống trong một lòng hồ lớn tại Silene và khiến nơi đây trở thành địa ngục. Để con rồng không gây náo loạn, người dân Silene đã nạp cho nó hai con cừu mỗi ngày. Nhưng cừu phải mất 5 tháng để mang thai, và lại còn phải tốn 1 năm để trưởng thành, nên đàn cừu của Silene cứ vơi dần theo thời gian.
Khi hết cừu, người dân nơi đây bắt đầu rút thăm để cống nạp cho con rồng con cái của họ. Vào một ngày nọ, nàng Sabra, con gái của đức Vua là kẻ không may bị rút trúng. Đau buồn, nhà Vua đã xin được đổi lấy toàn bộ tiền bạc và một nửa vương quốc của mình để thay cho công chúa. Nhưng người dân Silene không chấp nhận.
Không còn cách nào khác, nhà Vua đành cho con gái mặc áo cô dâu, và đưa nàng tới hồ nước nơi con rồng sinh sống với lời hứa rằng ai có thể cứu được công chúa thì kẻ đó sẽ lấy nàng làm vợ.
Lúc bấy giờ, Thánh kỵ sĩ George vừa mới đặt chân tới Libya qua nhiều tháng rong ruổi trên đất liền và trên biển. Vị Thánh kỵ sĩ tình cờ đi ngang qua hồ, và nhìn thấy nàng công chúa lạc lõng bị trói tại đây.
Khi nhìn thấy vị khách lạ, công chúa lập tức kêu lên và giục chàng trai nhanh chóng chạy trốn khỏi con rồng. Tuy nhiên, là một vị kỵ sĩ, Thánh George không chấp nhận bước đi khi người khác còn đang gặp nạn. Chàng nhanh chóng cởi trói cho công chúa trong sự lo lắng của nàng.
Trong khi hai bên còn đang nói chuyện thì con rồng đột ngột xuất hiện với một tiếng gầm rú. Lúc này, Thánh George lập tức ngồi lên ngựa, làm dấu thập tự giá, rồi vụt phóng tới với cây thương của mình. Cú va chạm làm vũ khí của Thánh George bị gãy, còn con rồng thì bị thương xuyên qua.
Mất thương, Thánh George tiếp tục dùng gươm khiến con quái vật nhận thêm nhiều thương tích nặng nề. Cuối cùng, nó đổ gục quy thuận…
Thánh George quay lại mượn công chúa dải dây lưng, quàng lên cổ con rồng rồi đưa một đầu dây cho nàng. Như một con cừu ngoan ngoãn, con rồng lặc lè lê thân bị thương đằng sau công chúa.
Vị Thánh kỵ sĩ cùng công chúa trở về Lasia, nơi con rồng vẫn còn khiến cả đô thành hốt hoảng. Bản thân người dân cũng không dám lại gần để giết chết con quái thú đang yếu ớt. Cũng trong dịp đó, Thánh George đã nói với họ về đức tin Cơ đốc giáo của mình, và bí mật sức mạnh của Thánh kỵ sĩ tới từ đức tin. Vậy là toàn bộ đô thành Silene làm lễ rửa tội để trở thành tín đồ Cơ đốc. Sau đó, Thánh George chém đầu con rồng.
Vị Thánh kỵ sĩ được vua Selinus gả công chúa Sabra theo đúng lời hứa. Nhà vua cũng xây dựng một nhà thờ Đức mẹ và Thánh George ngay tại địa điểm con rồng bị Thánh George chém đầu. Một dòng suối chảy ra từ bệ thờ bên trong nhà thờ đó, và theo truyền thuyết thì nó có thể chữa được mọi loại bệnh tật.
Câu chuyện về Thánh George giết rồng cũng mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng trong Cơ đốc giáo. Thời Chúa trời tạo ra con người, Tổng lãnh Thiên thần Michael đã chiến thắng quỷ Satan, vốn sau này được mô tả là một con quái thú hay một con rồng màu đỏ.
Trong sách tiên tri Khải Huyền cũng mô tả về việc một con thú hay một con rồng đỏ sẽ mê hoặc Chư Thần và nhân loại, và khiến một trận giao tranh Chính – Tà xảy ra. Cũng cần chú ý rằng rất nhiều sự việc được tiên tri thường mang ngôn ngữ biểu tượng, nên thông thường con rồng đỏ sẽ là thể hiện của một thế lực nào đó tại thế giới con người, chứ không phải là một con rồng thực sự xuất hiện tại nhân gian. Vậy nên chiến thắng của Thánh George trước con rồng cũng mang ý nghĩa gợi nhắc tới hai sự kiện đó, một là sự kiện của quá khứ, một là sự kiện của tương lai – hoặc giả – của hiện tại?
Quang Minh
Nguồn: trithucvn
Có thể bạn muốn xem
Nhà văn NGUYỄN ANH VŨ và truyện ngắn “Cửa Bắc”
Marketing for Dummies
Gai Hướng dương
Nhà thơ Phạm Phương Lan: Và bão giông đã dừng sau cánh cửa
Vàng trên biển đá đen
LÀM SAO HỌC ÍT HIỂU NHIỀU
Cẩm nang Canva – Thiết kế dễ như chơi
Healing and Recovery – Chữa lành và Hồi phục
Hoàng đế